Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:15 GMT+7

Cần có cơ chế đặc thù trong đầu tư, phân bổ ngân sách thúc đầy phát triển vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới

Biên phòng - Ngày 25-7, tại phiên thảo luận của Quốc hội về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm; các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025), đại biểu Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) thảo luận, đề nghị Chính phủ có cơ chế đặc thù trong đầu tư, phân bổ ngân sách Nhà nước cho các địa phương miền núi, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Đại biểu Đoàn Thị Lê An đề nghị ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển cho vùng DTTS, miền núi, biên giới. Ảnh: QH

Theo đại biểu Đoàn Thị Lê An, trong những năm qua, các tỉnh miền núi, biên giới, vùng đồng bào DTTS đã được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm và có nhiều chính sách ưu tiên, thể hiện qua các chương trình mục tiêu quốc gia và nhiều chính sách hỗ trợ khác. Nhờ đó, vùng đồng bào DTTS, miền núi đã có bước phát triển to lớn, toàn diện trên các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế khá nhanh, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ. Các dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt, niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước được củng cố vững chắc.

Tuy nhiên, vùng này vẫn còn là khu vực nhiều khó khăn nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất, thu nhập bình quân đầu người thấp nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cũng thấp nhất. Nguyên nhân của những tình trạng trên là do vùng đồng bào DTTS và miền núi chủ yếu là núi cao, biên giới, địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, chi phí cho sản xuất, lưu thông hàng hóa lớn nên khó khăn để thu hút nguồn lực xã hội đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; nguồn lực từ ngân sách Nhà nước dành cho các tỉnh miền núi, biên giới, vùng đồng bào DTTS trong những năm qua chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của vùng, nhất là đầu tư về hạ tầng thiết yếu.

“Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đời sống của người dân ở những vùng này càng hết sức khó khăn, đặc biệt là những khu vực biên giới, giao thương biên giới đóng cửa, lao động tại các nhà máy trở về địa phương không có việc làm, không có thu nhập. Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, để ngăn chặn nguồn lây lan từ bên kia biên giới, lực lượng BĐBP đã phối hợp với các lực lượng chức năng ngày đêm canh giữ, ngăn chặn từng đường mòn, lối mở qua biên giới. Nhờ đó, công tác phòng, chống dịch bệnh tại vùng biên giới đã được thực hiện tốt” - Đại biểu Đoàn Thị Lê An nhấn mạnh.

Lực lượng BĐBP luôn sát cánh giúp đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới phát triển kinh tế. Ảnh: Viết Hà

Theo đại biểu Đoàn Thị Lê An, nhằm khắc phục khó khăn cho miền núi, vùng DTTS và biên giới, đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm nghiên cứu có cơ chế đặc thù trong đầu tư, phân bổ ngân sách Nhà nước hằng năm cho các địa phương miền núi, biên giới, vùng đồng bào DTTS, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Trong xây dựng chính sách và phân bổ nguồn lực cần xem xét đến những đặc điểm khó khăn, đặc thù của miền núi, vùng DTTS, sớm đưa vùng này phát triển.

Để giải quyết được điểm “nghẽn” giúp cho vùng DTTS, miền núi phát triển, đại biểu Đoàn Thị Lê An đề nghị, cần nâng mức vốn đầu tư hằng năm cho miền núi, vùng DTTS, ưu tiên bố trí nguồn vốn để đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ kết nối khu vực miền núi, tạo điều kiện cho các tỉnh miền núi có điều kiện kết nối liên vùng, thúc đẩy vận chuyển hàng hóa, phát triển du lịch, phát triển kinh tế cửa khẩu, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.

Khẩn trương bố trí vốn để đầu tư xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc kết nối liên vùng, trong đó có tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng); lấy Cao Bằng làm điểm đầu của tuyến cao tốc Bắc - Nam, vì Cao Bằng là quê hương cội nguồn cách mạng, là điểm đầu của tuyến đường Hồ Chí Minh lịch sử, có vị trí quan trọng về địa chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, là cửa ngõ để kết nối Trung Quốc với các nước ASEAN, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước nói chung và phát triển kinh tế - xã hội miền núi, vùng DTTS và biên giới nói riêng.

Viết Hà

Bình luận

ZALO