Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:19 GMT+7

Cần giải pháp hữu hiệu chấm dứt tình trạng di cư tự do

Biên phòng - Nghe lời xúi giục ngon ngọt của kẻ xấu, một số hộ dân tộc Mông ở bản Hua Lạnh, xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La rời bỏ bản làng, mang theo khát vọng đổi đời về “miền đất hứa” bằng con đường di cư sang Lào cư trú bất hợp pháp. Khi cuộc sống thực tại nơi đất khách quê người không như mong ước, họ đã trở về quê cũ với hai bàn tay trắng, không tấc đất cắm dùi.

t5z1_7a
Một góc bản Hua Lạnh, xã Nậm Lạnh. Ảnh: An Ninh

Chúng tôi đến bản biên giới Hua Lạnh, xã Nậm Lạnh khi trời vừa nhá nhem tối. Đang vào mùa làm nương nên trong bản chỉ có trẻ em và người già. Phải khó khăn lắm chúng tôi mới gặp được anh Hạ A Dơ, Công an viên của bản Hua Lạnh. Anh cho biết: “Cả bản Hua Lạnh có 56 hộ với 387 nhân khẩu, trong năm 2017, có 4 hộ với 37 nhân khẩu di cư sang Lào, hiện có 1 hộ với 7 khẩu quay trở về. Đa số người dân di cư sang Lào, khi ở quê cuộc sống đều rất khó khăn, một phần do kẻ xấu xúi giục, một phần kinh tế khó khăn, những hộ này mơ đến miền đất hứa có cuộc sống khá giả hơn, đã bán hết tài sản để di cư sang Lào. Nào ngờ, cuộc sống bên ấy còn khó khăn gấp trăm phần, họ đành ngậm ngùi trở về quê cũ với hai bàn tay trắng”.

Màn đêm buông xuống. Bản Hua Lạnh càng trở nên tối tăm, lạnh lẽo vì điện lưới chưa có. Phải chờ đến 8 giờ tối, chúng tôi mới gặp được người cần gặp là anh Sồng A Dệnh, sinh năm 1993. Đầu năm 2016, anh Sồng A Dệnh nghe lời kẻ xấu đã bán hết tài sản, kể cả ruộng nương đưa vợ cùng 3 con di cư sang Lào sống bất hợp pháp, vừa được cơ quan chức năng nước bạn trao trả hồi tháng 9-2016.

Trong căn nhà xập xệ, vợ anh Dệnh đang nổi lửa nấu ăn. Dưới ánh lửa bập bùng, anh Sồng A Dệnh ngồi ôm gối co ro. Hỏi chuyện di cư, anh Dệnh bảo: “Nghe người bà con bảo, ở bên Lào đất rộng, người thưa, chịu khó làm ăn thì chỉ vài năm là thóc đầy nhà, trâu bò đầy chuồng. Vì thế, đầu 2016, vợ chồng tôi quyết định bán nhà, bán rẫy, gồng gánh cùng ba đứa con nhỏ vượt biên sang Lào... Sau một thời gian sống nơi đất khách quê người, vợ chồng tôi suốt ngày sấp mặt trên nương vẫn không đủ ăn, lại phải sống chui sống lủi, khổ lắm, đành phải khăn gói trở về thôi”.

Cũng là người thấm thía nỗi khổ do di cư tự do mang lại, anh Vừ A Thọ và chị Hạ Thị Dạ cùng ở bản Hua Lạnh đã nghe lời “đường mật” của kẻ xấu vẽ lên “miền đất hứa”. Tháng 6-2017, anh Thọ và chị Dạ khăn gói di cư sang Lào. Nào ngờ, vừa sang đến “miền đất hứa” đã bị Công an nước bạn tam giữ 3 tháng rồi trả về. Anh nói: “Giờ thì hối hận rồi, cho đi cũng chẳng dám đi nữa đâu”, anh Thọ tâm sự với chúng tôi.

Trời biên giới những ngày đầu năm vẫn còn lạnh giá. Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh bản, anh Hạ A Dơ tâm sự: “Không biết do ai chỉ đường, dẫn lối mà nhiều hộ nghe theo, di cư tự do sang Lào. Một số người di chuyển theo đường tiểu ngạch, số khác sử dụng hộ chiếu đi công khai dưới hình thức thăm thân. Họ đi cũng chẳng thông qua chính quyền địa phương. Nhưng trong số các hộ ra đi ấy cũng chẳng mấy ai làm ăn khấm khá gì. Sang bên đó phải làm quần quật suốt ngày đêm mà cuộc sống vẫn nghèo túng, không như họ nói. Sống chui lủi, ốm đau thì không được đến trạm xá vì sợ bị phát hiện... Cực khổ quá nên phải về chốn cũ”.

 Vẫn không quên được những ngày cơ cực bị lực lượng chức năng Lào giam giữ, anh Vừ A Thọ kể trong chua xót: “Hết cả rồi, tất cả mọi thứ, tiền bạc lẫn ruộng nương, bây giờ phải làm lại từ đầu! Thú thật, bây giờ tìm mỏi mắt trong nhà cũng chẳng có đồng bạc nào. Mình sai thật rồi. Cũng may, khi trở về được các cán bộ Biên phòng đến động viên, tặng quà rồi nói cho mình biết những quy định pháp luật của Nhà nước. Mình  hiểu rồi, giờ chỉ tu chí làm ăn thôi”.

Nhớ lại những ngày tháng lên khu vực biên giới để vận động bà con không di cư sang Lào cư trú bất hợp pháp, Thượng tá Nông Quốc Hải, Chính trị viên Đồn Biên phòng Nậm Lạnh chia sẻ: “Thời gian qua, trước thực trạng một số hộ đồng bào Mông ở địa bàn di cư khỏi nơi cư trú, đơn vị đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các đoàn thể triển khai nhiều đợt tuyên truyền, vận động nhân dân không di cư tự do. Bên cạnh đó, khi các hộ di cư trở về, đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương có chính sách hỗ trợ, giúp đỡ để động viên họ yên tâm định cư nơi quê nhà”.

Theo báo cáo thống kê của Đồn Biên phòng Nậm Lạnh, trong năm 2017, trên địa bàn xã có 10 hộ với 50 nhân khẩu di cư khỏi nơi cư trú, trong đó, 1 hộ với 5 nhân khẩu đã trở về và 6 hộ với 24 nhân khẩu đang có ý định di cư khỏi địa phương. Trước tình trạng đồng bào dân tộc Mông ở xã Nậm Lạnh di cư sang Lào cư trú bất hợp pháp gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác ổn định dân cư và trật tự an ninh trên địa bàn khu vực biên giới, đòi hỏi các cơ quan, ban, ngành địa phương cần phải thường xuyên bám nắm địa bàn, kịp thời phát hiện và đưa ra các giải pháp hiệu quả, đồng thời, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và vạch trần âm mưu, thủ đoạn của kẻ xấu để người dân phòng tránh. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cần thực hiện tốt các chương trình đầu tư phát triển kinh tế-xã hội... triển khai nhiều giải pháp hạn chế di cư tự do, từng bước ổn định cuộc sống cho người dân...

An Ninh

Bình luận

ZALO