Biên phòng - Trong tháng 11-2019, các đồn Biên phòng trên địa bàn tỉnh An Giang đã phối hợp với cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ trên 10 tấn đường cát nhập lậu. Qua kiểm tra cho thấy, phần lớn số đường lậu này đều được đựng trong các vỏ bao mang nhãn mác sản xuất tại Việt Nam. Đó cũng là một trong những chiêu thức khá phổ biến mà các “trùm” buôn lậu đường sử dụng trong suốt thời gian qua.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia), tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép đường cát qua biên giới vẫn diễn biến phức tạp và ngày càng gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Đường nhập lậu vào Việt Nam chủ yếu xuất phát từ Thái Lan, qua Campuchia vào biên giới các tỉnh Tây Nam rồi đưa vào thị trường tiêu thụ, tập trung nhiều ở những tỉnh trọng điểm như Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang...
Trong năm 2019, ước tính lượng đường nhập lậu vào Việt Nam lên tới 800.000 tấn. Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị bàn các giải pháp chống buôn lậu đường cát và tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường Việt Nam, do Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia tổ chức ngày 30-10, tại TP Hồ Chí Minh. Nhưng qua báo cáo của cơ quan chức năng, từ năm 2018 đến hết tháng 9-2019, các tỉnh, thành, ngành... mới chỉ phát hiện, xử lý hơn 876 vụ việc liên quan đến đường cát, xử phạt vi phạm hành chính hơn 1 tỷ đồng, thu giữ hơn 3.000 tấn đường, với tổng trị giá trên 12 tỷ đồng.
Ngày 3-12-2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Buôn lậu” xảy ra tại tỉnh An Giang. Đây là đường dây tội phạm có tổ chức buôn lậu đường cát trắng từ Campuchia về Việt Nam do Vi Hoàng Minh (sinh năm 1994, trú tại phường Châu Phú A, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang) cầm đầu. Từ các tài liệu thu thập được, cơ quan điều tra đã tiến hành khám xét khẩn cấp tại Công ty TNHH Một thành viên Kim Hưng Lợi và Công ty TNHH Di Thạnh, thu giữ gần 1.000 tấn đường cát trắng với tổng trị giá hàng tỷ đồng.
Một trong những thủ đoạn mà các đối tượng buôn lậu và gian lận thương mại mặt hàng đường thường sử dụng là sang chiết, phối trộn đóng gói đường lậu vào các bao bì mang nhãn mác đường sản xuất tại Việt Nam. Vì không thể truy xuất nguồn gốc hay phân biệt bằng giám định nên nếu không bị bắt quả tang, cơ quan chức năng rất khó chứng minh có phải đường nhập lậu hay không... Tinh vi hơn, các đầu nậu thường tham gia đấu giá đường (từ những đợt thanh lý hàng buôn lậu) với giá cao, sau đó sử dụng hồ sơ đó quay vòng cả năm cho các lô đường nhập lậu khác.
Theo Đại tá Phạm Thái Sơn, Phó Tham mưu trưởng BĐBP: Bộ Tư lệnh BĐBP rất quyết liệt trong chỉ đạo các đơn vị BĐBP đẩy mạnh các hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại nói chung và buôn lậu đường cát qua biên giới nói riêng. Trong đó, tập trung huy động, bố trí lực lượng, phương tiện thường trực chốt chặn 24/24 giờ tại các đường mòn, bến sông trên biên giới mà các đối tượng thường vận chuyển hàng lậu để đấu tranh ngăn chặn. Những năm qua, BĐBP các tỉnh, thành phố đã phối hợp tốt với các lực lượng chức năng trong phòng ngừa đấu tranh ngăn chặn hoạt động buôn lậu từ biên giới cho đến nội địa. Nhiều chuyên án, vụ án buôn lậu lớn đã bị triệt phá tại các địa bàn trọng điểm. Tuy nhiên, kết quả chống buôn lậu đường vẫn chưa tương xứng với thực tế. Đường vẫn thẩm lậu vào nội địa bằng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau.
Đại tá Hồ Tú Điền, Chỉ huy trưởng BĐBP Kiên Giang cho biết: Công tác đấu tranh với các hoạt động buôn lậu đường qua biên giới gặp nhiều khó khăn. Đối tượng buôn lậu ngày càng manh động, gây ra nhiều thách thức cho lực lượng chức năng, thậm chí còn chống lại người thi hành công vụ để đòi hàng, tang vật khi bị bắt. Cùng với đó, các đối tượng vận chuyển đường lậu thường xé lẻ, mang vác số lượng nhỏ nên khi bị phát hiện, bắt giữ, cơ quan chức năng chỉ xử lý hành chính vì chưa đủ số lượng để truy tố dẫn đến tình trạng vận chuyển đường lậu liên tục tái diễn.
Trên thực tế, tại một số địa phương, mỗi ngày có hàng chục tấn đường lậu vận chuyển qua biên giới, trong đó có một số lượng không nhỏ được đóng sẵn bao bì của các nhà máy đường trong nước. Nếu không bị bắt quả tang, cơ quan chức năng rất khó chứng minh là đường lậu khi đã vào nội địa. Một khi hàng qua hết biên giới, có hóa đơn là hợp pháp, các cơ quan chức năng rơi vào hoàn cảnh “biết mà không làm gì được”.
Để khắc phục và đấu tranh với tình trạng nhập lậu đường, theo các nhà chuyên môn, cần có quy định cụ thể để việc truy xuất nguồn gốc đường cát thành yêu cầu bắt buộc đối với mọi cơ sở sản xuất chế biến. Đồng thời, đề xuất sửa đổi bổ sung Luật Đầu tư, đưa các hoạt động sản xuất, sang chiết, phối trộn đóng gói đường vào danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Điều chỉnh quy định thanh lý đường nhập lậu, chỉ cho phép các đơn vị có giấy phép (thuộc loại hình kinh doanh có điều kiện) tham gia đấu giá; tăng mức xử phạt với hành vi vi phạm...
Đăng Bảy