Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 22/03/2023 07:15 GMT+7

“Cán bộ canh nông” hoạt động ở khu phi quân sự

Biên phòng - Theo Hiệp định Geneve (năm 1954) lấy vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải) làm giới tuyến quân sự tạm thời, sau đó 2 năm sẽ Tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Cũng theo hiệp định, mỗi bên thành lập lực lượng Công an bảo vệ giới tuyến, với quân số 100 người. Nhưng Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm đã cố tình phá bỏ hiệp định và hô hào “lấp sông Bến Hải” tiến quân ra Bắc.

uf14_15b
Đại tá Nguyễn Thanh Hà (bên trái) cùng các cựu binh Công an nhân dân vũ trang trên cầu Hiền Lương, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Hải Luận

Để đối phó với âm mưu của địch, với chủ trương “tấn công ra phía trước để bảo vệ phía sau”, Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) Vĩnh Linh đã thành lập Ban Trinh sát nội và ngoại tuyến, gọi tắt là “Ban 8”. “Lúc đầu, các thành viên của “Ban 8” mang vỏ bọc là cán bộ canh nông thuộc Ban thống nhất, để dễ dàng hoạt động trong khu vực phi quân sự.

Thời điểm đó, cán bộ, chiến sĩ của Đồn Công an giới tuyến cũng không biết con người cụ thể của “Ban 8” như thế nào. Chúng tôi “ăn lương cổng sau” nghĩa là hoàn toàn ở bên ngoài doanh trại, các tiêu chuẩn chế độ và mệnh lệnh công tác đều có người đưa đi ra “cổng sau” – Đại tá Nguyễn Thanh Hà, nguyên Trưởng ban Trinh sát CANDVT Vĩnh Linh, nguyên Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Trị, mở đầu câu chuyện.

Chiến thuật “bắt rễ xâu chuỗi”

“Ban 8” nhanh chóng thành lập 4 tổ trinh sát ngoại tuyến (ký hiệu K1, K2, K3, K4 và đội thuyền B6) hoạt động sâu trong lòng địch phía Nam sông Bến Hải. Đại tá Hà nói về hoạt động của “Ban 8”: “Mình biết rõ mười mươi địch phá bỏ hiệp định, nhưng chúng luôn đổ vấy cho ta vi phạm hiệp định. Mọi hoạt động của các tổ trinh sát ngoại tuyến cũng hết sức thận trọng. Từ việc “đánh” người từ bờ Bắc sang bờ Nam và lấy người bờ Nam ra bờ Bắc huấn luyện, đều phải tính toán kỹ lưỡng”.

Với chiến thuật “bắt rễ xâu chuỗi”, các trinh sát ban ngày ở bờ Bắc, ban đêm âm thầm vượt sông Bến Hải sang bờ Nam hoạt động, có những trinh sát “cắm sâu” ở bờ Nam, với vỏ bọc thợ chụp ảnh, thợ cắt tóc... Giai đoạn đầu, tập trung điều tra hồ sơ “quan xã” qua các thời kỳ và xây dựng cơ sở  “tai mắt”. Lập hộp “thư sống” là con người, hộp “thư chết” là vị trí giao nhận tin tức - tài liệu.

“Chủ yếu lấy người ở bờ Nam để cài cắm vào trong lòng địch. Có thời điểm, trinh sát phải bí mật đưa người từ bờ Nam ra bờ Bắc huấn luyện cấp tốc nghiệp vụ tình báo, chỉ trong vòng một đêm, rồi trả họ về bờ Nam hoạt động. Hình thành từng đường dây hoạt động đơn tuyến và theo kiểu “chùm nho” là có những mắt xích từng nhóm nhỏ với nhau” - Đại tá Hà cho biết.

“Ban 8” đã dày công đào tạo những tình báo cấp chiến lược, cắm vào giữ các trọng trách trong hang ngũ của địch, như Lê Đ, ủy viên cảnh sát ngụy; Hoàng Văn V, tiểu đội trưởng nghĩa quân; Bùi Xã, lái xe cho Quận trưởng Gio Linh; Hoàng H, vô tuyến viễn thông... Theo ông Hà, lúc đó chỉ có CANDVT mới tung trinh sát hoạt động từ sông Bến Hải vào đến thị xã Đông Hà, đi đâu cũng có “tai mắt” của mình. Nhiều tin tức, tài liệu mật cực kỳ quan trọng của địch đều bị tình báo lấy được và chuyển theo đường dây ra bờ Bắc.

Đặc biệt, ta đã lấy được bộ mật mã cơ yếu của địch. “Lấy được những ký hiệu trong ngành thông tin - cơ yếu, Bộ thành lập ngay đội tham công, mật danh “HK - biệt thính” bằng kỹ thuật điện đài để lấy thông tin như địch. Bao nhiêu tin tức như địch đổ quân ở đâu? Rồi máy bay Mỹ chuẩn bị ném bom ở vùng nào?... Ta thu thập được hết, báo cáo lên Trung ương để có cách đối phó” - Đại tá Hà tự hào nói.

Dập tắt “A-lô” bờ Nam

Bờ Nam sông Bến Hải có hệ thống loa phóng thanh cực mạnh hướng về phía Bắc, do tên Phương đã được đào tạo khoa tâm lý chiến tại Mỹ phụ trách. Phương suốt ngày đêm điên cuồng gào thét chửi bới chế độ XHCN miền Bắc, nói xấu lãnh tụ với những lời lẽ hết sức thô lỗ. Ngoài ra, Phương còn được trang bị loa phóng thanh trên xe ô tô cơ động chạy dọc sông Bến Hải.

Theo yêu cầu nguyện vọng của nhân dân đôi bờ, cần phải có biện pháp trừng trị tên Phương. Vì chính hắn thường xuyên kích động gây thù hận trong lòng nhân dân hai bờ sông Bến Hải, xuyên tạc sự thật về chính sách đại đoàn kết dân tộc ở miền Bắc. Trung ương “bật đèn xanh”: “Đồng ý cho làm, không để lại dấu tích ở miền Bắc. Làm cho đúng người, không chệch người. Vì vấn đề chính trị, vấn đề ngoại giao quốc tế lúc đó, tránh để cho kẻ địch lợi dụng đổ lỗi cho miền Bắc tấn công, vi phạm hiệp định” -  Ông Hà nêu rõ quan điểm hành động.

“Ban 8” chọn một số trinh sát vừa mới trải qua lớp học cấp tốc về chính trị, nghiệp vụ, kỹ thuật đặc công ở Hà Nội vào đội hình chiến đấu. Hằng ngày, các trinh sát nhiều vỏ bọc khác nhau đến đầu cầu Hiền Lương quan sát và theo dõi mọi quy luật hoạt động của đồn cảnh sát ngụy và hệ thống loa phóng thanh bờ Nam. “Vì hệ thống loa và đồn cảnh sát trọng điểm nên địch bố trí canh gác rất cẩn mật. Riêng tên Phương lúc nào cũng có một tên lính đi theo bảo vệ. Đặc biệt, trong đồn cảnh sát ngụy nuôi rất nhiều chó béc-giê, chỉ cần động đậy một chút là nó sủa ầm ran lên rồi” - Ông Hà kể lại.

Qua nhiều lần nghiên cứu, theo dõi địa hình và quy luật hoạt động của tên Phương, được biết, sau 11 giờ đêm, dừng phát thanh trên loa, hắn đi ra tắt máy nổ cách nhà khoảng 15m, tên lính bảo vệ thường hay đứng ở hiên nhà nhìn theo.  “Mắt con người đang quen với ánh điện sáng trưng. Bất ngờ tắt điện, mắt trở nên “quáng gà” không nhìn thấy gì trong giây lát, đây là thời điểm buộc các trinh sát phải ra tay chớp nhoáng để tiêu diệt đối phương. Để làm được điều đó, trinh sát phải đứng ở một cự ly gần tên Phương và hướng bắn từ Nam ra, cho đạn bắn cắm vào tường, để tránh phía địch nói là phía bờ Bắc qua bắn” - Đại tá Hà nêu rất cụ thể từng chi tiết.

xdr4_15a
Đại tá Nguyễn Thanh Hà, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị. Ảnh: Hải Luận

Các trinh sát phải vùi dưới bùn và nằm phơi sương 4 giờ liền trên bờ kênh cho mất hơi người để chó không đánh hơi được. Đến đêm, 3 trinh sát lọt vào nằm im lìm trong nhà chứa máy phát điện của đồn cảnh sát Xuân Mị. 11 giờ đêm (trung tuần tháng 7-1963), tên Phương ngừng phát thanh, đi ra tắt máy nổ thì bị tiêu diệt bằng 2 phát súng đúng như kế hoạch đã vạch ra. Diệt xong tên Phương, 3 trinh sát rút lui về hướng Nam, rồi quay vòng ra bờ Bắc an toàn.

Sáng hôm sau, các phái đoàn quốc tế giám sát Hiệp định đến đồn cảnh sát Xuân Mị khám xét hiện trường, thu được 2 vỏ đạn col do Pháp sản xuất, hướng đạn bắn từ bờ Nam ra. Với những “chứng cứ” đó, phái đoàn quốc tế kết luận về cái chết tên Phương là do mâu thuẫn nội bộ đồn cảnh sát Xuân Mị thanh toán lẫn nhau. Sau khi tên Phương bị tiêu diệt, hầu như đài phát thanh Xuân Mị “tắt tiếng”, có chăng thì đưa người từ trong Gio Linh ra phát lấy lệ, không dám “to mồm” như tên Phương nữa.

Hải Luận

Bình luận

ZALO