Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 30/11/2023 05:04 GMT+7

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP có nhiều đóng góp đối với công tác giáo dục ở vùng khó khăn

Biên phòng - Đầu năm học mới 2022-2023, phóng viên Báo Biên phòng có cuộc trao đổi với Giáo sư, Tiến sĩ Thái Văn Thành, Ủy viên Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An về quá trình triển khai nhiệm vụ của ngành. Trong câu chuyện, Giáo sư, Tiến sĩ Thái Văn Thành bày tỏ sự tri ân, đánh giá cao những đóng góp của cán bộ, chiến sĩ BĐBP đối với công tác phát triển giáo dục ở địa bàn biên giới, biển đảo khó khăn.

Giáo sư, Tiến sĩ Thái Văn Thành. Ảnh: V. Lam

- Thưa Giáo sư, Tiến sĩ Thái Văn Thành, trong năm học 2021-2022, khi phải đối diện với dịch Covid-19, ngành giáo dục tỉnh Nghệ An đã triển khai công tác dạy học và đạt được kết quả như thế nào?

Cũng như nhiều địa phương khác, do tình hình dịch Covid-19, năm học 2021-2022, ngành giáo dục tỉnh Nghệ An chịu nhiều sự tác động. Học sinh toàn tỉnh phải khai giảng theo hình thức trực tuyến, kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi thường xuyên để phù hợp với hình thức vừa dạy, vừa học. Phương pháp dạy học trực tuyến kéo dài cũng ảnh hưởng nhiều đến tâm lý phụ huynh, học sinh và cả giáo viên.

Trong bối cảnh đó, ngành giáo dục đã linh hoạt ứng phó, chuyển trạng thái hoạt động, triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp để vừa làm tốt công tác phòng dịch, vừa dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu, chất lượng giáo dục. Thực hiện nhiệm vụ “kép” có thời điểm rất khó khăn, nhưng với sự nỗ lực, cố gắng của tập thể giáo viên, các nhà trường và sự đồng tình ủng hộ của phụ huynh, học sinh nên Nghệ An đã hoàn thành năm học với nhiều kết quả nổi bật ở tất cả các cấp học.

Năm học 2021-2022, Nghệ An tiếp tục giữ vững vị trí tốp 5 tỉnh dẫn đầu toàn quốc về học sinh giỏi; có 3 lượt học sinh đạt Huy chương Vàng, Bạc, Đồng tại các Kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế. Ngành cũng đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông. Nhờ đó, trong kỳ thi học sinh giỏi tỉnh lớp 12, có 43 em học sinh dân tộc thiểu số và miền núi đạt các giải Nhất, Nhì, Ba (tăng 5 em so với năm 2021).

Kết quả kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2022 đạt vị trí thứ 20/63 tỉnh, thành phố, tăng 14 bậc so với năm 2021, đây là một thành tích rất đáng ghi nhận. Nghệ An cũng hoàn thành các chỉ tiêu đề ra về trường học đạt chuẩn quốc gia; đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non, trung học cơ sở và là tỉnh thứ 25 đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. Hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm học 2021-2022, tổ chức các kỳ thi đảm bảo an toàn, nghiêm túc, trung thực và đúng quy chế.

- Tỉnh Nghệ An có diện tích rộng lớn, số trường học và học sinh ở địa bàn biên giới khó khăn rất lớn đã tác động không nhỏ đến quá trình triển khai nhiệm vụ của ngành giáo dục. Đề nghị ông cho biết những giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng giáo dục ở “vùng khó” của địa phương?

Hiện nay, toàn tỉnh Nghệ An có 1.040 điểm trường, trong đó, có hơn 500 điểm trường mầm non, 425 điểm trường tiểu học, số còn lại là trung học cơ sở. Ở các trường thuộc các huyện vùng cao biên giới, học sinh chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, cở sở vật chất còn nhiều thiếu thốn. Điều đó đã tác động không nhỏ đến việc dạy và học, chất lượng giáo dục vùng cao, biên giới, khó khăn vẫn còn khoảng cách lớn với vùng xuôi, đồng bằng.

Trong những năm qua, ngành giáo dục Nghệ An đã tổ chức rà soát, quy hoạch dồn các điểm trường, sắp xếp lại hệ thống trường học để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất của nhà nước và nhân dân đầu tư, quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục. Đối với các huyện vùng cao, ngành giáo dục đã tham mưu cho chính quyền địa phương triển khai chủ trương xây dựng các trường phổ thông dân tộc bán trú bậc trung học cơ sở và bậc tiểu học.

Cán bộ Đồn Biên phòng Mường Ải, BĐBP Nghệ An chuẩn bị cho “con nuôi đồn Biên phòng” vào năm học mới. Ảnh: Hải Thượng

Việc sáp nhập, sắp xếp, tăng cường xây dựng các trường bán trú đảm bảo cho học sinh có chế độ chính sách của Nhà nước, các cháu được ăn ở tập trung, giáo dục toàn diện. Năm 2022, chúng tôi đang tổ chức xây dựng mô hình hoạt động của trường phổ thông dân tộc bán trú kiểu mới ở tiểu học và trung học cơ sở; thí điểm trường phổ thông dân tộc bán trú bậc trung học phổ thông ở huyện Kỳ Sơn và Quế Phong. Ngành giáo dục các địa phương đã huy động đoàn thể, chính quyền địa phương và cả BĐBP vào cuộc để chăm lo cho học sinh để giáo dục toàn diện cho các em từ ý thức kỷ luật, lao động sản xuất, hoạt động cộng đồng… Khi học sinh từ trường học trở về gia đình, các em tiến bộ về mọi mặt là cách tốt nhất để thay đổi tư duy của phụ huynh để họ quan tâm đến việc học tập của con em mình. Hiện nay, chúng tôi cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh Nghệ An xây dựng, triển khai Đề án Phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.

Nhờ những cách làm đó, công tác giáo dục ở các địa phương vùng cao của tỉnh Nghệ An đã bước đầu đạt được kết quả tích cực, nhưng để chất lượng đào tạo gần hơn với các vùng miền khác thì cần thay đổi tư duy, cách làm, cần sự đầu tư lớn từ Nhà nước. Khi giáo dục ở vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai phù hợp thì chất lượng sẽ đi lên, đảm bảo quyền được tiếp cận, quyền được bình đẳng, thụ hưởng giáo dục cho học sinh miền núi. Muốn làm được điều đó, mô hình dạy học, quản trị giáo dục phải khác, đánh giá giáo viên vùng cao, biên giới phải khác… Phân bổ thời gian, chương trình phù hợp phải đào tạo tiếng dân tộc, tiếng phổ thông, tăng cường tin học và ngoại ngữ, đảm bảo các em sau này có thể cạnh tranh trong môi trường thế giới phẳng.

- Ông có suy nghĩ như thế nào về những đóng góp của BĐBP đối với công tác phát triển giáo dục ở địa bàn biên giới?

Trước hết, chúng tôi phải nói lời tri ân với cán bộ, chiến sĩ BĐBP nói chung và BĐBP Nghệ An nói riêng. Các anh không chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, mà còn làm tốt vai trò của “thầy giáo quân hàm xanh”. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP triển khai chương trình như “Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn Biên phòng” đã giúp cho hàng nghìn em học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở vùng biên giới được đến trường. Cán bộ, chiến sĩ BĐBP luôn bám bản, bám làng, đồng hành cùng giáo viên vận động các em học sinh đến trường, trở lại trường.

Tại các điểm trường vùng sâu, biên giới, nơi cơ sở vật chất giáo dục còn nhiều khó khăn, các đồn Biên phòng thường xuyên cử cán bộ, chiến sĩ BĐBP hỗ trợ nhà trường xây dựng, sửa chữa trường lớp cho giáo viên, học sinh. Không chỉ vậy, cán bộ, chiến sĩ BĐBP còn là những tuyên truyền viên tích cực, phối hợp với nhà trường tuyên truyền pháp luật cho học sinh, cùng với các lực lượng, chính quyền địa phương đảm bảo an ninh trật tự tại các trường học…

- Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư, Tiến sĩ về cuộc trò chuyện!

Viết Lam (thực hiện)

Bình luận

ZALO