Biên phòng - Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), mặc dù năng suất lao động năm 2020 của Việt Nam tăng cao nhất trong khu vực (5,4%), đạt mức 5.081 USD/lao động theo giá hiện hành nhưng là mức tăng trưởng thấp nhất trong 5 năm gần đây.
Tính chung giai đoạn 2016-2020, bình quân năng suất lao động của Việt Nam tăng 5,8%/năm, cao hơn hẳn giai đoạn 2011 - 2015 (4,3%). Mô hình tăng trưởng dần chuyển dịch từ chiều rộng sang chiều sâu, giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu thô, lao động giá rẻ, từng bước chuyển sang dựa vào ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) bình quân 5 năm đạt khoảng 45,2% (mục tiêu đề ra là 30-35%).
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế đánh giá, tốc độ tăng trưởng năng suất lao động của chúng ta vẫn chưa đủ nhanh để có thể thu hẹp khoảng cách với các quốc gia phát triển. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn 3 lần so với Thái Lan, 4 lần so với Trung Quốc, 7 lần so với Malaysia và 26 lần so với Singapore. Điều này cho thấy, Việt Nam cần nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa trong việc cải thiện năng suất quốc gia...
Nhiều chuyên gia chỉ ra bất cập về năng suất lao động của Việt Nam trong 3 thập niên qua là chất lượng nguồn lao động còn thấp; năng suất lao động chuyển động chậm trong khu vực nông, lâm, thủy sản, nơi có lực lượng lao động đông đảo.
Trong bối cảnh đổi mới về khoa học công nghệ rất nhanh, nhưng đổi mới về tư duy, năng lực của lao động vận hành công nghệ không theo kịp. Đây là lực lượng rất cần thiết mang lại cải cách, thay đổi năng suất lao động cho Việt Nam, song lại đang rất thiếu.
Thực tế, đến năm 2020, Việt Nam chưa đạt chỉ tiêu 25% lao động được đào tạo có bằng cấp chứng chỉ; trên 75% lao động mới qua giáo dục nghề nghiệp sơ cấp và các hình thức đào tạo dưới 3 tháng.
Đáng lo ngại hơn khi đào tạo nghề còn thiếu gắn kết giữa lý thuyết và thực hành. Vì thế, kỹ năng lao động của Việt Nam chỉ đạt mức 46/100 điểm (xếp thứ 103 trên thế giới), kém rất xa so với nhóm ASEAN-4.
Mặt khác, lực lượng lao động tại Việt Nam ngày một già hóa, tuổi bình quân và trung vị của lực lượng lao động hiện là 40 tuổi, lao động trẻ không đủ thay thế lực lượng lao động đang già hóa.
Không khó chỉ ra chính sách phát triển thị trường lao động của Việt Nam còn nhiều hạn chế, trong khi cơ chế giám sát thực hiện các chương trình, chính sách lao động kém hiệu lực chính là nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động tụt hậu.
Một trong những nội dung quan trọng nhất của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam là chuyển dần từ tăng trưởng dựa trên tăng số lượng các yếu tố đầu vào sản xuất sang tăng trưởng dựa vào tăng năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Để xử lý tốt bài toán này, một mặt, chúng ta cần thay đổi cơ chế phân bổ nguồn lực theo hướng thúc đẩy chuyển dịch tích cực các nguồn lực sản xuất sang các ngành, lĩnh vực có năng lực cạnh tranh hơn, năng suất lao động cao hơn và đóng góp tốt hơn vào quá trình phát triển kinh tế Việt Nam.
Mặt khác, cần một cuộc cách mạng về tăng năng suất lao động mạnh hơn nữa chứ không phải là một phong trào. Do vậy, cần có một cơ quan cấp quốc gia chịu trách nhiệm tham mưu hoạch định chính sách cho Chính phủ về năng suất lao động; hoàn thiện thể chế thị trường lao động; nâng cao chất lượng đào tạo lao động; giám sát, điều tiết, kết nối cung - cầu lao động trong cả nước và thị trường lao động quốc tế.
Thanh Thảo