Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 07/06/2023 06:46 GMT+7

Cầm bút để tri ân Tây Bắc

Biên phòng - Tây Bắc không phải là quê hương của nhà thơ Bùi Việt Phương nhưng lại là nơi anh đã sinh ra, lớn lên và có biết bao sự gắn bó, khăng khít bởi vậy khi biết cầm bút để làm thơ, viết văn, điều anh mong mỏi, đau đáu là phải tri ân vùng đất này. Anh cũng đã từng quan niệm: “Viết về Tây Bắc cũng chính là một sự lý giải về cội nguồn của cảm xúc, của những giá trị thẩm mỹ”.

Nhà thơ Bùi Việt Phương đọc thơ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội nhân sự kiện Ngày thơ Việt Nam năm 2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhà thơ Bùi Việt Phương là tên tuổi khá quen thuộc trong làng viết văn trẻ, anh sinh năm 1980 tại Thuận Châu (Sơn La) và hiện là Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Hòa Bình. Anh bộc lộ nhiều khả năng với văn chương, khi thì làm thơ, lúc viết truyện ngắn, rồi viết tiểu thuyết nhưng chỉ một chủ đề duy nhất, đó là viết về con người, vùng đất và văn hóa Tây Bắc. Thông qua những tác phẩm của mình, anh mong muốn người dân Tây Bắc sẽ thêm yêu, trân trọng giá trị văn hóa của quê hương, đồng thời có những thay đổi về nếp nghĩ, cách sống sao cho phù hợp với xu thế thời đại trong bối cảnh nền văn hóa hội nhập và phát triển.

`Bùi Việt Phương đi những bước chân trong hoạt động văn chương rất chắc chắn, anh không xuất bản sách theo số lượng mà rất chú tâm đến chất lượng. Bởi thế, ngay tập thơ đầu tay “Ngày lạ” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn) đã mang đến cho anh giải C, Giải thưởng Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2019. Rồi anh liên tiếp ra tập tản văn “Nhựa sống” (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân) và tập thơ “Mắt trong” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn) được đông đảo bạn bè, đồng nghiệp đón nhận. Sự trưởng thành trong các cuốn sách đã được Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ (Ban Văn học - Nghệ thuật VOV6, Đài Tiếng nói Việt Nam) nhìn nhận: “Mắt trong” mới thực sự là tập thơ đạt tới “độ chín” của Bùi Việt Phương, vượt hẳn “Ngày lạ” về độ nhuần nhuyễn của suy tư và xúc cảm, của nội dung và nghệ thuật biểu hiện”.

Người bạn thân học cùng đại học với anh - nhà thơ Nguyễn Quang Hưng (Phó Ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam) ví “Mắt trong” như mang những phản chiếu nhỏ để gợi về vẻ khoáng đạt, lâu bền của miền núi cao to lớn. “Vẽ” núi rừng, thung khe, như vài nét phẩy, tập thơ “Mắt trong” cho ta thấy tranh thủy mặc hiện lên mà có độ loang nhòe của mực, làm ra những lớp sương mù còn ẩn khuất điều gì. “Phác” mạch chảy đời sống người vùng cao, mà lướt nhanh qua hình thức, áo váy, lễ lạt, tập quán, tác giả đưa người đọc bước vào suy nghĩ, tâm tình ai đó, như là đã ngồi bên bếp lửa trên sàn mà nghe chủ nhà kể câu chuyện cũ vậy.

Với Bùi Việt Phương, tản văn là nơi anh có thể tung tẩy viết bằng sự liên tưởng. Thông điệp mà anh mang đến trong tập tản văn “Nhựa sống” là tiềm ẩn trong mỗi con người có một lòng yêu đời tha thiết như dòng nhựa sống tiềm trong cây cỏ. Dẫu gặp lúc nghiệt ngã, éo le, thử thách, buồn đau thì tất cả vẫn được âm thầm cất giữ. Và khi ta nhận ra điều gì đó như mùa Xuân đến, tất cả lại bừng lên tha thiết. Nhựa sống là phần tự nhiên và cao cả, thánh thiện và nhân văn trong mỗi con người.

Gần đây, anh đoạt giải Ba trong cuộc thi “Tôi yêu đất nước tôi” do Ban Sản xuất các chương trình Giải trí - VTV3, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức với bài thơ “Biên thùy”. Trong bài thơ này, anh đã viết về thiên nhiên, con người vùng cao thật bình dị với bản nghèo tên khó đọc, cơm nấu vội giữa đêm, lưỡi dao ngắn, bàn chân đi rừng to bè, củi đun bếp lửa của các chiến sĩ Biên phòng... để gợi lên chủ quyền biên giới thiêng liêng.

Có lẽ, vì là người sinh ra và lớn lên ở miền núi nên anh muốn gửi đến người đọc một thông điệp nhỏ bé: “Hãy yêu biên thùy cũng như đất nước của mình từ những gì chân phác nhất”: Một tà áo bạt đi mùi thuốc súng/ Cây lên xanh nhận đất giữ biên thùy/ Mâm cơm vội, bản nghèo, tên khó đọc/ Gắp vội tiếng gà vào bát khách đường xa/ Hai mươi tuổi, em sinh sau trận mạc/ Hái một nhành hoa có nhớ vết tăng cày/ Hai mươi tuổi, có người xuyên lửa đạn/ Đi hết cánh rừng mận trắng để thành mây.../ Và có lẽ bao giờ cũng thế/ Đi dọc tuổi Xuân sẽ gặp biên thùy/ Tình yêu ấy làm ta không nhỏ bé/ Cọng cỏ già kể mãi bước quân đi...”.

Với nhà thơ Bùi Việt Phương thì viết về vẻ đẹp bề ngoài, về cái lạ, cái hùng vĩ, khắc nghiệt của miền núi thì dễ nhưng hiểu được nó đóng vai trò như thế nào trong đời sống, trong tâm hồn con người ở đây thì lại không hề đơn giản. Tây Bắc với anh luôn chứa đựng nhiều bất ngờ, bí ẩn. Thiên nhiên Tây Bắc vừa hiểm trở, khắc nghiệt, vừa kỳ vĩ, tươi đẹp. Chính sự đối nghịch đó tạo nên sự gan góc, sắc lạnh bề ngoài nhưng cũng tình nghĩa, tha thiết bên trong từng con người. Càng đi, càng viết, anh lại thấy mình nặng nợ với Tây Bắc bởi vùng đất này đã cho anh quá nhiều thứ mà đôi khi câu từ không thể diễn tả hết.

Được biết, trong thời gian tới, Bùi Việt Phương có dự định viết một cuốn tiểu thuyết về Tây Bắc ở thời điểm những thập niên cuối của thế kỷ XX, đó là quãng thời gian gắn bó với tuổi thơ của anh. Tất nhiên, tiểu thuyết là một thể loại khó, rất cần sự kiên trì, bền bỉ của người cầm bút nhưng nếu thành công, Bùi Việt Phương sẽ “phủ sóng” trên các thể loại văn học (tản văn, truyện ngắn, thơ, tiểu thuyết).

Ở tuổi 41 đầy hoài bão, sung sức, anh đang tràn đầy năng lượng trên “cánh đồng” sáng tạo. Và chắc chắn bạn đọc sẽ còn được đón nhận những tác phẩm có giá trị được viết bằng sự say mê, tâm huyết, bằng một tinh thần vượt khó vươn lên và bằng một trái tim luôn đau đáu, tâm huyết với núi rừng Tây Bắc của nhà thơ “8X” Bùi Việt Phương.

Triều Mây

Bình luận

ZALO