Biên phòng - Sầu riêng Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận thương hiệu độc quyền và cấp nhãn hiệu “Sầu riêng Khánh Sơn cơm vàng, hạt lép”. Huyện Khánh Sơn đang tăng tốc mở rộng thêm diện tích trồng sầu riêng, đặt ra vấn đề quản lý chất lượng và thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế.
Bài 3: Hướng đến “chuẩn quốc tế”
Năm 2011, trên địa bàn huyện Khánh Sơn, sản lượng sầu riêng đạt khoảng 2.000 tấn. Năm 2022, sản lượng tăng lên trên 10.000 tấn.
“Huyện đang khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích trồng cây kém hiệu quả sang trồng sầu riêng, đến năm 2025, sản lượng sầu riêng đạt khoảng 20.000 tấn. Mục tiêu đến năm 2025, huyện Khánh Sơn sẽ thoát nghèo, xóa tên huyện nghèo nhất nước. Theo Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, hai huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh là các tiểu đô thị sinh thái núi rừng của tỉnh” - ông Nguyễn Văn Nhuận, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn tóm lược mục tiêu phát triển.

Cần có tư tưởng làm lớn từ tổ hợp tác
Sầu riêng ở Khánh Sơn chín muộn hơn so với các nơi, các thương lái khắp nơi đến xem trái “chốt” giá và đặt cọc mua trọn cả vườn. Ông Lê Quang Thắng, ở Đồng Nai đang thu mua sầu riêng tại Khánh Sơn chia sẻ: “Bây giờ, khách hàng mua sầu riêng cần người bán bảo đảm “bao ngon”, nghĩa là mua giá lẻ từ 75.000-85.000 đồng/kg (loại Monthong), khi bổ trái sầu riêng ra bị sượng, không ngọt, họ trả lại, mình phải thay thế cho khách trái sầu riêng khác. Thương lái mua sỉ tại vườn phải có kinh nghiệm nhìn trái, thống nhất giá, đặt cọc tiền. Số lượng nhiều thì đặt cọc 1 tỷ đồng, trung bình từ 300-500 triệu đồng, ít thì 50-100 triệu đồng. Cắt bao nhiêu trái là tính tiền bấy nhiêu tiền, lần cuối cùng mới trừ tiền cọc”.
Thương lái và chủ vườn hợp đồng rõ ràng, trái già 8-10 tuổi phải cắt, nếu thương lái “câu giờ” để lâu sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng vụ sau của cây sầu riêng, coi chừng bị chủ vườn trả lại tiền cọc và đuổi ra khỏi vườn, cấm cửa năm sau không cho mua sầu riêng. “Đa số các hộ trồng sầu riêng đã vào tổ hợp tác và hợp tác xã, họ trao đổi và truyền kinh nghiệm cho nhau. Mình phải tuyển người cắt sầu riêng có kinh nghiệm để bảo vệ cây cho chủ vườn và không bị “hớ” dẫn đến thua lỗ trong kinh doanh” - ông Thắng lập luận.
Đa số các xã, thị trấn ở huyện Khánh Sơn đã thành lập tổ hợp tác và hợp tác xã, được huyện cấp chứng chỉ nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm để các tổ hợp tác và hợp tác xã dán lên sản phẩm của địa phương mình. Thế nhưng, do sầu riêng ở Khánh Sơn hút hàng, thương lái cắt trái chở đi tiêu thụ không cần nhãn mác gì.
“Thương lái liên tỉnh họ đã có nguồn khách hàng quen, chẳng hạn, khách thích ăn sầu riêng miền Tây, họ mua sầu riêng Khánh Sơn rồi dán nhãn sầu riêng miền Tây lên. Người dân ở Khánh Sơn dễ tính, làm sao cũng được, miễn là bán được giá cao. Họ không biết nông dân ở huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận (tiếp giáp với Khánh Sơn) và các huyện tại tỉnh Khánh Hòa như Khánh Vĩnh, Diên Khánh, Cam Lâm (tiếp giáp với Khánh Sơn) đã học cách trồng sầu riêng của Khánh Sơn với số lượng khá lớn, sẽ cạnh tranh trực tiếp với sầu riêng ở đây” - ông Nguyễn Văn Điều, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn nói lên thực trạng.
Tôi nêu băn khoăn: Đã đến lúc, huyện Khánh Sơn cần có biện pháp mạnh để bảo vệ thương hiệu sản phẩm “Sầu riêng Khánh Sơn cơm vàng, hạt lép” đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận thương hiệu độc quyền. Nhiều tỉnh miền Trung cũng đang bắt đầu trồng sầu riêng, thời gian sau Khánh Sơn chưa thể đảm bảo “một mình một chợ”.

Ông Đỗ Nhi Huy, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn tán thành và cảnh báo: “Thế giới bây giờ đề cao chuyện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, sầu riêng của nước ta xuất khẩu kê khai giống Monthong, ngay ở hải quan cửa khẩu đã phát hiện sản phẩm đó xuất xứ từ Thái Lan. Cho nên loại sầu riêng Monthong sản xuất tại Việt Nam phải đổi tên thành sầu riêng Dona. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng khổng lồ, đã đồng ý cho sầu riêng của Việt Nam nhập khẩu chính ngạch. Vấn đề nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm phải được làm bài bản, không thể thả nổi như thời gian vừa qua”
Hợp tác xã đủ mạnh
Người trồng sầu riêng ở Khánh Sơn rất nhạy bén với thời cuộc, các hộ đang trồng giống sầu riêng Musang King, Malaysia, loại này giá bán cao gấp 4 lần so với sầu riêng mà bà con đang trồng. “Giống sầu riêng Musang King chủ yếu mới trồng từ 1-3 năm, số cây cho ra trái rất ít, hy vọng đây là loại cây siêu lợi nhuận cho người nông dân Khánh Sơn. Huyện đang khuyến khích và tạo mọi điều kiện tốt nhất để người dân xây dựng các hợp tác xã đủ mạnh” - ông Nguyễn Văn Thuận mong muốn.
- Khánh Sơn đã có tổ hợp tác và hợp tác xã cây ăn trái lâu rồi, có vẻ người dân không mặn mà cho lắm. Huyện có giải pháp nào để tăng tính hiệu quả kinh tế tập thể? - tôi tranh luận.
- Người dân vào hợp tác xã và vận hành như thế nào đó đã có Luật Hợp tác xã quy định rõ, chính quyền không can thiệp sâu vào vận hành hợp tác xã. Quan điểm của Huyện ủy, UBND huyện Khánh Sơn, cũng như chủ trương của Tỉnh ủy Khánh Hòa là luôn tìm mọi cách để hỗ trợ và xây dựng những hợp tác xã nông nghiệp làm ăn có hiệu quả. Hợp tác xã mạnh sẽ đứng ra đàm phán mua phân bón, thuốc trừ sâu... trực tiếp từ nhà máy sản xuất với giá cạnh tranh nhất. Có quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, xây dựng thương hiệu mạnh, có thể trực tiếp xuất khẩu, tăng lợi nhuận cao.
Xuất khẩu tại chỗ
“Huyện Khánh Sơn là hình mẫu phát triển cây ăn trái nói chung và sầu riêng nói riêng để các địa phương học tập, làm theo. Tỉnh Khánh Hòa có chủ trương xây dựng thương hiệu mạnh về trái sầu riêng Khánh Sơn để phục vụ du lịch. Chỉ cần một đoàn khách du lịch đến Khánh Hòa mua 2-10 trái sầu riêng, chẳng khác nào “xuất khẩu tại chỗ”, sản lượng bán được rất nhiều. Ngành du lịch đang mở các tuyến du lịch đến Khánh Sơn, vừa tham quan núi rừng, vừa tham quan các vườn sầu riêng, ăn sầu riêng tại vườn...”- ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa thông tin thêm.
Hải Luận