Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 01/06/2023 05:12 GMT+7

Cán bộ Xanh với con trâu “biết nghe tiếng người”

Biên phòng - Đồng bào không biết trâu cày, cán bộ Biên phòng Nguyễn Xanh xuống Duy Xuyên dắt con trâu “biết nghe tiếng người” về cày thí điểm. Trâu và người đi bộ trên 100km mới lên được bản. Nhận trâu, nhà nào cũng tranh thủ cày bừa đến mức con trâu kiệt sức lăn ra chết. Đó là câu chuyện đã qua, nhưng vẫn thường được đồng bào ở xã La Dê, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam kể lại.

5a4b3f01471e3ce23f00482a
Trung tá Nguyễn Xanh về hưu vẫn ở lại núi rừng để lo cho vợ giảng dạy. Ảnh: Lê Văn Chương

“Cán bộ Xanh là người đã mang con trâu “biết nói” về cho bà con. Bà con biết cày bừa, bây giờ thì biết dùng cả cái máy cày chạy bằng dầu”. Nhiều người dân ở xã La Dê kể về một cán bộ Biên phòng tăng cường đã để lại dấu ấn đặc biệt và trở thành ký ức không quên, như dòng sông Xà Lò quanh năm đầy ắp nước trong trẻo.

Năm 1998, đồng chí Nguyễn Xanh được biên chế làm cán bộ Chương trình 135 của Chính phủ, về xã La Dê để giúp chính quyền, nhân dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Những năm đầu tiên anh lên công tác, xe khách chỉ về tới trung tâm huyện; từ huyện về xã hơn 64km phải đi bộ. Con đường rừng vắng hoe đầy thú dữ và tiếng cọp gầm.

Người lính mang quân hàm xanh về địa phương thấy bà con đói, khổ, hạt gạo không có ăn. Trên những cánh đồng lúa rẫy thưa thớt, thỉnh thoảng mới thấy bóng người dân đen nhẻm, bụi đất từ đầu tới chân. Bà con gò lưng cuốc đất dưới cái nắng thiêu đốt. Lúc đó, anh quyết định phải hướng dẫn bà con sử dụng sức kéo để chấm dứt cảnh xới, lật đất đá bằng cuốc và đôi tay.  

Anh về xuôi báo cáo tình hình và xin được một con trâu béo tốt. Trâu phải dắt từ xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên lên vùng cao La Dê hơn 115km. Cán bộ Biên phòng và con trâu khởi hành từ sáng sớm, dự kiến sẽ đi bộ trong 3 ngày. Lúc qua sông Thu Bồn, chiếc bè chở người và trâu từ từ chìm. Con trâu hốt hoảng lao lên phía trước, “cán” lên 5 người rồi lao thẳng xuống sông. Anh Xanh nhủ thầm, “phen này thì mất trâu rồi”.

Con trâu bơi qua được dòng nước xiết, trèo lên bờ Nam nhởn nhơ gặm cỏ chờ anh Xanh. Qua được chặng đường đầu tiên, người và trâu đi mãi, hướng về miền núi Nam Giang. Đi hết ngày này rồi lại tới ngày khác, con trâu quỵ gối, đờ mắt vì không thể đi tiếp. Vậy là chặng đường về La Dê phải kéo dài đến tận 6 ngày đi bộ và vượt tiếp sông Tà Ul mới đến nơi. Trâu đưa về UBND xã, đồng bào nhìn thấy bỏ chạy, vì “cái con trâu này nó biết nghe tiếng người”. Mỗi khi nghe cán bộ Xanh hô to: “Hà rì, hà rắc, nằm xuống...” thì nó ngoan ngoãn làm theo.

“Con trâu này nó giúp sản xuất, để bà con đỡ cực” – Cán bộ Xanh giảng giải và vuốt ve đầu con trâu để chứng minh con vật vô hại và rất dễ bảo. Vậy nhưng đồng bào vẫn chưa tin, nhiều người chỉ dám đứng tít đằng xa nhìn. Không có ai nhận trâu, vậy là cán bộ Xanh bất đắc dĩ phải trở thành người chăn trâu nên nước da càng đen nhẻm. Phải mất đến nửa tháng, dân làng La Dê mới nhích dần tới gần con trâu và về kháo nhau “nó hiền lắm, sờ vô người cũng không sao”.

Anh Xanh tiếp tục về xuôi xin mua bộ cày bừa, sau đó khiêng và thuê thêm người đưa lên La Dê mở lớp “trâu cày ruộng”. Đám ruộng thí điểm rộng 1.000 mét vuông được con trâu đi phăng phăng, không mấy chốc đã lật xong đất. Bà con trố mắt nhìn ngạc nhiên.

Thấy con trâu hiền lành và nghe được tiếng người, tất cả các thôn đều giành trâu “cho nó về với bản mình làm ruộng”. Sợ trâu chết, anh Xanh họp, bàn giao cho ông Dương, cán bộ xã La Dê quản lý. Sau đó, trâu được giao luân phiên cho từng thôn theo thời gian quy định. Thời gian đầu, bà con đi trước mũi dắt trâu để cày. Nhưng khi đã quen rồi thì bà con đi sau lưng trâu và hô, hét “hà rắc, hà rì”.

Anh Xanh luôn lo lắng cho sức khỏe của con trâu. Vì tính ra ngày nào con trâu cũng phải kéo cày, không có thời gian nghỉ ngơi. Cách thức chăm sóc trâu của bà con cũng chưa hợp lý. Đúng 90 ngày, con trâu lăn đùng ra ốm rồi chết. Nguyên nhân là do nhà này vừa cày xong thì nhà khác đến chực chờ dắt trâu về cày luôn, trâu bị “lao lực”.

Anh Xanh vừa khóc, vừa chạy xuống huyện báo cáo con trâu đã qua đời. Người dân địa phương La Dê cũng buồn rầu vì con trâu “biết nghe tiếng người” chết. Huyện cử vài cán bộ lên xã để xác minh, nắm tình hình. Sau sự việc trâu chết, đồng bào xã La Dê đã bắt đầu có ý thức về việc chăn nuôi trâu, bò để tạo thêm sức kéo, tăng năng suất lao động.

Năm 2004, Đại úy Nguyễn Xanh được điều động lên xã La Ê giữ chức danh Phó Chủ tịch UBND xã. La Ê cách xã La Dê khoảng 25km. Đó là một chốn cùng cực, khó khăn và thậm chí rất xa lạ với nhiều người. Nghe tin cán bộ Xanh đi làm cán bộ ở xã mới, đồng bào La Dê nói Trưởng thôn xin cho cán bộ Xanh ở lại, nhưng trên không cho. Cả làng và các ban, ngành ngậm ngùi tổ chức 26 cuộc liên hoan để chia tay.

Tại xã đặc biệt khó khăn La Ê, chưa bắt tay vào công việc, anh Xanh và đồng đội đã phải vật lộn với sốt rét. Có thời điểm, cả đồn Biên phòng lên cơn sốt rét, run bần bật, chỉ còn đồng chí Dương khỏe hơn đôi chút phải bò xuống bếp, lấy gạo nấu cháo cho đơn vị. Cuộc sống ở xã La Ê thiếu thốn trăm bề, không có đường giao thông, khi trời đổ mưa thì nơi đây bị cô lập với bên ngoài.

Chủ trương đầu tiên của cán bộ Xanh ở xã khó khăn này là phá “cây ma” để tạo ra cánh đồng lớn. Giữa bãi đất làng có những cây cổ thụ, trên thân bám đầy loại tầm gửi tổ rồng. Đồng bào không bao giờ dám đụng tới vì sợ ma bắt. Các đoàn viên, thanh niên lần lượt hạ tất cả các cây này sau 7 ngày. Cánh đồng lúa nước được hình thành sau 10 ngày.

Khi lên nhận công tác ở xã La Ê, Thiếu tá Xanh đã quyết định đưa cả vợ là chị Lữ Thị Hồng từ quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng lên núi cùng chồng chăm lo sự nghiệp giáo dục. Chị Hồng là người con gái trẻ, đẹp. Nhưng chị cũng “chung chiến hào” với chồng, gửi 2 đứa con nhỏ cho hai bên nội ngoại cách nhau vài chục cây số.

Cuối năm 2014, Trung tá Nguyễn Xanh, lúc đó là Phó Bí thư Đảng ủy xã La Ê nhận quyết định nghỉ hưu, sau mấy chục năm gắn bó với núi rừng. Ngôi nhà của anh nằm trước UBND xã La Ê. “Năm 2024 thì vợ mình mới đến tuổi nghỉ hưu. Chắc có lẽ đến hết cuộc đời, mình vẫn ở lại với núi rừng biên cương” – Anh Xanh dự tính tương lai.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO