Biên phòng - Mùa xuân năm 1979, với tinh thần chính nghĩa và tình đoàn kết anh em, Việt Nam đã đáp ứng lời đề nghị của Chính phủ và nhân dân Campuchia, đưa quân chiến đấu đánh đuổi Khmer đỏ, giải thoát dân lành vô tội khỏi nạn diệt chủng. Trong số hàng vạn người lính lên đường làm nhiệm vụ quốc tế, có những người lính đi trong đội hình đầu tiên và về gần như cuối cùng. Đó là những chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang (CANDVT). Trong ký ức của họ, những tháng ngày chiến đấu trên đất bạn vẫn luôn nguyên vẹn bao cảm xúc.
Xuất quân làm nhiệm vụ quốc tế
Năm 2019, Đại tá Bùi Long, nguyên Chủ nhiệm Chính trị BĐBP đã kể cho chúng tôi nghe những tháng ngày chiến đấu trên đất bạn của ông cùng đồng đội. Thời điểm Trung ương Đảng nhất trí đưa quân sang giúp bạn, đích thân đồng chí Lê Đức Thọ vào miền Nam gặp mặt các đồng chí thủ trưởng Bộ Tư lệnh CANDVT như Thiếu tướng Đinh Văn Tuy, Thiếu tướng Tám Lê Thanh (còn gọi là Lê Thanh), Thiếu tướng Trịnh Trân và chỉ đạo phải đưa ngay một số đơn vị sang Phnôm Pênh bảo vệ cơ quan đầu não của bạn và một số đơn vị giúp bạn làm công tác biên phòng.
"Yêu cầu cấp bách cần phải thực hiện ngay là chỉ trong 20 ngày triển khai thành lập 5 tiểu đoàn và tổ chức xuất quân chiến đấu, vừa đi, vừa kiện toàn tổ chức, vừa chấn chỉnh đội ngũ, vừa nghiên cứu cách đánh tiêu diệt. Ngay lập tức, Bộ Tư lệnh CANDVT đã triển khai một đoàn công tác ở phía Nam hành quân sang Pua Xát, một đoàn công tác phía Bắc tiến thẳng Bát-ta-băng, Xiêm Riệp. Cuối tháng 2-1979, các cánh quân chính thức "xuất ngoại" làm nhiệm vụ quốc tế trên chiến trường K. Tôi chỉ huy một mũi trong đoàn công tác phía Bắc" - Đại tá Bùi Long nhớ lại
Qua hồi tưởng của Đại tá Bùi Long, những ngày đầu sang đất bạn chiến đấu hết sức gian khổ và thiệt hại nặng nề. Quân Pôn Pốt đa phần từng được huấn luyện tác chiến du kích nên chúng dùng chính những yếu lĩnh quân sự đó để chống lại ta. Nhưng đồng chí Tám Lê Thanh thay mặt Bộ Tư lệnh sang thị sát trực tiếp chiến trường đã kịp thời báo cáo với cấp trên và đề xuất thay đổi hình thức chiến đấu phối thuộc, nhanh chóng thành lập các trung đoàn để tác chiến độc lập. Từ đó, thương vong giảm và ta giành được nhiều chiến thắng liên tiếp.
Khi ấy, kỷ luật quân đội đối với các chiến sĩ làm nhiệm vụ tình nguyện rất nghiêm ngặt. Các anh không được lấy dù chỉ là cái kim, sợi chỉ của người dân. Toàn bộ lương thực, thực phẩm cho quân tình nguyện đều được mang từ Việt Nam sang. So với các lực lượng khác, các chiến sĩ CANDVT chịu nhiều thiệt thòi hơn do địa bàn đóng quân nằm trên vùng biên giới, xa dân cư. Nhất nhất chỉ cho phép mình được hưởng ba thứ của nước bạn, đó là: không khí, nước và củi.
Từ chiến trường C đến chiến trường K
Hoàn thành nhiệm vụ được giao trên đất bạn Lào, cũng như mọi đồng đội khác, tháng 3-1979, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Quảng, khi ấy mang quân hàm Thượng úy, tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia. Thiếu tướng Nguyễn Xuân Quảng kể rằng, suốt 4 ngày hành quân không nghỉ từ biên giới nước ta sang vùng Prết Vi-hia, ngã ba biên giới Lào, Thái Lan và Campuchia, những chiến sĩ CANDVT tình nguyện gặp không biết bao nhiêu những miệng giếng lấp đầy đầu người, những thửa ruộng ngổn ngang xác chết, những phum, sóc vắng lặng, tiêu điều không một bóng người, ai nấy đều lặng đi vì nỗi đau và cả niềm uất hận trước tội ác diệt chủng của Khmer đỏ.
Sau khi thua trận, tàn quân Pôn Pốt dạt sang phía ngoại biên Thái Lan đã tập hợp lực lượng, manh nha ý định quấy phá và gây rối. Tiểu đoàn CANDVT được chia thành nhiều khu vực, đóng quân dọc theo tuyến biên giới Thái Lan và Lào để chặn đường về của địch. Có một khoảng thời gian dài, đại đội của ông đã đóng quân ngay trong ngôi đền thiêng 900 năm tuổi Prết Vi-hia. Tại vùng biên giới này, Chính trị viên Đại đội 3 Đ210 E20 Nguyễn Xuân Quảng đã cùng với đồng đội đóng chốt, đêm ngày đối phó với các đợt tập kích vô cùng ác liệt và hiểm độc của địch với các loại hỏa lực mạnh. Nguyên nhân là bọn chúng cho rằng, “quân xanh” không phải lực lượng chủ lực nên tập trung quấy phá.
Trận đánh ác liệt nhất trong suốt 3 năm đóng quân tại Campuchia là trận tập kích của địch ngày 18-9-1979. Gần một tiểu đoàn tăng cường quân tinh nhuệ của địch mặc quần áo rằn ri tấn công vào chốt quân sự của ta từ bốn hướng và rải quân phong tỏa. Cậy thế đông, chúng chắc thắng nên đưa theo cả dân binh để thu chiến lợi phẩm và liều lĩnh bò sát vào giao thông hào của ta.
Phát hiện địch, đồng chí Nguyễn Xuân Quảng lập tức trực tiếp cầm đại liên nã liên tục vào đội hình địch nhằm thu hút hỏa lực địch về phía mình để anh em có thời gian bố trí đội hình chiến đấu. Sau một giờ quần thảo, ta tiêu diệt được 7 tên địch. Phía ta có 3 người bị thương, trong đó, có đồng chí Nguyễn Xuân Quảng. Sau trận đánh này, Thượng úy Nguyễn Xuân Quảng được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng II và được cấp trên điều đi học bổ túc cán bộ tiểu đoàn tại Trường Quân chính Quân khu 5.
Người tham gia "chiến dịch mùa khô"
Năm 1985, chúng ta bước vào “chiến dịch mùa khô” trên đất bạn, Trung úy Võ Văn Lẹ được BĐBP Tiền Giang phân công sang làm nhiệm vụ trên đất bạn trong đội hình chiến đấu của Tỉnh đội Tiền Giang. Tại mặt trận Pua Sát, Trung úy Võ Văn Lẹ tham gia ngay trong những ngày chiến dịch cam go, quyết liệt nhất. Đây là địa bàn rộng, nhiều rừng núi hiểm trợ và tiếp giáp biên giới Thái Lan trên một bình diện rộng. Các bon, sóc chủ yếu là dân nghèo, lạc hậu. Đó là điều kiện lí tưởng để quân Pôn Pốt ráo riết hoạt động nhằm lập căn cứ trong các vùng lõm của rừng núi nơi đây.
Dù chỉ là tàn quân, song quân Pôn Pốt có tổ chức biên chế chặt chẽ và thiện chiến, thông thạo địa hình. Chúng còn được chi viện quân được huấn luyện từ nước ngoài xâm nhập vào, mang theo nhiều vũ khí, trang bị hiện đại và thường xuyên được tiếp tế lương thực, đạn dược. Cùng các lực lượng của bạn, quân tình nguyện Việt Nam, trong đó có 8 trung đoàn BĐBP đã mở những trận công kích lớn, tạo nên những chiến thắng nối tiếp chiến thắng. Các vùng giải phóng của bạn được mở rộng. Vùng biên giới Pua Sát cũng được quân ta tiếp quản, tạo điều kiện cho các đơn vị biên phòng nước bạn lên chốt chặn, kiểm soát tại các địa điểm then chốt ở biên giới.
Những tưởng sau 3 tháng hoàn thành chiến dịch và bàn giao biên giới cho lực lượng chức năng của bạn đã có thể quay về, nhưng bạn lại đề nghị ta tiếp tục ở lại giúp đỡ bạn trong một số hoạt động quân sự, kinh tế và xây dựng chính quyền. Lúc đầu, Trung úy Võ Văn Lẹ được cử làm chuyên gia chung ở thành đội Pua Sát. Đến cuối năm 1985 thì được bổ nhiệm chuyên gia Huyện đội phó chính trị, quyền Huyện đội trưởng huyện Ka-ra Vanh, tỉnh Pua Sát và giữ vị trí này cho đến ngày chuyển giao lực lượng BĐBP từ Bộ Quốc phòng trở về Bộ Nội vụ cuối năm 1986.
Một thời chiến đấu vì chính nghĩa, vì dân tộc Campuchia đã xa, nhưng mãi mãi là những ký ức hào hùng đối với mỗi người lính CANDVT có vinh dự làm nhiệm vụ trên đất bạn. Trở về từ lằn ranh sinh tử, họ đều trưởng thành, tiếp tục gắn bó, cống hiến nhiều thành tích đáng trân trọng và được tin tưởng, phân công đảm trách những vị trí xứng đáng của lực lượng quân hàm xanh.
Tuệ Lâm