Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:44 GMT+7

Căn cước gắn chip điện tử

Biên phòng - Mới đây, Bộ Công an đã báo cáo Chính phủ xin chủ trương cấp thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip điện tử thay cho CCCD mã vạch như hiện nay. Nếu được Chính phủ phê duyệt, từ tháng 11-2020, sẽ bắt đầu cấp CCCD gắn chip trên toàn quốc.

Đề án này đang được dư luận đặc biệt quan tâm bởi tính tiện lợi của CCCD gắn chip có thể tích hợp các thông tin, chứng từ cá nhân như bằng lái xe, giấy tờ xe, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và các loại giấy tờ có giá trị khác.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn về tính cấp thiết của đề án. Bởi chỉ trong vài năm mà người dân đã phải nhiều lần làm thủ tục chuyển đổi từ chứng minh nhân dân (CMND) 9 số sang CMND 12 số và khi việc thay thế CMND bằng CCCD có mã vạch vẫn chưa kết thúc, thì lại đổi sang CCCD gắn chip điện tử.

Thực tế, đến thời điểm này, 16 triệu CCCD mã vạch đã được cấp cho người dân tại 16 tỉnh, thành phố, nhưng Bộ Công an lại đề nghị công an các địa phương tạm dừng tuyên truyền tới người dân việc cấp đổi CMND sang CCCD mã vạch, để tiến tới cấp và sử dụng CCCD gắn chip. Các loại CMND cũ nếu còn thời hạn sử dụng thì vẫn có nguyên giá trị pháp lý.

Sự băn khoăn của nhiều người dân về tính cấp thiết của việc đổi CCCD gắn chip hoàn toàn chính đáng khi thiếu sự thống nhất trong việc quản lý công dân, quản lý CCCD. Việc triển khai CCCD gắn chip chỉ có thể phát huy được hiệu quả trên nền tảng dữ liệu thông tin đồng bộ, thống nhất giữa các lĩnh vực. Nhưng đến nay, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cư trú chưa hoàn thiện, nên việc chuyển đổi rất dễ rơi vào tình trạng “đầu voi đuôi chuột”, dẫn đến còn phải thay đổi, không chỉ gây phiền hà cho người dân, mà còn lãng phí nguồn lực của Nhà nước.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang gây nhiều khó khăn cho đất nước và người dân, việc bỏ ra một khoản chi phí lớn cho chuyển đổi CCCD gắn chip cũng nên xem xét một cách thấu đáo.

Lý giải việc không cấp CCCD gắn chip điện tử ngay từ đầu để tránh lãng phí, Bộ Công an cho biết: Gắn chip điện tử đã được tính đến khi bắt đầu xây dựng đề án cấp CCCD mã vạch, tuy nhiên, lúc đó chúng ta chưa sản xuất được nên giá thành rất cao. Đến nay, các doanh nghiệp trong nước có thể chủ động công nghệ và giá thành sản xuất rẻ hơn.

Bộ Công an cũng cho rằng việc chuyển đổi CCCD gắn chip không chỉ phù hợp với xu hướng công nghệ số đang phát triển, mà còn là đòi hỏi bức thiết trong xây dựng Chính phủ điện tử.

CCCD gắn chip có lượng thông tin lưu trữ lớn, có thể tích hợp nhiều loại giấy tờ có giá trị khác, nên người dân không phải mang nhiều loại giấy tờ khi giao dịch và làm các thủ tục hành chính công. Đồng thời, trên nền tảng thẻ chip, hoàn toàn có thể triển khai thêm các loại dịch vụ tiện ích trong tương lai như: tài khoản ngân hàng, thẻ ATM, ví điện tử... Qua đó, giúp cho việc thanh toán không dùng tiền mặt, dễ sử dụng và bảo quản, lưu trữ thông tin, hồ sơ cá nhân, tạo sự thuận lợi cho công dân khi thực hiện các giao dịch trực tuyến của Chính phủ điện tử.

Giải đáp lo ngại của dư luận về bảo mật thông tin của CCCD gắn chip, nhiều chuyên gia an ninh khẳng định, mức độ bảo mật của chip rất cao nhờ việc đối sánh sinh trắc học có thể được thực hiện ngay trên chip, cho nên thông tin định danh của công dân được lưu trên CCCD gắn chip là không thể thay đổi và không thể giả mạo.

Rõ ràng, CCCD gắn chip có rất nhiều tiện ích.Nhưng để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất giữa các cơ sở hạ tầng, giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cư trú với mục tiêu cao nhất là tạo thuận lợi cho người dân, cải cách hành chính, thì rất cần sự minh bạch, tính toán kỹ lưỡng, khả thi và trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong quá trình thực hiện.

Hoàng Lâm

Bình luận

ZALO