Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 06/12/2023 05:20 GMT+7

“Cầm trịch” chuỗi nuôi trồng thủy sản

Biên phòng - Mô hình người dân nuôi trồng thủy sản trên biển thành lập hợp tác xã, liên kết với doanh nghiệp để phát triển thành chuỗi sản xuất tại Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, mở ra nhiều hướng đi mới. Doanh nghiệp đứng ra “cầm trịch” xâu chuỗi ngư dân, viện nghiên cứu, nhà máy chế biến, ngân hàng... cùng tham gia chuỗi, nâng cao lợi nhuận, mang tính bền vững lâu dài.

Ông Nguyễn Sỹ Bính với sản phẩm rong sụn nuôi trồng tại xã Hạ Long, huyện Vân Đồn. Ảnh: Hải Luận

“Anh đã có cơ sở hạ tầng rồi, bây giờ đầu tư 1 tỷ đồng chuyển sang nuôi rong sụn là rất tuyệt, anh sang đây, tôi hướng dẫn kỹ thuật nuôi. Đừng có lo đầu ra, thị trường cần hàng nghìn tấn rong khô mỗi năm, bây giờ mới làm được vài chục tấn. Phải nói thẳng với nhau, tôi bán giống rong cho anh, anh phải bán sản phẩm cho tôi đó. Cam kết như vậy thì chơi, đừng cắt bỏ nhau giữa đường” - ông Nguyễn Sỹ Bính, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Phất Cờ, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh dừng nói chuyện với tôi để trao đổi qua điện thoại với đối tác.

Ngư dân muốn làm lớn

Ông Bính rủ tôi lên ca nô chạy một vòng tham quan mô hình nuôi rong sụn xen kẽ với nuôi hàu, ông dừng lại để kéo những dây rong dài lên xem và nói to: “Khu vực nuôi hàu này đã chuyển đổi từ vật liệu phao xốp, thân tre sang làm phao nổi, lồng bằng vật liệu nhựa HDPE (sản phẩm tái chế được, giúp giảm thiểu rác thải ra ngoài môi trường). Nuôi rong sụn chỉ cần hơn 2 tháng là xuất bán, hàu nuôi xen giữa rong chỉ 7 tháng là bán được (nuôi vùng chuyên hàu thời gian 1 năm mới bán). Số rong này đang phân phối giống cho các xã viên trong HTX nuôi, trả tiền một nửa, còn lại cho nợ trả dần. Nếu người ngoài phải “tiền trao cháo múc”, không nợ nần dây dưa”.

Trước đây, ông Bính nuôi hàu trên các bè tre và dây phao xốp nổi ở biển huyện Vân Đồn. Ông vào vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa tham quan nuôi trồng thủy sản quy mô lớn theo hướng công nghiệp. “Tôi lên những cái lồng nuôi cá vòng tròn to, thấy họ làm việc rất chuyên nghiệp. Quay về Vân Đồn cứ ước mơ mình có những cái lồng bằng nhựa nuôi thủy sản như ở Vân Phong. Thời gian sau, Công ty Nhựa Super Trường Phát bán cho ít ống nhỏ thay thế bè bằng tre để nuôi hàu. Một ngày, nhân viên bán hàng Công ty Nhựa Super Trường Phát đến nói: “Sếp em mời anh lên Hà Nội để bàn chiến lược lớn, phát triển lồng nuôi quy mô công nghiệp”. Tôi nghĩ, mình dân nghèo chẳng có gì để họ lừa nên tôi quyết định bắt xe khách lên Hà Nội để gặp” - ông Bính kể sôi nổi.

Ông Bính quay về Vân Đồn vận động 40 hộ nuôi hàu cùng tham gia thành lập HTX Phất Cờ. Những năm gần đây, thủ phủ nuôi hàu Vân Đồn đang đi xuống, người dân nuôi không có lãi cao, nhiều hộ bị thua lỗ nặng. HTX Phất Cờ liên kết với Tập đoàn Nhựa Super Trường Phát chuyển đổi vật liệu nuôi và thay đổi phương thức nuôi trồng. Đây cũng là ước mơ thành hiện thực của ông Bính muốn có lồng nuôi bằng vật liệu HDPE.

Dưới sự bảo trợ chân thành của Tập đoàn Nhựa Super Trường Phát, một công ty trồng rong ở Khánh Hòa đã chuyển giao công nghệ nuôi rong cho HTX Phất Cờ. “10kg giống rong sụn từ Khánh Hòa vận chuyển bằng máy bay, thả xuống nuôi được thời gian, cá đến ăn gần hết số rong, chỉ còn khoảng 2kg, tôi lấy lưới bao quanh lại, rong phát triển nhanh. Sau đó, nhân rộng ra liên tục, đạt sản lượng 5 tấn, lên 20 tấn, tăng 30 tấn rong tươi. Nhiều người ở huyện Vân Đồn hỏi mua giống rong để làm theo nhưng không cung cấp đủ. HTX đang tính xây dựng ngân hàng giống rong sụn để đối phó với mùa Đông” - ông Bính chia sẻ.

Hình thành mô hình nuôi đa loài

Gần như cả vùng vịnh Hạ Long chưa ai nuôi rong sụn, khi HTX Phất Cờ nuôi thử nghiệm thành công, lấy mẫu rong gửi đến viện nghiên cứu đánh giá các chất dinh dưỡng, khoáng chất đạt được tiêu chuẩn của doanh nghiệp chế biến đưa ra. Tập đoàn Nhựa Super Trường Phát cùng hợp tác với HTX Phất Cờ mở rộng xây dựng cơ sở hạ tầng, quy trình nuôi...

Ông Bính tâm sự: “Mục tiêu của chúng tôi mỗi ngày phải thu hoạch 10 tấn rong sụn mới đủ cung cấp cho nhà máy chế biến. Ngay từ bây giờ phải lo cung ứng giống rong cho các thành viên HTX và những hộ có cơ sở hạ tầng lớn. Mọi quy trình sản xuất, nuôi trồng phải làm theo tiêu chuẩn của Tập đoàn Nhựa Super Trường Phát đưa ra, ngư dân phải làm đúng theo quy trình sẽ cùng thắng lợi”.

Mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch tại xã Hạ Long, huyện Vân Đồn. Ảnh: Hải Luận

Liên kết giữa doanh nghiệp và ngư dân trong nuôi trồng thủy sản, tạo lập chuỗi khép kín, ở nước ta ít người làm. Thực tế, ngư dân vẫn cứ nuôi nhỏ lẻ, mỗi người “sáng kiến” ra một kiểu, độ rủi ro luôn bao quanh tứ phía, dẫn đến thua lỗ phải bán nhà để trả nợ.

“Tập đoàn chúng tôi xây dựng mô hình điểm với HTX Phất Cờ, mời thêm các viện nghiên cứu thủy sản, doanh nghiệp công nghệ, nhà máy chế biến, ngân hàng... cùng tham gia vào chuỗi. Cần ứng dụng mạnh khoa học vào nuôi trồng, áp dụng triệt để tiêu chuẩn nuôi của quốc gia và quốc tế để nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo lợi nhuận cao cho ngư dân. Tập đoàn Nhựa Super Trường Phát sẽ “cầm trịch” chuỗi nuôi trồng thủy sản. Từ mô hình này, chúng tôi sẽ nhân rộng ra ở Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Ninh Thuận... Mỗi năm, chúng tôi cần khoảng 2.000 tấn rong khô” - ông Phạm Quốc Chính, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Nhựa Super Trường Phát nêu ra những vấn đề cơ bản.

Tập đoàn Nhựa Super Trường Phát và HTX Phất Cờ đã thực hiện mô hình vừa nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, kết hợp du lịch. Đây là mô hình hoàn toàn mới ở nước ta. Ông Chính nêu ưu điểm: “Khách du lịch đến HTX Phất Cờ tham quan, vừa được xem trực tiếp ngư dân nuôi trồng thủy sản, hoặc có thể tự tham gia trực tiếp một số công đoạn với ngư dân. Du khách vừa tham quan biển, đảo, được thưởng thức những món hải sản vừa mới bắt lên, giá lại rẻ”.

Một số người dân đảo Cát Bà, thành phố Hải Phòng đã đặt mua trực tiếp Tập đoàn Nhựa Super Trường Phát nhiều nhà bè, nuôi trồng thủy sản và du lịch. Lãnh đạo huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đến tham quan mô hình ở Vân Đồn để mở rộng mô hình tại Côn Đảo. Ông Chính nêu ý tưởng: “Chúng tôi đang thử nghiệm mô hình nuôi đa loài, vừa rong biển, vừa hàu, cá... Rong biển là cỗ máy làm sạch môi trường nước, ngư dân sẽ có thêm nguồn thu nhập trong năm, đồng vốn quay vòng nhanh” nên sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao.

“Tập đoàn Nhựa Super Trường Phát và HTX Phất Cờ cùng phối hợp chuyển đổi vật liệu nuôi trồng, từ làm bằng bè tre, phao xốp nổi yếu ớt, chuyển sang làm lồng, phao bằng vật liệu HDPE do công ty sản xuất. Đây là mô hình cụ thể để người dân huyện Vân Đồn nhìn thấy rõ lợi ích lâu dài, từ đó, chuyển đổi sử dụng vật liệu HDPE mang tính bền vững lâu dài trong nuôi trồng thủy sản” - ông Đào Văn Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn thông tin.

Hải Luận

Bình luận

ZALO