Biên phòng - Giới chuyên gia quốc tế nhìn nhận, để gìn giữ an ninh, trật tự trên Biển Đông, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với vai trò trung tâm của khu vực cần cân bằng sức mạnh thông qua luật pháp.

Cần một chiến lược quốc tế
Đánh giá về sự vào cuộc của quốc tế trong vấn đề Biển Đông, giới chuyên gia nhìn nhận, trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021 ghi nhận sự vào cuộc rất quyết liệt của quốc tế. Thậm chí, vấn đề Biển Đông đã trở thành một trong những nội dung quan trọng hàng đầu trong các chương trình nghị sự quốc tế, mối quan tâm rất lớn của nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực.
Thực trạng có nhiều diễn biến phức tạp cùng những động thái gây căng thẳng trên Biển Đông đã tạo nên sự quan ngại, phản đối của cộng đồng quốc tế. Hàng loạt động thái quốc tế phản đối những diễn biến phức tạp trên Biển Đông đã cho thấy ý chí chung, đề cao tinh thần của chủ nghĩa đa phương, thượng tôn luật pháp quốc tế bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982. Các hội nghị, diễn đàn, công hàm phản đối,... được thực hiện trong thời gian qua cho thấy, vấn đề Biển Đông hiện nay đã tập hợp được sức mạnh, được quốc tế hóa. Sức mạnh tập hợp này đã tạo ra áp lực nhất định giúp kiềm chế các hành động vi phạm pháp luật quốc tế, gây bất ổn, làm leo thang căng thẳng.
Mặc dù vậy, giới chuyên gia cũng cho rằng, tình hình Biển Đông vẫn sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp bởi đây là khu vực mang tới nhiều lợi ích to lớn không chỉ đối với riêng một quốc gia nào mà còn cả thị trường chung toàn cầu. Trong khi đó, việc gìn giữ hòa bình, trật tự, ổn định và hợp tác trên Biển Đông hiện nay dù rất được các quốc gia quan tâm, song, nỗ lực của mỗi nước vẫn chỉ mang tính đối phó với từng tình huống cụ thể, thay vì hình thành một chiến lược quốc tế chung để tạo ra đối trọng cân bằng sức mạnh một cách thường xuyên và thực chất.
Giới phân tích chỉ ra rằng, các quốc gia ngoài khu vực tham dự vào vấn đề Biển Đông hiện nay với mục tiêu lợi ích về tự do, an ninh, an toàn hàng hải; lo ngại về sự mất cân bằng sức mạnh; thực hiện nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế. Nhìn nhận về tương lai, giới phân tích cho rằng, trong năm 2021 cũng như thời gian tiếp theo, Biển Đông vẫn sẽ giữ “nhịp độ” phức tạp bởi đây là khu vực chịu nhiều tác động từ nhiều hướng khác nhau.
Cần nhìn nhận rằng, vấn đề Biển Đông là một vấn đề phức tạp, gắn liền với lợi ích của nhiều bên nên để giải quyết hài hòa thì cần nhiều thời gian. Đây sẽ là một quá trình giải quyết lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì và nỗ lực không ngừng nghỉ của tất cả các bên ở trong và ngoài khu vực. Quan điểm xuyên suốt phải là đề cao chủ nghĩa đa phương, hợp tác quốc tế, thiết lập và tuân thủ một trật tự dựa trên luật pháp, luật lệ, giá trị chung và lợi ích chung.
Vai trò trung tâm ASEAN
Từ đầu năm 2020 đến nay, với nỗ lực có hiệu quả cao của Việt Nam trong nhiệm vụ dẫn dắt ASEAN năm 2020, vấn đề Biển Đông vẫn được ưu tiên là một nội dung quan tâm thường xuyên. Vượt mọi khó khăn, ASEAN vẫn nỗ lực xây dựng lập trường chung, coi an ninh, ổn định, hợp tác trên Biển Đông là lợi ích chung của khu vực; luật pháp quốc tế bao gồm UNCLOS 1982 là cơ sở để đối thoại, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Vai trò trung tâm của ASEAN liên tục được nhấn mạnh không chỉ ở các nước thành viên mà còn cộng đồng quốc tế ngày càng đề cao hơn. Cộng đồng quốc tế đánh giá, ASEAN vừa qua liên tục đạt được những bước tiến tích cực trong vấn đề Biển Đông và Việt Nam là quốc gia thành viên đóng góp vai trò to lớn, nhất là trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020.
Vẫn cần nhìn nhận thẳng thắn rằng, ASEAN tuy là tổ chức khu vực được đánh giá là thành công nhất thế giới nhưng tiềm lực sức mạnh không quá lớn. Đặc biệt, nhiều thành viên ASEAN là quốc gia biển nên Biển Đông gắn với chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc và là vấn đề chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, ngoại giao, gắn với môi trường hòa bình, ổn định, phát triển của đất nước.
Vì vậy, không chỉ cùng mục tiêu với các nước ngoài khu vực, các nước ASEAN còn có thách thức về tranh chấp chủ quyền trong vấn đề Biển Đông. Thách thức này phức tạp hơn nhiều lần so với thách thức về tự do, an ninh, an toàn hàng hải như các nước ngoài khu vực. Cần phải nhấn mạnh rằng, việc dựa dẫm vào bên ngoài để bảo vệ chủ quyền quốc gia là tư duy sai lầm, vì vậy, ASEAN cần phải tự nâng cao sức mạnh nội lực, củng cố vị thế và vai trò trung tâm của khu vực.
Theo Tiến sĩ Collin Koh Swee Lean, thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược, trường Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), ASEAN cần phải đưa ra luật của riêng mình để cân bằng sức mạnh hàng hải ở Biển Đông. Tiến sĩ Collin Koh nhìn nhận, với hệ thống luật pháp phù hợp sẽ cho phép các nước ASEAN có khuôn khổ pháp lý để bảo vệ bờ biển của riêng mình, trực tiếp ứng phó với những hành động gây bất ổn trên Biển Đông. ASEAN cũng sẽ dễ dàng đưa ra các phản ứng trước bất kỳ tình huống bất ổn trên biển.

Mặt khác, đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) khó có thể kết thúc trong năm nay bởi các bên vẫn đang đẩy mạnh việc tìm tiếng nói chung, nhất là về chủ quyền. Một nguyên tắc “then chốt” nhất là COC phải thực chất, hiệu quả, hiệu lực nên việc đàm phán COC bắt buộc đòi hỏi sự kiên trì, nỗ lực, phối hợp chặt chẽ để cùng vượt qua mọi trở ngại.
Đánh giá về xu hướng của vấn đề Biển Đông trong thời gian tới, nhiều nhà phân tích cho rằng, năm nay, các nước ASEAN vẫn cơ bản giữ định hướng chính sách, chiến lược đã được xác định trong năm 2020. Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 cũng nhiều biến động khó khăn khác tại khu vực sẽ khiến việc thực thi phần nào bị ảnh hưởng. Trong khi đó, các nước phương Tây cũng đang đối mặt với những tình trạng bất ổn trong nội bộ, nhất là dịch Covid-19 cùng sự suy yếu của nền kinh tế. Những yếu tố đó cho thấy xu hướng chung của năm nay chưa thể có những đột phá để vấn đề Biển Đông đạt được những tiến bộ đáng kể hơn.
Quan trọng hơn hết, với Biển Đông, các bên vẫn sẽ xây dựng và duy trì môi trường thuận lợi để thúc đẩy hợp tác; coi trọng biện pháp ngoại giao, pháp lý, duy trì thường xuyên đối thoại, tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy hợp tác nhiều mặt. Đặc biệt là kiềm chế và chủ động phòng tránh nguy cơ đụng độ không mong muốn.
Thanh Trúc