Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:13 GMT+7

Cần bước đi vững chắc

Biên phòng - Những ngày qua, hàng nghìn tấn rau quả xuất khẩu sang Trung Quốc bị ùn ứ tại các cửa khẩu do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và câu chuyện giải cứu nông sản, từ thanh long, dưa hấu, sắp tới là trái xoài, bưởi, nhãn... tiếp tục là chủ đề nóng trên diễn đàn kinh tế.

752d0ec4054dfd13a45c-1581926519161950472659
Tình trạng ứn ứ dưa hấu, thanh long...diễn ra khi Trung Quốc ngừng thu mua vì dịch Covid-19. Ảnh: CTV

Điệp khúc buồn trên khiến nhiều người băn khoăn: Vì sao nông sản Việt không mở rộng thị trường xuất khẩu, mà cứ lệ thuộc thị trường Trung Quốc? Không khó để trả lời ngay, không chỉ Việt Nam mà rất nhiều quốc gia khác đang tranh đua đưa hàng vào thị trường 1,4 tỷ dân - nơi có sức tiêu thụ rau quả hằng năm trị giá 8-10 tỷ USD.

Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 41,3 tỷ USD vào năm 2019. Riêng ngành hàng rau quả của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này trên 2,4 tỷ USD.

Những năm gần đây, để tránh rủi ro khi lệ thuộc duy nhất vào thị trường Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã chủ động xúc tiến thương mại để mở thêm các thị trường mới cho các mặt hàng nông sản Việt Nam.

Nhìn vào cơ cấu xuất khẩu rau quả của Việt Nam năm 2019 cho thấy, xuất khẩu rau quả vào thị trường Trung Quốc giảm 12,72% so với năm 2018. Trong khi đó, giá trị xuất khẩu vào các thị trường khác đều tăng như: Hoa Kỳ với 137,7 triệu USD; Hàn Quốc với 119,4 triệu USD; Nhật Bản với 112,4 triệu USD; Hà Lan với 73,8 triệu USD... Tuy nhiên, quy mô xuất khẩu dù tăng, nhưng sức tiêu thụ rau quả Việt ở các nơi đều không thể bằng thị trường láng giềng.

Vì thế, khi dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc, cánh cửa biên mậu tạm khép lại, thị trường xuất khẩu của chúng ta lập tức bị ảnh hưởng nặng nề, khiến hàng vạn nông dân lao đao.

Theo các chuyên gia, nông dân Việt Nam luôn bị động trong sản xuất, bởi hơn 90% trong số họ coi thương lái là nguồn thông tin duy nhất về thị trường và cũng là đối tượng thu mua nông sản duy nhất của họ. Dẫn đến sản xuất của nông dân chạy theo phong trào, không có kế hoạch và hậu quả tất yếu là nghịch lý “được mùa, mất giá” và khi vướng mắc về thị trường lại phải... giải cứu.

Mặt khác, vì sản xuất chạy theo số lượng nên chất lượng rau quả Việt đang giảm sút, không đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của các thị trường xuất khẩu. Ngay tại thị trường Trung Quốc, Việt Nam mới có 9 loại nông sản nhiệt đới đáp ứng được yêu cầu đánh giá rủi ro, trong khi Thái Lan được chấp nhận tới 22 loại, rau và hoa quả xuất.

Rõ ràng, giải pháp liên kết 3 nhà: Nhà nước - Doanh nghiệp - Nhà nông được triển khai nhiều năm qua vẫn lỏng lẻo. Bất cập lớn nhất là đặc thù sản xuất manh mún, mỗi hộ sản xuất nuôi trồng mỗi kiểu, không tuân thủ giống, kỹ thuật...; chất lượng mỗi nơi một kiểu, mỗi mùa mỗi khác, trong khi doanh nghiệp cần chất lượng sản phẩm ổn định. 

Một vướng mắc nhiều năm nay chưa được tháo gỡ là rau quả do người nông dân sản xuất bị thao túng giá, thao túng nguồn cung và qua nhiều tầng nấc trung gian. Đây là nguyên nhân vì sao nhiều nông dân tự ý phá hợp đồng với doanh nghiệp khi bị thương lái chi phối nơi tiêu thụ. Thực trạng này đẩy doanh nghiệp ngày càng xa người nông dân khi họ buộc phải chọn mua hàng qua thương lái cho an toàn...

Người nông dân và doanh nghiệp Việt Nam muốn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, trước hết phải thoát ra khỏi cơ cấu sản xuất manh mún, mạnh ai nấy làm, không theo hệ thống chuỗi liên kết. 

Câu chuyện tìm thị trường mới và chấm dứt giải cứu nông sản chỉ có được khi nông dân có nguồn cung lớn qua các hiệp hội ngành hàng, các hợp tác xã và trực tiếp liên kết sản xuất mùa vụ theo đúng yêu cầu đơn hàng của doanh nghiệp. Qua đó, nền nông nghiệp nước nhà mới làm chủ được kế hoạch sản xuất, làm chủ thị trường.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO