Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 21/03/2023 08:14 GMT+7

Căn hầm bí mật tại nhà 183/4

Biên phòng - Vừa qua, tại triển lãm “Bản hùng ca Xuân Mậu Thân 1968”, do Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức, nhân kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, công chúng đã được gặp nhiều nhân chứng lịch sử và chiêm ngưỡng nhiều hiện vật từng tham gia vào cuộc Tổng tiến công này. Trong số đó, gây ấn tượng với tôi là chiếc xe xích lô chở mủ cao su của chiến sĩ Biệt động Đỗ Văn Căn (bí danh Ba Mủ) đã sử dụng để hoạt động hợp pháp chuyên chở vũ khí chuẩn bị cho các trận đánh của Biệt động Sài Gòn từ năm 1954 - 1975.

1ev4_5a
Chiếc xe xích lô chở vũ khí của biệt động Ba Mủ trưng bày tại triển lãm “Bản hùng ca Xuân Mậu Thân 1968”. Ảnh: Nguyên Thanh

Kho vũ khí đặc biệt trong nội đô Sài Gòn

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Năng, Giám đốc Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam chia sẻ: “Căn hầm bí mật giấu vũ khí ở nội đô Sài Gòn đặt tại nhà ông Đỗ Văn Căn, số 183/4 đường Trần Quốc Toản, quận 3 (nay là đường 3/2, quận 10), đã góp phần làm nên những trận đánh táo bạo, vang dội của Biệt động Sài Gòn cách đây 50 năm”.

Ông Đỗ Văn Căn sinh năm 1923, ở Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội. Năm 1942, ông vào Sài Gòn lập nghiệp. Trong thời gian đi làm thuê, chứng kiến cảnh đốc công và chủ hãng quát tháo, đánh đập người thợ, lại được sự giác ngộ trực tiếp của cán bộ cách mạng cùng làm ở hãng, Đỗ Văn Căn đã tham gia đấu tranh, chống lại sự đối xử bất công của chủ.

Năm 1962, theo chỉ thị của cấp trên, ông Đỗ Văn Căn và một số cán bộ hoạt động nội thành chuyển sang Đội Biệt động 159, do đồng chí Nguyễn Thanh Vân (Ba Đen) làm Đội trưởng. Năm 1964, trước yêu cầu nhiệm vụ mới của tổ chức, gia đình Đỗ Văn Căn bán ngôi nhà cũ, chuyển sang ngôi nhà mới ở địa chỉ 183/4 đường Trần Quốc Toản (nay là đường 3/2 thuộc quận 10, thành phố Hồ Chí Minh), đối diện Cơ quan Viện trợ quân sự Mỹ, bên cạnh là Học viện quốc gia hành chính của ngụy quyền và Biệt khu thủ đô (ngụy).

Theo chỉ đạo của cấp trên, ông đưa gia đình về sinh sống và hoạt động cách mạng dưới vỏ bọc cơ sở ép đế giày. Nhận lệnh cấp trên, Đỗ Văn Căn phải học nghề cán mủ cao su, cái tên Ba Mủ cũng bắt đầu từ đó. Trong thời gian học và hành nghề, ông đã tạo được một lớp “vỏ bọc” khá vững chắc. Lúc đầu, bọn địch nghi ngờ đã cử một tên mật vụ theo dõi ông hơn hai tháng từ khi ra khỏi nhà cho đến lúc tới xưởng cán mủ cao su, nhưng không phát hiện được gì nên chúng bỏ cuộc.Cũng trong thời gian này, A20 và A30 - đơn vị bảo đảm chiến đấu biệt động thành được thành lập. A20 làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí vào nội thành, A30 xây dựng hầm bí mật ém quân và vũ khí.

Đầu năm 1965, Ba Mủ nhận được lệnh từ A30, gấp rút xây căn hầm bí mật tại nhà để chứa vũ khí. Nhận nhiệm vụ, ông đã suy nghĩ và chọn đào hầm ngay tại phòng khách, bởi đây là nơi bất ngờ mà bọn địch không nghĩ tới. Để bí mật làm hầm, ông phải lấy cớ đưa cả gia đình đi nghỉ mát, rồi trên đường đi, với lý do có việc bận đột xuất, ông đã quay trở lại Sài Gòn.

Gần sáng, Ba Mủ bí mật luồn vào nhà mình bằng chìa khóa riêng, bắt tay vào công việc đào hầm bí mật. Một mình Ba Mủ đào, khuân đất, xây, trát, sau 25 đêm miệt mài, tháng 5-1965, hầm được hoàn thành. Căn hầm có chiều ngang 1,8m, dài 2,2m, sâu 1,7m, có ống thông hơi. Nắp hầm nằm trên nền nhà, được tạo bởi 6 miếng gạch khớp nhau, đậy khít miệng hầm, vừa một người chui. Những sinh hoạt của gia đình diễn ra bình thường ngay trên nắp hầm mà không một ai hay biết gì.

Dùng xích lô vận chuyển súng đạn

Căn hầm được cấp trên đánh giá cao về độ an toàn cũng như địa điểm bất ngờ. Cấp trên tiếp tục giao cho ông nhiệm vụ tiếp nhận và cất giấu vũ khí tại căn hầm này. Kế hoạch hợp đồng, vận chuyển được A20 bàn bạc, tính toán tỉ mỉ, kỹ lưỡng và giao cho Ba Mủ phối hợp thực hiện. Vũ khí của Biệt động Sài Gòn được giấu trong mủ cao su, Ba Mủ nhận những bánh cao su đặc biệt đem về cất giấu tại hầm bí mật.

Một ngày giữa tháng 7-1965, Ba Mủ đầu đội chiếc mũ nhựa trắng đạp chiếc xe xích lô đến điểm hẹn và ngồi uống nước ở cạnh một nhà cơ sở của ta. Khoảng 10 phút sau, một chiếc ô tô tải chở những khối mủ cao su đến. Những khối mủ cao su có hình dáng, trọng lượng giống hệt khối mủ thường. Khi đến trước cửa một ngôi nhà có dựng một cây chổi và gần đó có người đàn ông to béo đội mũ nhựa trắng đang ngồi (ám hiệu an toàn), người lái xe tải đỗ lại và nhanh chóng dỡ những khối mủ cao su xếp xuống đất. Xong việc, chiếc xe nhanh chóng hòa vào dòng người, dòng xe đông đúc trên đường phố. Ba Mủ đứng dậy, trả tiền nước, tranh thủ quan sát xung quanh. Khi không thấy dấu hiệu gì khả nghi, Ba Mủ đến bốc những khối mủ cao su lên xe xích lô, chở về nhà.

Hai lần vận chuyển như vậy diễn ra trót lọt. Đến chuyến thứ 3, khi Ba Mủ vừa lăn 2 khối mủ từ xích lô xuống đất, trước cửa nhà mình thì vợ ông ngồi thụp lên khối mủ, lấy chiếc nón đội trên đầu quạt lia lịa. Ba Mủ liếc nhìn ra ngoài, thấy có 3 tên cảnh sát khu vực đang đi vào ngõ, cách nhà khoảng gần chục mét. Chưa biết xử lý thế nào thì vợ ông giục: “Anh đưa các chú ra ngoài uống nước cho mát”.

Ba Mủ hiểu ý vợ, nhanh nhẹn mời bọn chúng ra ngoài uống nước và không quên giúi vào tay chúng ít tiền. Khi mấy tên cảnh sát đi khỏi, Ba Mủ thấy vợ đã đưa được 2 khối mủ cao su vào trong nhà. Bà chỉ cho chồng thấy nòng khẩu súng AK đen ngòm chọc thủng khối mủ, nhô ra ngoài. Ông hơi bất ngờ và càng khâm phục sự nhanh trí của vợ mình. Sau đó ít lâu, vợ ông cũng được phân công cùng chồng bảo vệ kho vũ khí tại hầm bí mật của gia đình.

Do có thành tích vận chuyển và cất giấu vũ khí, năm 1966, đồng chí Ba Mủ được tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng. Vinh dự lớn nhất vào ngày 31-12-1966, Ba Mủ được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, một cánh quân xuất phát từ Phú Định tiến về Sài Gòn, đến điểm hẹn tại nhà ông Ba Mủ để tiếp nhận vũ khí, đạn dược... Sau năm 1968, ngôi nhà thường xuyên bị khám xét nhưng căn hầm vẫn không bị địch phát hiện. Hầm giữ được bí mật đến chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4-1975.

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngày 26-3-1976, Ba Mủ đã tặng lại chiếc xe xích lô cùng khối mủ cao su cho Bảo tàng Đặc công. Hầm bí mật chứa vũ khí trong thời kỳ chống Mỹ (1965-1975) đã được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia; được UBND quận 10 đưa vào làm địa điểm tham quan, phục vụ nhân dân và du khách gần xa.

Nguyên Thanh

Bình luận

ZALO