Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 30/03/2023 02:16 GMT+7

Cần chủ động hơn trước tình hình thiên tai ngày càng dị thường

Biên phòng - Trong những năm gần đây, thiên tai diễn biến phức tạp, cực đoan và gia tăng yếu tố dị thường. Tần suất xuất hiện các loại hình thiên tai cực đoan dày hơn, gây thiệt hại rất nặng nề. Diễn biến bất thường của thiên tai đặt ra yêu cầu cần phải chủ động hơn, sẵn sàng hơn trong công tác phòng chống và tăng cường giải pháp thích ứng an toàn.

Thiên tai ngày càng bất thường và khốc liệt hơn. Ảnh: Thừa Văn

Thiên tai dị thường ngay từ đầu năm

Năm 2021, thiên tai trên thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến bất thường, khốc liệt, với gần 380 trận thiên tai, cướp đi sinh mạng của 16.000 người, thiệt hại về kinh tế hơn 340 tỷ USD, cao hơn nhiều so với năm 2020. Tại Việt Nam, tổng thiệt hại do thiên tai gây ra năm 2021 là 5.200 tỷ đồng.

Năm 2022, dự báo thiệt hại sẽ còn cao hơn khi mà thiên tai diễn biến rất phức tạp và dị thường. Điển hình như đợt rét đậm, rét hại kéo dài từ ngày 19 đến ngày 24/2/2022 tại các tỉnh miền Bắc đã khiến nhiệt độ giảm sâu, có nơi nhiệt độ thấp nhất xuống dưới 0 độ C. Đây là đợt không khí lạnh mạnh nhất trong 40 năm so với cùng thời kỳ. Đặc biệt là đợt mưa lũ lớn bất thường, trái quy luật ngay giữa mùa khô, kèm theo giông lốc, sóng lớn từ ngày 30/3 đến ngày 2/4 tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, với tổng lượng mưa từ 200-600mm. Đây là đợt mưa có những chỉ số về lượng mưa kỷ lục trong 60 năm so với cùng thời kỳ. Bên cạnh đó, động đất gia tăng về cường độ và tần suất tại huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum...

Ngay trong những ngày cuối tháng 5/2022, tại khu vực Bắc Bộ đến Nghệ An có mưa 100-300mm, riêng các tỉnh, thành phố Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Hòa Bình, Hà Nội, Thanh Hóa có mưa rất lớn từ 300-550mm. Tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc), lượng mưa cả đợt là 925mm (riêng ngày 23/5, mưa 464mm, là lượng mưa trong ngày lớn nhất trong 60 năm). Mưa lớn đã gây ngập lụt cục bộ tại nhiều khu vực trũng thấp, sạt lở vào một số nhà dân, ách tắc đường giao thông, ngập úng nghiêm trọng tại các đô thị như Hà Nội, Vĩnh Yên, Tam Đảo (Vĩnh Phúc), thành phố Bắc Ninh (Bắc Ninh).

Thống kê cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2022, nước ta đã xảy ra 70 trận mưa lớn, 74 trận giông lốc, 24 vụ sạt lở bờ sông, 107 trận động đất và 2 đợt rét đậm, rét hại. Thiên tai đã làm 61 người chết, mất tích, 35 người bị thương; 121 nhà sập, hơn 2.300 nhà hư hỏng, tốc mái. Hàng ngàn ha lúa, hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Nhiều cơ sở vật chất như cầu, kênh mương thủy lợi, đường giao thông bị hư hỏng, sạt lở. Tổng thiệt hại do thiệt hại gây ra từ đầu năm đến nay ước tính lên tới 3.875 tỷ đồng và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng.

Dự báo xuất hiện 12-14 cơn bão mạnh trái quy luật

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định: Từ nay đến cuối năm, thời tiết diễn biến phức tạp. Cụ thể, mưa ở khu vực miền núi phía Bắc diễn biến phức tạp, lượng mưa từ tháng 7 đến tháng 9/2022 cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 15-30%, có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn các hồ thủy điện thuộc liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng. Đỉnh lũ năm 2022 trên các sông ở Bắc Bộ phổ biến ở mức báo động 1 - báo động 2, phổ biến cao hơn năm 2021, riêng các sông suối nhỏ từ báo động 2 - báo động 3. Các đợt lũ lớn phổ biến tập trung vào nửa cuối mùa lũ (tháng 8).

Dự báo dài hạn, năm 2022 có khả năng xuất hiện bão mạnh trái quy luật với khoảng 12-14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó, có 4-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền.

Cán bộ Đồn Biên phòng Lăng Cô, BĐBP Thừa Thiên Huế giúp người dân sửa lại nhà sau thiên tai. Ảnh: Văn Tình

Có thể thấy, thiên tai bất thường giờ đã dần trở thành chuyện bình thường có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Thực tế, công tác phòng, chống thiên tai thời gian qua đã được chuyển dịch mạnh mẽ từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa. Tuy nhiên, trước những diễn biến thiên tai phức tạp và bất thường ngày càng gia tăng, đòi hỏi chúng ta phải chủ động ứng phó với tầm nhìn xa hơn, chuyên nghiệp hơn và tập trung nhiều nguồn lực hơn.

Hiện, nước ta đã xây dựng được bộ chỉ số đánh giá công tác phòng, chống thiên tai cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025. Đây là một bước tiến giúp cho công tác chỉ đạo, điều hành cũng như giám sát các tỉnh, thành đem lại hiệu quả tốt hơn. Thông qua chỉ số phòng, chống thiên tai các địa phương, có thể xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu trong việc thực hiện công tác phòng, chống thiên tai, giúp cho các tỉnh, thành phố có điều chỉnh cần thiết về nội dung, giải pháp trong triển khai công tác phòng, chống thiên tai hàng năm.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần có các giải pháp chủ động phòng ngừa từ xa, từ sớm. Ví dụ như quy hoạch các vùng nuôi trồng thủy sản làm sao vừa bảo vệ được môi trường, vừa phù hợp với phát triển tổng thể, vừa tránh được thiệt hại khi thiên tai xảy ra. Đi đôi với đó là nghiên cứu các giải pháp công nghệ ứng dụng vào việc xây dựng lồng bè nuôi trồng thủy sản có khả năng chống chịu tốt hơn trong bão lũ, dòng nước xoáy...

Trong xây dựng hạ tầng cũng cần chú trọng công tác quy hoạch để đảm bảo hệ thống tiêu nước từ kênh mương, hồ chứa để cắt lũ, xây dựng các công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội làm sao không ảnh hưởng đến công tác phòng, chống thiên tai. Các địa phương cũng cần chủ động thay đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi mùa vụ, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Để chủ động ứng phó với những diễn biến bất thường của thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho rằng, dự báo sớm, chính xác, cụ thể là chìa khóa giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, do đó, cơ quan chức năng cần đưa ra dự báo sớm hơn để người dân chủ động trong công tác ứng phó.

Xuân Hương

Bình luận

ZALO