Biên phòng - Ngày 28-5, Quốc hội làm việc tại hội trường thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011-2016.
Qua thảo luận, các đại biểu đều khẳng định công tác quản lý vốn, tài sản Nhà nước, cổ phần hóa thời gian qua đã đạt nhiều kết quả tích cực, song các đại biểu cho rằng vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém. Trong thời gian tới, Chính phủ cần khắc phục những tồn tại, vướng mắc nhằm thực hiện tốt công tác này như: Kiện toàn hệ thống quy định của pháp luật về quản lý vốn, tài sản, cổ phần DNNN (xây dựng Luật Cổ phần hóa; hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân trong nước tham gia quá trình cổ phần hóa…); xử lý dứt điểm các tập đoàn, tổng công ty, dự án kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài; xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cá nhân sai phạm trong quá trình cổ phần hóa nhằm ngăn chặn thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước; quản lý chặt vấn đề sử dụng đất trước, trong và sau khi cổ phần hóa; bảo đảm công khai, minh bạch việc mua bán tài sản, thoái vốn của Nhà nước...
Đối với việc cổ phần hóa, Đại biểu Hoàng Văn Cường (thành phố Hà Nội) cho rằng, việc định giá doanh nghiệp cần quy định cụ thể hơn nữa, nhằm tôn trọng, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của doanh nghiệp và nhà đầu tư, không để thất thoát vốn Nhà nước, thu hút nhà đầu tư tham gia. Các phát hiện, đề xuất qua kiểm toán cần được tập hợp thành bộ tài liệu về định giá thông tin DNNN trong quá trình cổ phần hóa và đảo đảm công khai, minh bạch thông tin trong quá trình cổ phần hóa.
Về quản lý đất đai, thất thoát đất đai khi cổ phần hóa, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng, vấn đề này đã được khắc phục một bước khi ban hành Nghị định 126 của Chính phủ. Theo đó, DNNN thuộc diện cổ phần hóa có trách nhiệm rà soát toàn bộ diện tích đất đang quản lý, sử dụng để lập, hoàn thiện phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan trước thời điểm cổ phần hóa.
“Chính phủ cần chỉ đạo kiểm tra, giám sát các bộ, ngành, địa phương khi phê duyệt phương án sử dụng đất, quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sau cổ phần hóa. Không để xảy ra sai phạm khi phê duyệt phương án sử dụng đất hoặc để xảy ra trường hợp doanh nghiệp sau cổ phần hóa chuyển đổi mục đích sử dụng đất không đúng quy định như kinh doanh bất động sản, làm nhà ở, chung cư thương mại kiếm lời gây thất thoát tài sản Nhà nước”. - Đại biểu Hoàng Quang Hàm nhấn mạnh.
Theo đại biểu Nguyễn Minh Sơn, xử lý đất đai, xác định giá trị đất là vấn đề được quan tâm nhất trong quá trình kiểm toán thời gian qua. Đại biểu dẫn chứng: Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, hầu hết các Tổng công ty, Tập đoàn khi cổ phần hóa 2011-2015 đều không tính được giá trị lợi thế quyền thuê đất vào giá trị doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp có diện tích đất lớn, vị trí đắc địa nhưng không tính giá trị quyền thuê đất vào giá khởi điểm để đấu giá, dẫn đến giá trúng trong phiên đấu giá cao hơn nhiều so với giá khởi điểm.
Giải trình làm rõ một số nội dung liên quan đến định giá đất, quản lý, sử dụng đất đai trong quá trình cổ phần hóa, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, trước đây do hạn chế trong các quy định của pháp luật về đất đai, nên trong quá trình tiến hành rà soát quỹ đất, sử dụng đất để cổ phần hóa chưa có sự đánh giá về giá trị đất đai, dẫn đến khi tính toán giá trị doanh nghiệp, không tính toán được giá trị đất để tiến hành cổ phần hóa...
“Để khắc phục hạn chế trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 01/2017/NĐ-CP, việc quản lý đất đai trong quá trình cổ phần hóa được thực hiện chặt chẽ hơn, quy định cụ thể phương án sử dụng đất trước khi cổ phần hóa; việc xác định giá đất khi cổ phần phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và quy định của địa phương, công bố công khai, minh bạch... Bên cạnh đó, tiến hành thanh tra, kiểm tra các dự án cổ phần hóa. Nếu phát hiện vấn đề thiếu minh bạch, không phù hợp sẽ có biện pháp xử lý nghiêm”. - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Viết Hà