Biên phòng - Đối với những người làm báo, Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vì đây là dịp để họ nhìn lại chặng đường đã qua, soi rọi lại mình qua những tác phẩm báo chí đầy tâm huyết và trách nhiệm với mong muốn truyền tải thông tin đầy đủ và chính xác nhất đến công chúng... Với Đại úy Lê Văn Chương (phòng Chính trị BĐBP Quảng Ngãi), một trong những “cộng tác viên ruột” của báo Biên phòng, “phong vị” của ngày 21-6 năm nay có nhiều sự khác biệt hơn, vì anh cùng đồng nghiệp của mình vừa nhận được giấy mời ra Thủ đô Hà Nội nhận Giải báo chí quốc gia (giải C) cho phóng sự truyền hình: “Hiệp đồng bám biển ra khơi”. PV báo Biên phòng đã có cuộc trò chuyện cùng anh.

- Sự tiếc rẻ. Chính xác hơn là sự tiếc rẻ khi một “câu chuyện hay nào đó không được lưu giữ”. Lúc còn là một người lính trẻ, tôi hay tự nhủ rằng, “giữ cái tính ấy thì không khéo đã thành già”. Rồi lại tự đặt câu hỏi: “Tại sao mình cứ hay tiếc rẻ?”. Và sau đó, tự thấy câu trả lời ngay trước mắt mình. Đó là khi tôi tận mắt thấy những ngư dân Sa Huỳnh bơi lóp ngóp từ ngoài biển vào bờ. Bão biển ầm ầm. Họ liên tục bị sóng đẩy ra xa. Còn trong bờ, những người lính ôm phao cũng vật lộn với sóng gió để vượt sóng ra cứu họ. Nhiều câu chuyện tương tự khiến tôi nung nấu là phải viết. Không thể bỏ qua được. Không viết thì rất tiếc. Viết để biểu dương những người lính quả cảm. Viết để cộng đồng hướng về chia sẻ với ngư dân. Vậy là phấn đấu thành người làm báo.
- Anh có thể chia sẻ kỉ niệm ngày đầu bước vào nghề?
- Tôi có một thói quen hàng ngày, thấy tờ báo nào có bài hay thì mượn và kẹp vào sổ công tác. Cứ gần 4 giờ sáng thức dậy và “tập thể dục” bằng cách thắp nến, đọc báo một mình. Ở đồn biên phòng làm gì có tài liệu hướng dẫn cách làm báo. Vậy là một bài báo đọc đi đọc lại khoảng 10 lần. Tôi cứ đọc rất nhiều thể loại và tự phân tích thể loại đó cần viết gì trước, cái gì sau. Thời gian đầu, anh em chiến sĩ thấy lạ nên bò ra rình và xì xào: “Ông anh đang yêu chị nhà báo nào đó nên cứ dậy sớm để ngắm...!?” (cười).
- Nói một cách “lý thuyết” thì nghề báo “nhiều vinh quang nhưng cũng lắm hiểm nguy”. Anh đã bao giờ gặp nguy hiểm trong khi tác nghiệp và xử lý chúng thế nào?
- (Cười). Lại liên quan đến “chữ tiếc”. Bão số 9 - 2009 đổ vào Quảng Ngãi. Cả ngày tôi đi xe hon đa để quay phim, chụp ảnh từ thị xã ra đồn BP Bình Hải. 19 giờ, về gần Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, tôi vẫn tiếc chưa quay phim và chụp ảnh cán bộ, chiến sỹ Hải đội 2 cứu nạn ngư dân vào bờ. Vậy là quyết định ngoặt xe xuống biển. Mưa kinh khủng. Thiếu tá Nguyễn Thanh Tiến, Hải đội trưởng soi đèn cho tôi quay phim trong mưa bão. Tôi tiếc, nếu không cố gắng thì sau này sẽ không bao giờ ghi lại được khoảnh khắc bão tố này.
Trên đường trở về, chùm sét đánh loằng ngoằng chỉ cách mặt 20m. Bão gió thổi ầm ầm. Cột điện đổ, giăng dây, lôi cả người và xe ngã lăn quay, quần rách toạc. Tôi bò dậy và tự nhủ: “Thiên lôi vừa đánh mà mình không chết thì chắc sẽ không bị sao cả”...
- Với thể tài phóng sự, anh đã có những thành công ban đầu, đặc biệt là những phóng sự về đề tài biển- đảo. Nhiều phóng viên, kể cả những người đã “có nghề”, khi đặt bút viết phóng sự thường băn khoăn vì sợ “cái tôi” ít hoặc nhiều quá. Với Lê Văn Chương, bao nhiêu “cái tôi” là đủ để người đọc không cảm thấy bài viết quá khô khan hay quá chủ quan dưới con mắt của tác giả?
- Theo tôi, “cái tôi” chính là bản lĩnh, tầm nhìn, thước đo trình độ người làm báo. “Cái tôi” giống như ngọn nến trong chiếc lồng đèn. Ngọn lửa vừa vặn thì đẹp rực rỡ, nếu quá to thì lồng đèn sẽ bị thiêu “vèo” thành bó đuốc, hoặc nếu ngọn nến quá nhỏ thì cái lồng đèn này sẽ mờ, không gây được ấn tượng cho người “quan chiêm” nó...
- Theo anh, một nhà báo chân chính là người phải có những phẩm chất gì?
- Nhà báo chân chính phải có đạo đức nghề nghiệp, bản lĩnh chính trị, sự trong sáng, lòng say mê, trung thực, dũng cảm. Đồng thời, nhà báo phải luôn khắt khe với chính mình. Khi cần có thể “phạt” mình một trận tơi tả...
- Anh vừa nói về “khái niệm” nghề báo, đại ý, là công việc phản ánh, cập nhật cuộc sống bằng thông tin. Yêu cầu lớn nhất mà cũng là mục tiêu của nghề này là tính trung thực của sự phản ánh. Với đề tài biển-đảo, cụ thể là trong tác phẩm đoạt Giải báo chí quốc gia năm nay, anh đã thể hiện “kết luận” trên như thế nào?
- Ô tô đi trên đường, bị tai nạn. Chỉ 5 phút sau đã có người đến cứu. Còn giữa đại dương mênh mông, trong bão tố, ai sẽ đến cứu “chùm ngư dân” trên những con tàu? Đó là đòi hỏi bức thiết của những ngư dân ngày đêm bám biển. Đó là câu hỏi đang tìm lời giải của các cơ quan chức năng. Nhà báo cũng phải lao vào tìm cách.
Ta cứ đoàn kết chặt chẽ trên biển. Phải bảo vệ nhau để sống chết cũng phải có nhau trở về. Phóng sự truyền hình “Hiệp đồng bám biển xa khơi” dự thi Giải báo chí quốc gia năm nay của chúng tôi đã góp thêm câu trả lời. Phóng sự này đưa ra một mô hình bám biển có thể áp dụng cho ngư dân cả nước. Rõ ràng, chính sách của Nhà nước nhiều khi phải đi từ dưới lên, đi từ hiện thực đòi hỏi nóng bỏng của cuộc sống...
- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!...