Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:44 GMT+7

Cần có chính sách đặc thù cho lực lượng BĐBP

Biên phòng - Khẳng định tính cấp thiết ban hành Luật Biên phòng Việt Nam, đồng chí Nguyễn Thị Sửu, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có cuộc trả lời phỏng vấn Báo Biên phòng về một số nội dung liên quan đến dự luật này. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Đồng chí Nguyễn Thị Sửu.

- Đề nghị đồng chí cho biết tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của huyện A Lưới trong thời gian qua?

- A Lưới là huyện biên giới của tỉnh Thừa Thiên Huế có 89km đường biên, tiếp giáp với 2 tỉnh Sê Kông và Salavan (Lào). Trong thời gian qua, dưới sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang nói chung và lực lượng BĐBP nói riêng, tình hình an ninh chính trị của huyện A Lưới được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được ổn định. Nhân dân yên tâm sinh hoạt, sản xuất và phát triển kinh tế-xã hội, có sự nỗ lực rất lớn cùng với Đảng, chính quyền địa phương trong xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Đặc biệt trong thời gian qua, các tổ chức Đảng của lực lượng BĐBP cũng như lực lượng vũ trang trên địa bàn đã nỗ lực cùng với hệ thống chính trị của huyện tổ chức thành công đại hội Đảng từ cấp cơ sở đến cấp huyện.

- Hiện nay, đang có rất nhiều ý kiến đóng góp về dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam. Quan điểm của đồng chí về dự luật này như thế nào?

- Theo tôi, việc thực thi nhiệm vụ của lực lượng BĐBP còn có những bất cập. Các hình thức, biện pháp công tác Biên phòng chưa được luật hóa, thiếu cơ sở pháp lý để BĐBP thực thi có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, xây dựng khu vực biên giới. Cũng từ đó mà công tác phối hợp giữa các lực lượng có lúc chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Chính vì thế, để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới thì rất cần thiết phải có hệ thống văn bản pháp lý đồng bộ, thống nhất. Vì vậy, việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam là rất cần thiết.

- Theo đồng chí, Luật Biên phòng Việt Nam được thông qua sẽ có ý nghĩa và tác động như thế nào đến công tác quốc phòng - an ninh ở khu vực biên giới?

- Ở địa bàn biên giới, đặc điểm địa hình hiểm trở, kinh tế phát triển chưa đồng bộ, trình độ dân trí không đồng đều, là những yếu tố để các thế lực thù địch lợi dụng để tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước ta. Xuất phát từ vị trí, tầm quan trọng của biên giới quốc gia, việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam là vấn đề chiến lược, lâu dài của Đảng, Nhà nước trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN và yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, nhất là BĐBP đáp ứng yêu cầu làm nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới. Luật Biên phòng Việt Nam được ban hành sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới trong tình hình mới. Đặc biệt, nó sẽ có những tác động rất lớn đến cả hệ thống chính trị, tạo sự ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, là tiền đề để khu vực biên giới phát triển vững mạnh.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nhâm, BĐBP Thừa Thiên Huế cùng Tổ tự quản đường biên, mốc giới xã Hồng Thái, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc. Ảnh: Võ Tiến

- Theo đồng chí, cần có những chính sách, chế độ cụ thể như thế nào để lực lượng BĐBP có điều kiện tốt nhất thực thi tốt nhiệm vụ?

- BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới. Bên cạnh việc hoàn thành tốt nhiệm vụ đó, những người lính Biên phòng trong thời gian qua còn tham gia xây dựng kinh tế, văn hóa, tham gia công tác giáo dục, xây dựng nông thôn mới, thăm khám sức khỏe cho nhân dân... Đặc biệt, trong thời gian qua, khi dịch Covid-19 bùng phát ở nước ta, với tinh thần xung kích, trách nhiệm, lực lượng BĐBP đã kiên trì bám chốt, bám đường biên 24/24 giờ, thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19, không để dịch bệnh xâm nhập ngay từ cửa ngõ biên giới. Tuy nhiên, với điều kiện địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, điều kiện công tác, ăn ở, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ còn nhiều khó khăn, thiếu thốn... Chính từ những lý do đó, Đảng, Nhà nước, Quân đội cần có những chính sách đặc thù đối với lực lượng BĐBP, cụ thể:

Một là, các đồn Biên phòng đóng quân ở khu vực giáp biên, địa hình hiểm trở, giao thông không thuận lợi nên cần được đầu tư về cơ sở vật chất, đảm bảo môi trường văn hóa cho bộ đội.

Hai là, đa số cán bộ Biên phòng đều công tác xa nhà. Họ luôn xem “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, xác định gắn bó lâu dài với biên cương. Chính vì thế, cần có chính sách về đất ở, đất sản xuất để đảm bảo gia đình cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, vững tin bám trụ, cống hiến cho mảnh đất biên cương Tổ quốc.

Ba là, ở khu vực biên giới như huyện A Lưới có hơn 50.000 người, trong đó, đồng bào các dân tộc thiểu số như: Tà Ôi, Pa Cô, Cơ Tu, Pa Hy... chiếm hơn 80% dân số. Để thực hiện tốt phương châm “3 bám, 4 cùng”, cần tạo điều kiện để cán bộ, chiến sĩ BĐBP tiếp cận, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Vinh Xuân, BĐBP Thừa Thiên Huế giúp dân sửa lại nhà cửa bị sập, tốc mái do mưa bão. Ảnh: Võ Tiến

Bốn là, cần quan tâm đến công tác hậu phương của cán bộ, chiến sĩ, có sự quan tâm đặc biệt hơn nữa đến người thân, vợ con của họ, tạo điều kiện cho con cái họ được học hành, vợ có công việc ổn định để chăm sóc gia đình.

Tôi tin rằng, khi Đảng, Nhà nước, Quân đội có những chủ trương, chính sách phù hợp, kịp thời sẽ là nguồn động viên rất lớn giúp lực lượng BĐBP hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin yêu, giao phó, cũng như góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ở khu vực biên giới.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Võ Tiến (thực hiện)

Bình luận

ZALO