Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 25/03/2023 11:50 GMT+7

An toàn giao thông đường sắt:

Cần có giải pháp căn cơ

Biên phòng - Trong thời gian gần đây, cả nước liên tục xảy ra hàng loạt vụ tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng, ngành đường sắt đã nỗ lực tìm giải pháp để kéo giảm tai nạn, đảm bảo hành lang an toàn khi tàu lăn bánh. Qua phân tích tai nạn giao thông đường sắt nguyên nhân chủ yếu là do người tham gia giao thông đường bộ ý thức chấp hành pháp luật còn kém, thiếu chú ý quan sát. Một trong những giải pháp được nhắc đến nhiều nhất thời gian gần đây là xử lý các vị trí đường ngang và lối đi tự mở đường bộ giao cắt với đường sắt.

tz3f96bewl-8286_f_jplzpvga1_anh_1
Hiện trường nơi xảy ra vụ tai nạn tàu khách Bắc-Nam đã va chạm với xe tải đi qua đường sắt ngày 24-5-2018 tại địa phận tỉnh Thanh Hóa.

Đề án xử lý các vị trí đường ngang, lối đi tự mở đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến đường sắt quốc gia đã được Bộ Giao thông vận tải giao Cục Đường sắt Việt Nam chủ trì xây dựng. Theo ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam cho biết: “Mục tiêu của Đề án này là rà soát, đưa ra các biện pháp tổng thể nhằm thu hẹp, tiến tới xóa bỏ lối đi tự mở, vị trí đường sắt chuyên dùng giao với đường sắt, cải tạo, nâng cấp đường ngang trên đường sắt quốc gia và xác định lộ trình thực hiện”.

Sau một thời gian xây dựng, Cục Đường sắt Việt Nam đã có dự thảo Đề án trình lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, trong đó đưa ra 7 nhóm giải pháp cơ bản để xử lý các lối đi tự mở, đường ngang dân sinh giao cắt với đường sắt. Đáng chú ý nhất là các giải pháp như xây dựng hàng rào, đường gom và các công trình phụ trợ. Đây được đánh giá là nhóm giải pháp nòng cốt nhất để xử lý tình trạng đường ngang dân sinh, lối đi tự mở ngày càng xuất hiện nhiều.

Chỉ ra nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông đường sắt, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho rằng: “Xóa được các lối đi tự mở sẽ là giải pháp hữu hiệu nhất để giảm tai nạn giao thông đường sắt. Trong 3 năm trở lại đây, tai nạn giao thông đường sắt trên cả nước đã giảm cả 3 tiêu chí là số vụ, số người chết và số người bị thương. Thống kê trong 9 tháng năm 2018, tai nạn giao thông đường sắt đã giảm 18%. Tuy nhiên, chính sự tồn tại của các lối đi tự mở là nguyên nhân chính khiến tai nạn gia thông đường sắt vẫn xảy ra trong thời gian qua”.

Theo chuyên gia giao thông đô thị, tình trạng đường ngang và lối đi tự mở giao cắt đường sắt tồn tại và phát sinh nhiều như hiện nay do hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, do quy hoạch giao thông; thứ hai, do văn hóa tham gia giao thông của người dân. Không chỉ đường sắt mà ngay cả đường bộ, nhiều nơi đã có đường gom nhưng do nhiều người ngại đi xa, đi vòng nên vẫn cứ tìm cách xé rào, băng cắt qua đường sắt để đi cho nhanh.

Còn về quy hoạch giao thông, nhiều chuyên gia phân tích, đặc trưng của các điểm giao cắt trên các tuyến đường giao thông ở Việt Nam là giao cắt đồng mức. Trong khi đó, ở nhiều nước trên thế giới, phần lớn là giao cắt khác mức. Điều đó cho phép hạn chế tối đa các lối đi tự mở và đường ngang trái phép. Chính vì tính chất khác biệt này, khi thực hiện giải pháp xóa bỏ đường ngang giao cắt đường sắt nói riêng và Đề án xử lý các vị trí đường ngang, lối đi tự mở đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến đường sắt quốc gia nói chung, các cơ quan chuyên môn phải nghiên cứu và đưa ra giải pháp mang tính tổng thể và bền vững. Đặc biệt, giải pháp đó cần có tính đồng bộ giữa đường sắt và đường bộ.

Phương Hà

Bình luận

ZALO