Biên phòng - Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 15/9/2019 của Chính phủ về thí điểm tự chủ toàn diện 4 bệnh viện thuộc Bộ Y tế, mới đây, lần lượt Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K đề nghị xin ngưng tự chủ toàn diện do phải đối diện với muôn vàn khó khăn. Trước đó, cuối năm 2021, Bộ Y tế đã báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định không tiếp tục thí điểm tự chủ đối với Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Việt Đức khi 2 bệnh viện này chưa chính thức triển khai.

Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, tổ chức bộ máy biên chế và tài chính trong các đơn vị sự nghiệp nói chung và các đơn vị sự nghiệp y tế nói riêng là một trong những chủ trương của Đảng và Nhà nước nhằm mục đích đổi mới cơ chế quản lý phù hợp bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, phát huy mọi khả năng của các đơn vị sự nghiệp công lập trong việc cung cấp dịch vụ công với chất lượng cao.
Sau gần 10 năm thực hiện tự chủ tại các cơ sở dịch vụ y tế, bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định trong công tác bảo đảm về tài chính, nhiệm vụ chuyên môn, tổ chức máy biên chế, tuy nhiên cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập và tác động không mong muốn khi thực hiện chính sách này.
Đặc biệt, ngay khi thực hiện tự chủ, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K đã không lường hết hết các tình huống, các điều kiện kèm theo để bệnh viện có thể tự chủ toàn diện. Do các bệnh viện này không thể tự quyết được các vấn đề cốt lõi như: nhân lực, chính sách tiền lương, viện phí, đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế; nhân sự tổ chức…
Đơn cử, viện phí theo bảo hiểm y tế không đúng, tính đủ chi phí dịch vụ y tế nên có khả năng thu đủ bù chi và có tích lũy để phát triển là rất thấp, thậm chí không có bảo đảm kinh phí để trả lương, phụ cấp cho bộ máy, nhân viên. Các khoản thu không thể được điều chỉnh, trong khi nguồn hỗ trợ từ cắt ngân sách, hướng dẫn đến các bệnh viện khó khăn trong máy tư vấn, thiết bị, nhân lực, thu nhập của cán bộ, nhân viên y tế suy giảm nghiêm trọng, hàng loạt y, bác sĩ trình độ cao chuyển dịch sang y tế tư nhân có mức lương hấp dẫn.
Nhiều chuyên gia chỉ ra bất cập lớn nhất khi thực hiện Nghị quyết 33/NQ-CP là pháp luật chưa có những quy định cụ thể về thẩm quyền của bệnh viện khi tự chủ toàn diện. Ngoài ra, khi thực hiện tự chủ toàn diện, một vấn đề xã hội cần được quan tâm là sự cân bằng giữa tự chủ với việc thực hiện trách nhiệm xã hội và công bằng trong khám chữa bệnh.
Rõ ràng, cơ chế tự chủ tiềm ẩn nguy cơ các bệnh viện có khuynh hướng phải tìm kiếm thêm doanh thu thông qua việc cung cấp các dịch vụ kỹ thuật cao và xem nhẹ các dịch vụ cơ bản, khuyến khích khám chữa bệnh theo yêu cầu có giá cao hơn khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, dẫn đến chức năng xã hội của bệnh viện bị giảm sút, ảnh hưởng đến tiếp cận dịch vụ y tế của người nghèo.
Ở góc độ khác, thực tế, các bệnh viện như Bạch Mai, K, Việt Đức, Chợ Rẫy còn đóng góp vào quá trình quản lý phát triển Nhà nước đối với hệ thống y tế với vai trò của các bệnh viện tuyến cuối, đồng thời là các cơ sở y tế hàng đầu, dẫn dắt về chuyên môn kỹ thuật, nghiên cứu khoa học, nên phải thực sự vững chắc và ổn định. Bất kỳ biến cố bất lợi nào xảy ra tại tuyến này sẽ kéo theo hệ lụy của hệ thống y tế và cả sự ổn định của xã hội.
Thiết nghĩ, trong quá trình thực hiện tự chủ toàn diện, cần có sự bổ sung những quy định pháp luật cụ thể để chính sách giao quyền tự chủ cho các bệnh viện được xem như một công cụ để tận dụng tối đa năng lực của bệnh viện, tạo ra các động lực mạnh mẽ hơn cho đội ngũ y, bác sĩ, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh,chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân.
Thanh Thảo