Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 02/12/2023 12:06 GMT+7

Cách vượt qua nỗi sợ hãi trong công việc

Biên phòng - Sợ hãi vốn dĩ luôn tồn tại trong mỗi con người chúng ta. Ngay cả khi đã trưởng thành và đi làm, ai cũng có thể cảm thấy sợ hãi khi phải đối diện với một môi trường mới, một công việc mới hay những đồng nghiệp mới. Né tránh không phải là cách tốt giúp bạn vượt qua nó. Thay vì vậy, bạn hãy tìm cách nhận biết và vượt qua nỗi sợ hãi để có thể đạt được những thành công trong công việc.

Vượt qua nỗi sợ deadline

Deadline luôn là điều ám ảnh với những người bận rộn. Nhiều người cảm thấy sợ hãi deadline tới mức lo lắng và luôn suy nghĩ về chúng mọi lúc mọi nơi. Thực tế, việc sợ deadline thường xảy ra khi bạn không biết cách sắp xếp thời gian và xử lý công việc một cách hợp lý, hoặc do tính cách “nước đến chân mới nhảy” của bạn. Đôi khi, việc quá mức lo lắng đó khiến bạn không tập trung hoàn thành công việc của mình, dẫn tới việc thường xuyên trễ deadline. Từ đó, bạn cảm thấy ngại ngùng và xấu hổ, thậm chí cho rằng bản thân không đủ năng lực với vị trí hiện tại.

Nếu bạn là một người như trên, hãy thật bình tĩnh và thừa nhận rằng, bạn đang thiếu kỹ năng quản lý thời gian và sắp xếp công việc. Có kỹ năng này sẽ giúp bạn đạt được kết quả tốt không những khi tìm việc làm nhanh ở Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh mà còn trong quá trình làm việc. Bạn nên đọc một số bài viết liên quan đến kỹ năng quản lý thời gian của người Nhật, học cách lên thời gian biểu công việc từng tuần vào sổ tay hoặc tạo To do list. Chỉ cần biết cách sắp xếp công việc theo thứ tự ưu tiên thì bạn cũng sẽ ý thức được deadline tương ứng với từng nhiệm vụ. Từ đó, nỗi sợ deadline sẽ dần dần tránh xa tâm trí bạn.

Sếp có thực sự đáng sợ như bạn nghĩ?

Không chỉ những người trẻ mới ra trường mới rơi vào trạng thái sợ sếp mà nhiều người đã đi làm lâu năm cũng có cùng nỗi sợ này. Nhiều người cho rằng, vì sếp quá nghiêm túc, quá khắt khe, đòi hỏi ở nhân viên quá cao hoặc đơn giản là sếp quá giỏi nên họ thấy sợ. Đôi khi, nỗi sợ cũng bắt nguồn từ chính suy nghĩ của bạn như: cảm thấy mình kém hiểu biết, không có nhiều kiến thức, không biết sử dụng các ứng dụng chuyên ngành, thiếu kỹ năng mềm...

Sợ sếp không phải là một điều tốt. Khi bạn càng sợ sếp, bạn sẽ càng cảm thấy mình yếu kém hơn trong công việc. Bạn cần nghĩ rằng, không có ai hoàn hảo toàn diện. Để có thể trở thành quản lý thì sếp bạn cũng đã phải trải qua quá trình học hỏi và tích lũy kiến thức. Vậy nên, họ nghiêm khắc hoặc đòi hỏi ở bạn nhiều hơn trong công việc cũng chính là muốn bạn có thể nâng cao kỹ năng và kiến thức theo thời gian. Cách đơn giản nhất là bạn hãy chia sẻ vấn đề của mình với sếp và xin lời khuyên của họ. Điều này sẽ giúp bạn vượt qua nỗi sợ hãi trong lòng và có thể hiểu về cách làm việc của sếp bạn hơn.

Hãy học hỏi từ những lời phê bình

Tâm lý của chúng ta là thích nghe những lời khen, lời động viên hơn là những lời phê bình. Nhưng có những lời phê bình thật lòng sẽ giúp bạn trở nên tốt hơn là lắng nghe những lời khen sáo rỗng.

Cách nhận biết nỗi sợ nghe những lời phê bình chính là bạn thường cảm thấy xấu hổ hoặc mất đi động lực khi bị cấp trên hoặc đồng nghiệp nói những lời khó nghe như vậy. Nhưng cần làm rõ ràng, việc họ dám nói ra những lời khó nghe trước mặt bạn đồng nghĩa với việc đó chính là những khuyết điểm của bạn và bạn nên tìm cách khắc phục chúng. Chỉ như vậy bạn mới có thể tiến bộ lên từng ngày. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy không thích khi bị phê bình trước tập thể, bạn hãy nói chuyện riêng với cấp trên về vấn đề này, đồng thời hỏi họ rằng bạn có thể làm gì để khắc phục những điều chưa tốt của bản thân. Một người có tinh thần cầu thị và dám đối mặt với những yếu điểm của mình không chỉ được cấp trên quý mến, mà sẽ là người gặt hái được nhiều thành công.

Càng hiểu biết nhiều, bạn càng ít lo sợ

Sự thật là, chẳng ai trong chúng ta cảm thấy dễ chịu khi bị nói rằng mình là người thiếu hiểu biết. Nhưng, không ai có thể trở nên giỏi giang và biết nhiều thứ hơn người khác nếu như không có sự học hỏi và trau dồi. Nếu bạn có kiến thức, có hiểu biết về ngành nghề đang theo đuổi, hoặc ít nhất là cập nhật những thông tin xã hội thường xuyên, bạn sẽ không cảm thấy tự ti trong tập thể. Ít nhất, hãy trang bị cho mình một vốn kiến thức và không ngừng mở rộng chúng. Bởi khi đã có kiến thức, kỹ năng, bạn sẽ cảm thấy phấn khích và hoàn toàn tìm được cách xử lý đối với những nhiệm vụ khó khăn hơn thay vì lo sợ. Ngược lại, nếu như mãi bó hẹp bản thân, bạn sẽ cảm thấy lo sợ khi gặp những công việc mới hoặc những lĩnh vực khác biệt.

Đừng nghĩ rằng sợ hãi là điều đáng xấu hổ, bởi chúng ta ai cũng sẽ có một nỗi sợ nào đó. Tuy nhiên, chỉ cần bạn dũng cảm đối diện vấn đề, dám thay đổi bản thân và vượt qua nỗi sợ hãi, bạn sẽ thấy rằng mình mạnh mẽ như thế nào và có thể làm nhiều điều vượt ngoài giới hạn của chính mình. Mọi việc đều có thể thay đổi khi chúng ta đổi thay.

Huyền Nguyễn

Bình luận

ZALO