Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ ba, 05/12/2023 12:10 GMT+7

Cải thiện năng lực cạnh tranh

Biên phòng - Năm 2019 là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội. Với tốc độ tăng GDP cả năm ước đạt trên 6,8%, Việt Nam thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, thế giới. Mô hình tăng trưởng đã giảm dần sự phụ thuộc vào khai khoáng và tăng tín dụng. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm, xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng khoảng 7,9%.

Thành tựu trên được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) xếp hạng Việt Nam là nền kinh tế có tính cạnh tranh thứ 67 thế giới trong năm 2019, với 61,5 điểm - tăng 10 bậc và tăng 3,5 điểm so với năm 2018, mức tăng cao nhất toàn cầu.

Trong số 12 trụ cột đánh giá năng lực cạnh tranh của WEF, Việt Nam có tới 8 trụ cột tăng nhiều bậc như: Ứng dụng công nghệ thông tin (tăng 54 bậc); Thị trường sản phẩm (tăng 23 bậc); Mức độ năng động trong kinh doanh (tăng 12 bậc); Thị trường lao động (tăng 7 bậc)... Qua đó, Việt Nam đang thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài để trở thành một trung tâm thương mại của khu vực, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và thương mại đang khiến kinh tế thế giới trở nên bất ổn.

Kết quả cải thiện năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã phản ánh nỗ lực liên tục trong suốt 6 năm qua của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, về thúc đẩy đổi mới sáng tạo để thích ứng và nhảy vọt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Những nỗ lực cải cách nổi bật như: Cắt giảm, đơn giản hóa ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh; thay đổi phương thức quản lý Nhà nước trong hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành; cải thiện các quy định, thủ tục nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi; giảm chi phí doanh nghiệp... đã đóng góp quan trọng vào việc thăng hạng năng lực cạnh tranh của nước ta.

Đặc biệt, năm 2019 thực sự ghi dấu ấn của những chủ trương và giải pháp quyết liệt nhằm thúc đẩy Chính phủ điện tử và nền kinh tế số; thực hiện cơ chế một cửa quốc gia ASEAN; xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh ở các địa phương; ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; chương trình cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành...

Tuy có sự cải thiện nhanh, nhưng năng lực cạnh tranh của Việt Nam vẫn chỉ đứng thứ 6 trong ASEAN (sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines); nhiều chỉ số tụt hậu so với các nước phát triển.Các chuyên gia kinh tế chỉ ra nhiều trụ cột hiện ở thứ hạng thấp hoặc rất thấp trong 140 nền kinh tế được xếp hạng, đang là rào cản hạn chế năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Đó là thể chế (hạng 89), cơ sở hạ tầng (hạng 77), y tế (hạng 71), kỹ năng (hạng 93), thị trường sản phẩm (hạng 79), thị trường lao động (hạng 83), mức độ năng động trong kinh doanh (hạng 89) và năng lực đổi mới sáng tạo (hạng 76).

Đáng chú ý là một số chỉ số có sự suy giảm mạnh như mức độ minh bạch về ngân sách tụt 42 bậc; nguồn vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ giảm 12 bậc. Điều này phần nào phản ánh môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam chưa thực sự ổn định và thuận lợi; tiếp cận tín dụng vẫn là trở ngại lớn đối với các doanh nghiệp...

Trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều khó khăn, bất định, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không tiếp tục cải cách mạnh mẽ, hiệu quả thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thì chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà, thua ngay các đối tác truyền thống đang cải cách rất mạnh mẽ xung quanh.

Điều này đòi hỏi không chỉ nỗ lực từ Chính phủ mà cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, nhất là cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Thanh Thảo 

Bình luận

ZALO