Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 12/11/2024 07:03 GMT+7

Cách làm giàu ở huyện nghèo nhất nước (bài 2)

Biên phòng - Huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa nằm trên độ cao từ 400-900m so với mặt nước biển, có dòng sông Tô Hạp chảy qua nhiều xã, là “linh hồn” của cây trồng. Sau nhiều năm trồng cây sầu riêng với diện tích nhỏ, nhưng chất lượng quả rất tốt đã thu hút các tay trồng sầu riêng chuyên nghiệp mua đất làm ăn lớn. Qua đó, tạo “đòn bẩy” cho phong trào trồng sầu riêng khắp các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Khánh Sơn.

Bài 2: Cung cách làm ăn lớn

“Nếu để đồng bào dân tộc Raglai trồng cây sầu riêng thì khó làm lớn được. Vì nó là loại cây khó chăm sóc bậc nhất, nhưng có giá trị kinh tế cao, trồng theo kiểu “chơi chơi” sẽ không tạo đột biến lớn trong kinh tế nông nghiệp. Nhiều năm trước, người dân quê ở các tỉnh Hải Dương, Quảng Ngãi, Quảng Nam... đến Khánh Sơn sinh sống. Họ là những nhóm hộ “thiệt ăn, thiệt làm”, chịu khó học hỏi, ứng dụng khoa học vào trồng sầu riêng chuyên nghiệp. Bây giờ, doanh thu mỗi năm hàng tỷ đồng” - ông Đỗ Nhi Huy, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn mở đầu câu chuyện.

Ông Bo Bo Niến chăm sóc vườn sầu riêng. Ảnh: Hải Luận

Tích tiểu thành đại

Ông Huy đưa cho tôi xem danh sách dài những hộ dân có diện tích trồng sầu riêng từ 3ha trở lên, thu nhập 500 triệu đồng đến 4 tỷ đồng mỗi năm. Ông Vũ Quang Bút, ở xã Ba Cụm Bắc là một trong những người có tay nghề cao chăm sóc sầu riêng.

Ông kể: “Tôi là người lính tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, sau ngày đất nước thống nhất, tôi về quê làm ruộng ở Hải Dương. Năm 2000, em tôi nhờ vào xã Sơn Lâm, huyện Khánh Sơn giữ rẫy. Ngủ một đêm ở rẫy, sáng sớm đi bộ khảo sát đến tối mịt mới quay về, tôi thấy khí hậu mát mẻ, đất đai ở đây nhiều. Ngày thứ 2, tôi gọi điện về cho vợ tôi, nói chuẩn bị tinh thần tôi quay về quê bán nhà vào miền núi sinh sống. Đúng một tuần sau, tôi quay về Hải Dương bán nhà, vườn được 28 triệu đồng, để lại 1 triệu đồng cho mẹ già. Cả nhà vào Khánh Sơn mua mảnh đất với giá 30 triệu đồng ở xã Sơn Hiệp, bắt đầu khởi nghiệp lại từ đầu”.

Vừa canh tác diện tích đất của mình, vừa đi làm thuê kiếm tiền mua gạo, mua giống cây trồng. Khi tích góp dư ra, ông Bút mua thêm đất. Ông Bút tâm sự: “Vùng đất 5ha chuyên canh trồng sầu riêng bây giờ, ngày trước là vườn cà phê. Tôi thử trồng sầu riêng xen vào diện tích cà phê, không ngờ giá trị của trái sầu riêng cao gấp nhiều lần cà phê. Tôi quyết định chặt bỏ cây cà phê, trồng 800 cây sầu riêng. Theo tính toán, vụ trái cây năm 2023, vườn sầu riêng của gia đình đạt trên 10 tấn quả. Hành trình của gia đình tôi là tích tiểu thành đại, sắm xe ôtô, xe tải, máy kéo... cũng từ sầu riêng “đẻ” ra hết đó”.

Cũng giàu lên từ sầu riêng phải nhắc đến hộ gia đình ông Mai Văn Khang, ở xã Sơn Lâm, huyện Khánh Sơn. Năm 2007, ông Khang bắt đầu chuyển từ cao nguyên tỉnh Lâm Đồng xuống huyện Khánh Sơn để lập nghiệp, bao nhiêu vốn liếng tập trung mua đất và trồng 2ha cây sầu riêng. Năm 2020, ông tăng diện tích lên 10ha, đạt sản lượng 40 tấn sầu riêng, giá bán 48.000 đồng/kg, thu nhập hơn 2 tỷ đồng. Vụ trái cây năm 2022, ông Khang đạt sản lượng gần 100 tấn, doanh thu trên 5 tỷ đồng.

“Triết lý” của lớp trẻ người dân tộc thiểu số

Ông Vũ Quang Bút tuổi đã cao, giao lại toàn bộ diện tích trồng sầu riêng cho con trai Vũ Văn Vịnh chăm sóc. Theo ông Bút, lớp trẻ bây giờ nhạy bén, luôn tìm kiếm thông tin khoa học để áp dụng vào vườn cây cho năng suất cao gấp nhiều lần trước đây, trái ngọt, không bị sượng, lợi nhuận cao.

Đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng xe máy kéo để vận chuyển trái sầu riêng. Ảnh: Hải Luận

Anh Vịnh không phải kỹ sư nông nghiệp, nhưng kiến thức trồng và chăm sóc sầu riêng được nhiều người dân tôn vinh “bậc thầy”, bởi kinh nghiệm thực tiễn. Anh chia sẻ: “Thông tin, kiến thức trồng cây sầu riêng rất nhiều ở trên mạng internet, ai cũng có thể xem được. Có 3 nguồn thông tin phổ biến: Nguồn từ các kỹ sư nông nghiệp, lý thuyết rất giỏi, nhưng thiếu kinh nghiệm thực tiễn. Nguồn thứ hai là các công ty bán thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thiên hướng khuyến khích nông dân sử dụng nhiều sản phẩm, đôi khi như “con dao hai lưỡi”. Nguồn thứ ba là người trồng và chăm sóc chuyên nghiệp, họ viết ra từ thực tiễn, thổ nhưỡng, khí hậu ở dưới miền Tây sẽ khác hoàn toàn với vùng khác, coi chừng bị “lệch pha” khi áp dụng vào Khánh Sơn”.

Bí quyết của anh Vịnh là tất cả mọi thông tin, kiến thức đều dưới dạng tham khảo. Điều quan trọng bậc nhất là để ý thật kỹ, quan sát mọi chuyển động của cây tại vườn nhà mình, kể cả thời tiết, phòng sâu bệnh. Từ đó, rút ra quy luật về mức độ mưa, gió, độ dốc từng khu vườn, đưa ra liều lượng phân bón dinh dưỡng, thuốc trừ sâu... cho cây sầu riêng ở Khánh Sơn.

“Có mấy người dân tộc thiểu số đến làm công cho vườn nhà tôi. Tôi nói với họ, phải cố gắng trồng sầu riêng. Thiếu giống tôi cho mượn, kỹ thuật tôi hướng dẫn. Ông Cao Cường, dân tộc Raglai nghe lời tôi làm theo, đến nay đã trồng được 150 cây, ra trái vụ đầu tiên rồi. Ông Bo Bo Niến, lúc đầu cũng khó khăn, đi làm thuê học nghề, sau đó về trồng 1ha cây sầu riêng, vụ này thu nhập khoảng 300 triệu đồng” - anh Vịnh chia sẻ.

“Nói có sách, mách có chứng”, anh Vịnh dẫn tôi đến thăm vườn cây sầu riêng của ông Bo Bo Niến. Ông Niến tâm sự: “Đồng bào dân tộc Raglai không còn ỷ lại sự hỗ trợ của địa phương. Bản thân tôi vào tận miền Tây chọn giống sầu riêng Monthong đầu dòng và đặt hàng họ làm giống chuẩn đưa về trồng ở Khánh Sơn. Mình vừa đi làm thuê có tiền mua giống cây, phân bón, phải chú ý học kinh nghiệm của mấy chủ vườn lớn. Năm trước, tôi đầu tư gần 200 triệu đồng làm hệ thống tưới nước cho toàn bộ diện tích trồng sầu riêng”.

Theo ông Niến, xã Ba Cụm Bắc đã có 20 hộ người dân tộc thiểu số làm sầu riêng chuyên nghiệp, diện tích từ 1-3ha. Còn hộ trồng 10-30 cây thì đại trà.

“Chỉ trồng 20 cây sầu riêng, chăm sóc thật tốt cho ra trái vụ thứ 2 trở đi sẽ thoát nghèo. Phần nhiều người đồng bào trồng sầu riêng mà không chăm sóc, rồi đưa ra đủ lý do. Tôi đã vận động nhiều anh em vừa làm thợ xây, vừa chú tâm trồng sầu riêng, sau 3-4 năm trở thành ông chủ vườn trái trị giá hàng trăm triệu đồng. Trước đây, mấy anh em người Kinh khi mới vào Khánh Sơn sinh sống còn nghèo, bây giờ họ thành đại gia hết rồi. Đó là họ chịu khó học hỏi, nỗ lực lao động, giỏi tính toán mới có, đâu phải của trên trời rớt xuống” - ông Niến nói.

Bài 3: Hướng đến “chuẩn quốc tế”

Hải Luận

Bình luận

ZALO