Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 12/09/2024 01:44 GMT+7

Cần chiến lược dài hơi

Biên phòng - Quyết định tạm ngưng toàn bộ dịch vụ ở cảng xuất nhập khẩu trong vòng 6 tuần Tết Nguyên đán (từ ngày 31-1-2022) của Trung Quốc khiến nông, thủy sản Việt Nam xuất sang nước này tiếp tục gặp khó mùa giáp Tết.

Mặc dù lượng hàng rau quả Việt đi Trung Quốc bằng đường biển chỉ chiếm khoảng 20 - 30%, tuy nhiên, trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục siết chặt quy định nhập khẩu do dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp đang dấy lên mối lo tồn đọng nông sản, trái cây cục bộ tại cửa khẩu biên giới phía Bắc. Thực tế, những ngày qua, hàng xuất đi đường bộ hiện đã có dấu hiệu ùn ứ do xe lạnh quay đầu trả về từ phía Trung Quốc chậm. Trước đây, một xe quay đầu vào Nam chở hàng ra đi được 2 - 3 chuyến mỗi tháng, nay 1 chuyến/tháng đã là khó khăn. Nhiều doanh nghiệp quan ngại, viễn cảnh hàng dài xe chở hàng chờ đợi để thông quan sang Trung Quốc sẽ tiếp diễn trước dịp Tết Nguyên đán này. Đó là chưa nói hàng hóa để lâu sẽ bị hư hỏng, chi phí đội lên gây thiệt hại lớn cho thương nhân.

Nhận định nguy cơ trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc bị ách tắc là có cơ sở khi sản lượng trái cây năm 2021 và ước tính sản lượng quý I-2022 các tỉnh phía Nam lên đến hơn 7 triệu tấn, tăng 100.000 tấn so với 2020. Riêng tháng 12-2021, sản lượng trái cây đạt hơn 700.000 tấn, trong đó, thanh long có sản lượng cao nhất, đạt 200.000 tấn. Công tác tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm trái cây không chỉ gặp khó khăn do dịch Covid-19, mà còn đối mặt với yêu cầu về chất lượng, truy xuất nguồn gốc của các thị trường xuất khẩu ngày càng cao.

Trong 3 năm gần đây, xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc có xu hướng chững lại, một số mặt hàng trái cây, thủy sản sụt giảm đáng kể trong 2 năm qua do ảnh hưởng dịch Covid-19. Trong khi đó, chỉ tính riêng từ đầu năm 2021 đến nay, đã có tới hơn 40 thông báo thay đổi liên quan tới an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật của Trung Quốc.

Thị trường Trung Quốc chiếm 17 - 18% xuất khẩu thủy sản Việt Nam với trên 1,4 tỉ USD/năm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và chính sách siết hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, xuất khẩu sang thị trường này sụt giảm liên tục. Dự báo, trong quý IV, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này tiếp tục giảm sâu, chỉ đạt 242 triệu USD; cả năm 2021 ước đạt khoảng 1 tỉ USD, giảm 26% so với năm 2020. Rõ ràng, Trung Quốc không còn là thị trường “dễ tính”. Do đó, các doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức, cách làm để đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu như an toàn thực phẩm, nguồn gốc, bao bì nhãn mác...

Nhiều chuyên gia khuyến nghị, để xuất khẩu nông sản bền vững tại thị trường Trung Quốc, yêu cầu đặt ra với nông nghiệp Việt Nam phải đẩy mạnh sản xuất theo các tiêu chuẩn GAP (VietGAP, GlobalGAP...). Cùng với đó, đẩy mạnh công tác bảo quản, chế biến để nâng cao chất lượng, giá trị cho sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ xuất khẩu.

Các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý ở địa phương cần đồng hành, sát cánh hơn nữa với nông dân; nêu cao vai trò trong tư vấn, định hướng sản xuất cho nông dân, đặc biệt là vấn đề truy xuất nguồn gốc và chứng nhận chất lượng. Từ đó có những dự báo dài hơi về thị trường, để kết nối tiêu thụ. Mặt khác, các cơ quan quản lý Nhà nước cần đẩy nhanh tiến độ đàm phán mở rộng danh sách các mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch; tiếp tục đẩy nhanh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng xây dựng các vùng chuyên canh tập trung, có quy mô, chất lượng đồng đều và đạt chuẩn phục vụ xuất khẩu.

Trước mắt, để giảm thiểu ảnh hưởng từ chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc đến tiêu thụ nông sản, các địa phương cần tăng cường công tác tiêu thụ nội địa thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông, buôn bán, nhất là tại các chợ đầu mối, đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hạ tầng logistics, nhất là hệ thống kho lạnh bảo quản hàng hóa tại các cửa khẩu, sẵn sàng ứng phó với tình huống hàng xuất khẩu bị ùn ứ, tồn đọng.

Hoàng Lâm

Bình luận

ZALO