Biên phòng - Đó là khẳng định của các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước tại Hội thảo “Một số định hướng tái cơ cấu kinh tế Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0”, do Trung tâm Thông tin và Dự bảo kinh tế - xã hội quốc gia phối hợp với Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam tổ chức ngày 22-11, tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sĩ Trần Hồng Quang, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia nhấn mạnh: Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đang diễn ra rất nhanh và tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của kinh tế - xã hội. Vì vậy, không chỉ mỗi ngành, lĩnh vực mà toàn bộ xã hội đều phải chuẩn bị kỹ lưỡng cho sự sẵn sàng tận dụng tối đa cơ hội và hạn chế tối thiểu thách thức trước cuộc CMCN 4.0.
Tiến sĩ Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho rằng, cuộc CMCN 4.0 là một xu thế tất yếu, tạo cơ hội phát triển cho các quốc gia, không phân biệt trình độ phát triển, đặc biệt là cơ hội cho các nước đi sau tham gia, hưởng lợi, nâng cao trình độ công nghệ của mình, đạt năng suất cao hơn, mang lại phúc lợi lớn hơn cho người dân.
Bên cạnh đó, CMCN 4.0 đòi hỏi thay đổi căn bản tư duy và cách thức quản lý của Nhà nước cho phù hợp và tương thích với môi trường số; đầu tư vào giáo dục, nghiên cứu và phát triển (R&D), tăng năng lực nguồn nhân lực và R&D 4.0; tạo môi trường thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Nhà nước đóng vai trò quan trọng, nhưng cần đẩy mạnh hợp tác công-tư, thu hút khu vực tư nhân tham gia thực hiện chuyển đổi công nghệ để thúc đẩy quá trình phát triển.
Theo Tiến sĩ Lê Huy Khôi, Trưởng phòng Nghiên cứu và Dự báo thị trường, Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công thương): Hiện nay, nhận thức và sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp về cuộc CMCN 4.0 vẫn còn nhiều hạn chế. Trong khí đó, hạ tầng kỹ thuật và ứng dụng công nghệ thông tin trong các doanh nghiệp của ngành công thương chưa đáp ứng được sự sẵn sàng trước cuộc CMCN này.
Ngoài ra, khả năng quản lý điều phối tích hợp các yếu tố công nghệ, phi công nghệ, giữa thực và ảo, giữa con người và máy móc, thiết bị trong quá trình hoạt động còn yếu kém. Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng do cắt giảm đáng kể lao động, đặc biệt là lao động giản đơn trong một số ngành công thương như: dệt may, da giày, điện tử…
Chia sẻ về kinh nghiệm của Ireland trong nền kinh tế số, Tiến sĩ Conor O’Toole, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế - xã hội Ireland cho biết, Ireland đã làm tốt công tác giáo dục và đào tạo, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học và công nghệ; đảm bảo môi trường đầu tư ổn định và quản lý tốt tài chính công; đầu tư có trọng điểm vào cơ sở hạ tầng công sang hàng hóa và con người; phát triển thị trường tài chính đầy đủ có thể cung cấp cả tín dụng và quỹ mạo hiểm cho đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp vừa và nhỏ…
Thùy Chi