Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:53 GMT+7

Cai nghiện - Cần sự tích cực vào cuộc của chính quyền cơ sở

Biên phòng - Phú Thọ là tỉnh có số người nghiện cao trong cả nước. Toàn tỉnh hiện có 1.180 người nghiện ma túy, số người đang cai nghiện ở các cơ sở cai nghiện tập trung là 94 người, số người cai nghiện ngoài cộng đồng là 1.086 người. Con số trên cho thấy vai trò quan trọng của gia đình và cộng đồng trong việc giúp đỡ các đối tượng trong cai nghiện ma túy. Tuy nhiên, thực tế của việc cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, cần sự vào cuộc của tất cả các cấp chính quyền địa phương.

1sa8_anh-1
Bệnh nhân đến các điểm cai nghiện cộng đồng để đăng ký và uống thuốc cai nghiện. Ảnh: Hoàng Huy

Anh Bùi Hoài Sơn (SN 1973), trú tại khu 3, xã Hương Nộn, huyện Tam Nông là một trong số ít những người nghiện ma túy của xã đã cai nghiện thành công tại gia đình. Từng có gần 10 năm đánh mất tuổi trẻ, sa chân vào ma túy, khiến gia đình tan nát, 2 vợ chồng anh Sơn phải li dị. Cuối năm 2009, anh thuộc diện đi cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội của tỉnh. Hết thời hạn cai nghiện tại trung tâm, anh tiếp tục cai nghiện tại gia đình. Với ý chí quyết tâm từ bỏ ma túy, anh đã được gia đình giúp đỡ, động viên để làm lại cuộc đời.

Anh Sơn tâm sự: “Sau khi hết thời gian cai nghiện tại trung tâm, tôi vào làm tại trang trại nuôi gà thịt của gia đình anh trai, với mức lương trung bình hơn 6 triệu đồng/tháng. Có công ăn việc làm ổn định, nhìn thấy tương lai phía trước, tôi quyết tâm cai nghiện và đã thành công”. Hiện tại, anh Sơn đã lập gia đình, có cậu con trai 1 tuổi kháu khỉnh. Công việc thuận lợi, anh đã tách ra làm trang trại riêng với đàn lợn gần 50 con và hơn 1.000 con vịt.

Chia sẻ về quá trình cai nghiện, anh Sơn cho biết: Quan trọng nhất vẫn là quyết tâm của bản thân. Nhưng nếu không có cơ hội tìm được việc làm ổn định, phải đi làm ăn xa, không có tương lai phía trước, bản thân người nghiện ma túy rất dễ từ bỏ quyết tâm và quay trở lại con đường nghiện ngập.

Thời gian qua, hình thức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng đã được lựa chọn nhiều hơn so với trước, song hiệu quả mang lại chưa được như mong muốn. Nghị định số 94/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng nêu rõ: Đối với trường hợp cai nghiện ma túy tại gia đình thì người cai nghiện hoặc gia đình người cai nghiện có trách nhiệm đăng ký tự nguyện cai nghiện tại gia đình với địa phương. Thực tế cho thấy, các đối tượng nghiện ma túy thường là các đối tượng có tiền án, tiền sự, không tự giác khai báo và thiếu tinh thần hợp tác với lực lượng chức năng để thực hiện các hoạt động vận động, tư vấn cai nghiện, điều trị nghiện. Một số gia đình người nghiện vẫn còn mặc cảm, tự ti khi có con em là người nghiện nên không tự nguyện khai báo, đăng ký cai nghiện tự nguyện.

Còn đối với trường hợp tự nguyện cai nghiện ma túy tại cộng đồng, thì cơ sở y tế cấp xã, bác sĩ điều trị cắt cơn có trách nhiệm khám sức khỏe ban đầu, làm hồ sơ bệnh án cho người nghiện; xét nghiệm để chuẩn bị điều trị cắt cơn; xây dựng kế hoạch điều trị, cai nghiện phù hợp với từng đối tượng. Nhưng thực tế tại các trạm y tế cấp xã, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, phác đồ cắt cơn nghiện không còn phù hợp; chưa có nhiều điểm cai nghiện tập trung tại các địa phương.

Trao đổi về vấn đề này, ông Đỗ Hữu Sạ, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hương Nộn, huyện Tam Nông cho biết: Hiện nay, Trạm Y tế mới chỉ thực hiện được nhiệm vụ tư vấn cai nghiện cho người nghiện ma túy. Còn những nhiệm vụ khác, Trạm Y tế chưa có cán bộ chuyên trách hay bất cứ một thiết bị nào để thực hiện việc xét nghiệm chất ma túy hay triển khai các xét nghiệm khác và điều trị cắt cơn cho người nghiện. Hiện trên địa bàn huyện Tam Nông, chỉ có Trạm Y tế xã Cổ Tiết được bố trí làm điểm điều trị cai nghiện bằng thuốc Methadone và được đầu tư trang thiết bị, phác đồ cắt cơn nghiện.

Bên cạnh đó, việc theo dõi, quản lý và tiếp cận người nghiện gặp khó khăn vì người nghiện thường đi làm ăn xa, đi lang thang, không có mặt tại nơi cư trú. Số người nghiện tham gia điều trị bằng thuốc Methadone luôn biến động, thất thường, vẫn còn tình trạng bỏ liều, bỏ điều trị hoặc đồng thời sử dụng các loại ma túy khác. Do quá trình cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, người nghiện dễ dàng gặp gỡ, tiếp xúc với các đối tượng xấu, nếu không được quản lý, giám sát chặt chẽ từ phía gia đình và địa phương sẽ rất dễ tái nghiện.

Trước những khó khăn trong công tác cai nghiện ở cộng đồng, thời gian qua, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh đã chủ động, phối hợp các ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng các mô hình cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng. Duy trì mô hình Câu lạc bộ “Nối những vòng tay” và “Cành cọ xanh”, xây dựng các điểm tư vấn, hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng, thành lập 20 Đội Công tác xã hội tình nguyện để tư vấn, tuyên truyền, giúp đỡ người sau cai nghiện, người nhiễm HIV hòa nhập cộng đồng.

Việc triển khai hoạt động cho các điểm tư vấn đã góp phần giảm sự kì thị với người nghiện trong cộng đồng, giúp họ có nơi để chia sẻ, tư vấn, hướng dẫn trong quá trình điều trị tự nguyện. Và quan trọng hơn, đã huy động được sự vào cuộc của cộng đồng trong việc giúp đỡ người cai nghiện ma túy.

Trao đổi với chúng tôi về công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng hiện nay, ông Trần Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Tuyên truyền - Tư vấn, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh Phú Thọ cho biết: Cai nghiện tại gia đình, cộng đồng là một trong những giải pháp cần thiết nhằm giúp người nghiện không bị cách ly khỏi xã hội, không gián đoạn học tập, việc làm, giảm sự kỳ thị và có cơ hội hòa nhập cộng đồng.

Để cai nghiện thành công và tránh trường hợp tái nghiện, bên cạnh sự quyết tâm của bản thân người nghiện rất cần sự chung tay của chính quyền, đoàn thể các cấp. Nhất là cấp xã, phường, thị trấn cần chủ động giúp đỡ người sau cai nghiện có công ăn việc làm, hỗ trợ kinh nghiệm và vốn để phát triển kinh tế nhằm từng bước ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. 

Hoàng Huy

Bình luận

ZALO