Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 02/10/2023 04:04 GMT+7

Cạm bẫy lôi kéo mua bán người của “HR” (bài 2)

Biên phòng - Tại Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, BĐBP Tây Ninh, lực lượng nghiệp vụ phải căng mình để xử lý số lượng lớn hồ sơ những người từ Campuchia nhập cảnh trái phép trở về Việt Nam. Phóng viên Báo Biên phòng đã tìm hiểu để phổ biến các thủ đoạn mà các HR (đối tượng tuyển người ở các sòng bài, sàn trò chơi điện tử tại Campuchia) nhằm giúp các thanh niên không bị những lời chào mời như mật ngọt và bị sa bẫy.

Bài 2: “Giải mã” chiêu trò của các đối tượng buôn người

Vào chốn lạ, sang Campuchia

Trong hồ sơ nghiệp vụ của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, các đối tượng bị lừa sang Campuchia xuất phát từ các địa phương rải đều khắp đất nước. Nhưng số lượng thanh niên bị lừa nhiều nhất được thể hiện trong hồ sơ lại đến từ các tỉnh phía Bắc như: Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Bắc Giang, Bắc Ninh, tiếp đến là các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An… Theo dõi tin nhắn của các HR trên các trang quảng cáo, thanh niên vùng cao ở các tỉnh phía Bắc thường tương tác và tìm hiểu khá nhiều.

Lực lượng Biên phòng và dân quân chốt chặn dọc biên giới Tây Ninh ngăn chặn người xuất nhập cảnh trái phép. Ảnh: Văn Chương

Trong hồ sơ tiếp nhận người trở về có nạn nhân Giàng A Vàng (dân tộc Mông, sinh năm 1997, quê ở xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên). Vàng trở về Việt Nam vào ngày 28/10/2022 và chỉ trình bày vắn tắt về việc được các HR tuyển dụng trực tuyến vào thành phố Hồ Chí Minh làm việc có lương cao, nhưng không hiểu sao lại bị đưa sang Campuchia.

Còn người thanh niên khác là Vương Tiến Trung (sinh năm 2006, quê ở xã Mán Sỉn, huyện Sín Mần, tỉnh Lào Cai) về Việt Nam vào ngày 26/10/2022 qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài đã khai nhận, Trung bị một HR tuyển dụng trực tuyến, hứa hẹn điểm làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh. Trên đường đi, các đối tượng đã “giữ chân con mồi”, sau đó, đưa Trung qua sòng bạc khu Ba Vet, Campuchia. Ngày 25/10/2022, khi chủ sòng bạc là người Trung Quốc bỏ chạy, chỉ để lại nhóm quản lý là người Việt Nam, Trung và hàng trăm người bị đưa lên xe ô tô để đến các điểm xa hơn. Nhận ra là mọi người sẽ bị đưa đi bán ở một công ty cách xa biên giới, toàn bộ nạn nhân đã tháo chạy ra phía cửa khẩu Ba Vet rồi trở về Việt Nam.

Qua 2 trường hợp trên, chúng tôi muốn chia sẻ với các thanh niên ở vùng cao, thiếu thông tin và hiểu biết về các thủ đoạn của các đối tượng buôn người, đó là khi bị các HR dụ dỗ đi làm công việc ở các tỉnh phía Nam, có mức lương cao (thường từ 900-2.500 USD), không tương xứng với trình độ cá nhân của mình thì cũng phải tự đặt câu hỏi ngược lại. Vì khi đã đặt chân vào các tỉnh phía Nam thì mưu đồ của các đối tượng buôn người đã đạt được 70%.

Vì từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào miền Nam, các nạn nhân sẽ không thể hiểu được mình đang bị đưa đi đâu. Nếu nạn nhân nào bộc lộ sự ngờ vực thì có thể sẽ bị đánh thuốc mê, sau đó, đưa sang Campuchia.

Vào trang tìm kiếm Google và gõ thông tin “kiếm việc làm sòng bài Campuchia”, lập tức sẽ có nhiều kết quả và nhiều người có thể dễ dàng tiếp cận ngay với các HR có số điện thoại, chào mời kết nối qua mạng xã hội Zalo, Telegram để tư vấn công việc. Bên cạnh đó là chiêu “thả câu” với bảng lương 1.000 USD, 2.500 USD, người làm việc có thể ra vào thoải mái, thuê nhà trọ ở ngoài, mức thưởng chuyên cần 100 USD/tháng… Nếu khi kết nối với HR, người tìm việc sẽ nhận được lời dụ dỗ ngon ngọt, kèm theo đường link chứa video mô tả cảnh hàng trăm người ngồi bên máy tính trong căn phòng rộng, cùng với đó là tiếng vỗ tay rào rào, hình ảnh người ra vào công ty tự do như đi chợ.

Nhưng phần lớn thông tin này là ảo. Nếu muốn nhận diện được các HR lừa đảo, mồi chài để câu kéo người bán cho các công ty thì có thể nhận biết qua đặc điểm: “Tiêu chí gì cũng nhận”. Nếu người tìm việc thật thà nói chỉ mới học lớp 7-8, đánh máy chưa giỏi, không rành tiếng Anh, tiếng Trung… thì họ vẫn nhận, vẫn đề nghị người tìm việc thử một chuyến, được bao chi phí, có xe tới đón rước tận nhà…

Tại sao các HR tuyển người bất chấp họ có trình độ hay không? Bởi lợi dụng những kẽ hở, trong đó có việc lừa lao động sang Campuchia bằng con đường xuất nhập cảnh trái phép, các đối tượng HR biến các nạn nhân thành món hàng để chào bán cho các công ty, hoặc đưa họ vào con đường bị áp lực tinh thần, sau đó cho liên lạc về gia đình để ra giá chuộc người.

Đào thoát khỏi địa ngục

Các nạn nhân trở về trình bày, tại Campuchia, họ được học việc trong 1 tuần lễ, sau đó vào làm tại các công ty trò chơi điện tử, sòng bài chuyên lừa đảo. Cứ buổi sáng, sau khi nhấn nút bắt đầu làm việc trên màn hình máy tính, nạn nhân bắt đầu vào cuộc đi săn, dụ dỗ khách nạp tiền vào trang để chơi trò chơi điện tử, cá cược. Khi khách thắng thì đánh sập trang, thay đổi ứng dụng để chuyển sang lừa đảo người khác, giật toàn bộ số tiền đó. Chiêu này gọi là ứng dụng “sập”, ứng dụng “đen”. Vì lý do trên nên các HR không cần người có trình độ quá cao.

Sòng bài ở khu Ba Vet. Ảnh: Tư liệu

Nhìn qua các nick của HR đang rao tuyển người qua Campuchia làm việc, có thể dễ dàng nhận dạng qua một số đặc điểm đáng ngờ như: Sử dụng tên ảo, không rõ mặt, đứng xoay lưng, ảnh chụp khá xa, các bài viết trên trang này ít, hoặc không có, một số bài viết không có người tương tác, bởi ảnh đại diện không phải của chính người đó…

Nhiều nạn nhân trở về khai, các công ty trò chơi điện tử, sòng bài lừa tiền thường hoạt động theo kiểu cho nhân viên dụ khách nạp tiền để chơi game, cá cược… Các nạn nhân khai, mỗi tháng được áp chỉ tiêu kiếm khách nạp tài khoản trò chơi điện tử tương đương 600 triệu đồng, nếu không đủ chỉ tiêu thì sẽ trừ lương, mức trừ mỗi ngày tăng lên. Nếu nhiều tháng không hoàn thành “định mức”, họ sẽ bị đánh đập, chích điện, hoặc bị bán sang công ty khác.

Cảnh sát Campuchia đã công bố lập đường dây nóng 117 để nhận tin nhắn, tố giác hành vi mua bán người. Tổng đài viên đường dây nóng có thể giao tiếp bằng các tiếng Việt, Anh, Trung Quốc. Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia công bố đường dây nóng +855-974056789; Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Sihanoukville: +855-97933999 hoặc Tổng đài bảo hộ công dân: +84-981848484.

Trong 9 tháng của năm 2022, các đơn vị BĐBP phía Nam đã phát hiện và xử lý 4 vụ mua bán người, 1.300 vụ xuất nhập cảnh trái phép. Hiện nay, các đồn Biên phòng tiếp tục bố trí các chốt rải dọc biên giới và cương quyết xử lý các vụ việc mua bán người sang Campuchia để ép vào làm việc trong các sòng bài.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO