Biên phòng - Những cuộc họp Quan chức cấp cao lần thứ nhất (SOM 1) tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, đã khởi đầu cho Năm APEC 2017 và thành công trên mọi mặt. Điều đất nước chúng ta cần lắm lúc này là học hỏi được nhiều kinh nghiệm phát triển của những nền kinh tế thành viên APEC, như: trình độ khoa học công nghệ tiên tiến, trình độ quản lý doanh nghiệp, phương pháp sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn toàn cầu… Phóng viên báo Biên phòng đã phỏng vấn ông Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Năm APEC 2017, Chủ tịch SOM APEC 2017. Ông Sơn, cho biết:

“APEC đang ở giai đoạn quan trọng trong đẩy mạnh nỗ lực hoàn thành các mục tiêu Bogor vào 2020, trong đó đóng góp của các Ủy ban vào thành công chung của Năm APEC 2017 sẽ là một bước tiến then chốt trong tiến trình này. Các Ủy ban đã lồng ghép các hướng ưu tiên vào hoạt động của APEC trong năm 2017”.
Bốn ưu tiên xuyên suốt năm 2017
PV: Chương trình nghị sự của APEC diễn ra rất nhiều, đối với Việt Nam - chủ nhà đăng cai tổ chức APEC 2017 - đã đề xuất những vấn đề nào mang tính then chốt, được các thành viên chấp nhận và đưa ra bàn thảo?
- Việt Nam đã đề xuất chủ đề của Năm APEC 2017 là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. Trên cơ sở chủ đề và tiếp nối các kết quả tiến trình hợp tác APEC đạt được thời gian qua, Việt Nam đã đề xuất bốn ưu tiên, gồm: Thứ nhất, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm. Thứ hai, tăng cường liên kết kinh tế khu vực sâu rộng. Thứ ba, nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số. Thứ tư, tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Qua SOM 1, các Ủy ban, nhóm công tác đã thảo luận rất sôi nổi các chủ đề mới này. 4 chủ đề này sẽ tiếp tục bàn sâu và xuyết suốt trong năm 2017.
PV: Xin ông đánh giá thành công của SOM 1, sự kiện mở màn cho Năm APEC 2017?
- SOM 1 của APEC 2017 tổ chức lần đầu tiên tại Nha Trang có gần 60 cuộc họp, hội thảo. Đây là sự kiện có quy mô rất lớn, gấp 2 lần so với APEC 2006, do Việt Nam đăng cai tổ chức. Khách quốc tế đến đây rất hài lòng về cách thức tổ chức hội nghị và vẻ đẹp của đất nước Việt Nam, đặc biệt là Nha Trang. Nhiều bạn nói với tôi sau hội nghị này chắc chắn sẽ đưa gia đình đến đây du lịch. Đây là khởi đầu rất tốt cho các chuỗi sự kiệp tiếp theo, từ đây đến tháng 11 - 2017, sẽ có hơn 100 cuộc họp lớn nhỏ, trải dài nhiều tỉnh, thành, đỉnh cao là Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng.
Tạo môi trường kinh doanh cởi mở
PV: Chúng ta là nước chủ nhà tổ chức APEC 2017, theo ông mình sẽ được hưởng lợi gì?
- Việc Việt Nam là chủ nhà của APEC 2017 là sự kiện bước ngoặt rất quan trọng của chúng ta, trong chuỗi các hoạt động đa phương từ đây đến năm 2020. Từ lãnh đạo cấp cao nhất nước ta đến người dân đã hiểu được và xác định đây là sự kiện trong đại. Chúng ta đã chuẩn bị rất kỹ càng cho năm APEC 2017. Chúng ta đã đóng góp các lợi ích chung, cùng các thành viên xác định được các chủ đề ưu tiên của APEC, hỗ trợ lẫn nhau và ứng phó với những thách thức.

Tháng 11 năm nay, Đà Nẵng sẽ đón lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC, ngoài ra còn đón hơn 1.000 chủ tịch, tổng giám đốc các tập đoàn, công ty lớn trên thế giới và khu vực đến nước ta tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư kinh doanh. Suốt một năm tổ chức nhiều chường trình, hội nghị, các tập đoàn sẽ vào rải rác để tìm hiểu cơ hội đầu tư. Cái chính của APEC 2017 là bàn chuyện làm ăn kinh tế. Ngay trong đợt tổ chức đầu tiên tại Nha Trang, đã có rất nhiều doanh nghiệp đến tìm hiểu cơ hội hợp tác kinh doanh. UBND tỉnh Khánh Hòa đã chủ động tiếp xúc song phương với đoàn Hoa Kỳ và một số đoàn khác, qua đó giúp các bên nắm rõ thông tin lẫn nhau. Những đợt họp sau, tôi đề nghị các địa phương đăng cai tổ chức nên chủ động có những cuộc tiếp xúc song phương với các đoàn, doanh nghiệp giống như Khánh Hòa đã làm.
“APEC cần chứng tỏ sức sống, tính năng động, khả năng thích ứng và trách nhiệm. APEC cần tiếp tục đi đầu thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, đồng thời bảo đảm rằng mọi người dân, mọi doanh nghiệp đều được thụ hưởng các lợi ích các lợi ích của thương mại và tăng trưởng. Điều cần thiết lúc này là tạo xung lực mới để APEC khẳng định vai trò là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực, góp phần giải quyết các thách thức chung”. – Ông Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.
PV: Đại diện cho chủ nhà của APEC 2017, ông muốn nói điều gì với các nền kinh tế thành viên APEC?
- Một thập niên sau lần đầu tiên đăng cai tổ chức Năm APEC 2006, Việt Nam tự hào được một lần nữa được đăng cai Diễn đàn trong năm nay. Những thập niên đổi mới và hội nhập tích cực đã giúp Việt Nam đóng góp hiệu quả hơn cho hợp tác APEC. Những thành công và kinh nghiệm của hầu hết các nền kinh tế APEC, cũng như trong thúc đẩy phát triển bền vững và tăng trưởng bao trùm, đều là những câu chuyện hữu ích Việt Nam có thể chia sẻ. Cam kết của Chính phủ Việt Nam thúc đẩy chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp cũng sẽ góp phần vào các nỗ lực chung của APEC về tạo môi trường kinh doanh cởi mở hơn cho doanh nghiệp và người dân. Các nỗ lực cải cách cơ cấu, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, chính sách và cải cách hành chính của Việt Nam đều phù hợp với các mục tiêu APEC đang theo đuổi.
Hải Luận (Thực hiện)