Biên phòng - Những năm qua, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Hà Tĩnh đã góp phần rất lớn trong việc thay đổi diện mạo vùng nông thôn. Tuy nhiên, các địa phương vùng nông thôn cũng đang đối mặt với thách thức trong công tác đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, khi các phương tiện giao thông ngày càng gia tăng về số lượng.

Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì tiêu chí giao thông nông thôn được xem là một trong những tiêu chí quan trọng. Việc hoàn thành tiêu chí nông thôn tại các xã về đích nông thôn mới là yêu cầu khách quan, tạo điều kiện đi lại thuận lợi và đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế nông thôn. Nhờ đó hệ thống đường giao thông liên thôn, xã được đầu tư, cải thiện đáng kể. Hầu hết các tuyến đường đều được rải nhựa, đổ bê tông, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển đó cũng kéo theo những bất cập như các tuyến đường nhánh, ngõ nhỏ xuất hiện kéo theo nhiều điểm giao nhau nguy hiểm. Hơn nữa, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, bề rộng mặt đường còn hạn chế, phương tiện tham gia giao thông thiếu đảm bảo an toàn, sự hiểu biết của người dân vùng miền núi về luật giao đông đường bộ chưa đầy đủ, công tác tuyên truyền chưa được triển khai đúng mức. Ngoài ra, một nguyên nhân nữa khiến tai nạn giao thông địa bàn nông thôn xảy ra liên tục chính là lực lượng tuần tra, kiểm soát còn “mỏng” so với địa bàn rộng lớn.
Thông thường, nhận thức về luật giao thông đường bộ của một bộ phận người dân vùng nông thôn còn thấp, nhất là việc chấp hành đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Vì vậy việc tuyên truyền phải cụ thể, sâu sát, làm từng bước theo kiểu “mưa dầm, thấm lâu”. Việc tuyên truyền thường xuyên nhất là phát nội dung tuyên truyền hằng ngày trên các loa đài phát thanh của thôn, xã. Lồng ghép trong các buổi họp thôn xóm, đoàn thể để người dân biết chấp hành.
Để giảm thiểu tình hình tai nạn giao thông vùng nông thôn, những năm qua, tỉnh đã có nhiều cách làm hay góp phần “hạ nhiệt” tình hình tai nạn giao thông vùng nông thôn. Thông qua các đợt tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông với nhiều hình thức sinh động đã tác động tích cực và từng bước nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông đường bộ ở nông thôn. Đồng thời, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát nhằm ngăn ngừa, hạn chế tai nạn giao thông trên địa bàn.
Đặc biệt, tỉnh cũng chú trọng đến việc lắp đặt các biển báo, đèn tín hiệu giao thông, giải tỏa những điểm đen… góp phần hạn chế rủi ro về tai nạn, đảm bảo an toàn giao thông vùng nông thôn trên toàn tỉnh.
Trong số những nguyên nhân được xem là trực tiếp gây ra tai nạn giao thông thì nguyên nhân cơ bản là do ý thức chấp hành của người tham gia giao thông còn thấp. Vì thế, đảm bảo an toàn giao thông nói chung và đẩy lùi, kiềm chế tai nạn, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn nông thôn nói riêng thì giải pháp tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn giao thông, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng được xem là yếu tố hàng đầu và lâu dài.
Để thực hiện có hiệu quả công tác này cần có những giải pháp cụ thể, không phải chỉ tuyên truyền một cách chung chung mà phải tập trung vào những gì mà người dân nông thôn đang cần và đang thiếu như các kỹ năng điều khiển môtô, xe máy, điểu khiển xe khi đi qua đường, rẽ trái, tránh vượt, dừng xe, đảm bảo tốc độ hợp lý trên từng con đường... Bên cạnh đó, cần nhân rộng và phát huy vai trò mô hình, câu lạc bộ, lực lượng tự quản tại cơ sở về an toàn giao thông hoạt động có hiệu quả của các tổ chức đoàn thể, để việc tuyên truyền sát thực, dễ hiểu, dễ thực hiện.
Khánh Chi