Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:36 GMT+7

Các tỉnh Tây Nam Bộ hỗ trợ người lao động tìm việc thời điểm cuối năm

Biên phòng - Trong đợt hồi hương vừa qua, tại các tỉnh, thành Tây Nam Bộ đã có hàng trăm nghìn lượt người trở về quê. Gánh nặng chăm lo nơi ăn chốn ở chưa nguôi, các tỉnh lại phải khẩn trương tìm giải pháp, có phương án hỗ trợ người lao động quay trở lại làm việc. Hiện tại, các trung tâm dịch vụ việc làm đang nỗ lực kết nối thị trường để người lao động sớm tìm được việc làm trong thời điểm cuối năm.

Chăm lo cho người lao động trở về địa phương. Ảnh: Hồng Diễm

Chăm lo công tác an sinh xã hội

Sóc Trăng là một trong những tỉnh có đông lao động trở về sau đợt giãn cách, trong đó có rất đông là người dân tộc thiểu số (DTTS), người dân sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn. Để nhanh chóng giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống của lao động hồi hương, các cấp chính quyền tỉnh Sóc Trăng đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó, tổ chức rà soát, hỗ trợ an sinh; kêu gọi doanh nghiệp trên địa bàn không đứng ngoài cuộc, hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động.

Tính đến giữa tháng 11-2021, Sóc Trăng đã hỗ trợ 133.688 lao động, kinh phí thực hiện trên 235 tỉ đồng (trong đó, lao động tự do được hỗ trợ 89.575 người, kinh phí thực hiện trên 134 tỉ đồng) góp phần hỗ trợ người lao động khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, chống đứt gãy chuỗi cung ứng lao động và thiếu hụt lao động. Đồng thời, hỗ trợ người sử dụng lao động giảm chi phí, nỗ lực thích ứng với trạng thái bình thường mới, duy trì sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động.

Ông Mã Chí Thanh, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng cho biết: Hiện tại, để giải quyết việc làm cho lao động hồi hương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức tư vấn, giải quyết việc làm, học nghề và phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp để kết nối với các doanh nghiệp tổ chức tiếp nhận người lao động trở về địa phương làm việc để giúp họ có thu nhập, ổn định cuộc sống.

Cũng như Sóc Trăng, trong đợt hồi hương này Cà Mau đã có hơn 55.000 lao động trở về quê. Để kịp thời hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 theo Nghị quyết 68, Cà Mau đã chi hỗ trợ cho hơn 230.000 đối tượng với số tiền trên 267 tỷ đồng. Hiện, tổng số lao động cần tìm việc là 46.500 lao động, với con số này Cà Mau đang tích cực tìm giải pháp kết nối lao động và doanh nghiệp để người lao động sớm tìm được việc, nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Người lao động có thể tìm hiểu thông tin tại các trung tâm dịch vụ việc làm. Ảnh: Hồng Diễm

Ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau cho biết: Sở đã phối hợp với trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh đẩy nhanh việc kết nối với các doanh nghiệp ngoài tỉnh để lao động trở lại làm việc. Bên cạnh đó, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể đã vào cuộc hỗ trợ bà con nhu yếu phẩm, động viên tinh thần, để an tâm trở lại làm việc.

Nhiều giải pháp giúp người lao động tìm việc làm

Để tạo thuận lợi cho người lao động trong việc tìm kiếm việc làm, các trung tâm dịch vụ việc làm ở các tỉnh phía Nam đã cùng phối hợp tổ chức các phiên, sàn giao dịch để người lao động có thể lựa chọn công việc phù hợp, đồng thời đây cũng là nơi có nguồn lao động dồi dào để các doanh nghiệp bổ sung vào chuỗi sản xuất. Qua 2 lần thực hiện phiên giao dịch việc làm, các trung tâm đã thu hút 191 doanh nghiệp tham gia với 67.000 vị trí trống cần tuyển, đây là điều kiện thuận lợi để người lao động tìm kiếm việc làm.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Cần Thơ cho biết, trung tâm đang phối hợp với các trung tâm dịch vụ việc làm của các tỉnh, thành khác để tạo ra môi trường tuyển dụng mà ở đó có nhiều cơ hội việc làm cho người lao động, đồng thời giúp các doanh nghiệp nhanh chóng tuyển đủ số lượng lao động. Để việc thu hút người lao động diễn ra suôn sẻ và phù hợp với tình hình thực tế, trung tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thường xuyên thực hiện chương trình tư vấn làm thủ tục, hồ sơ dự tuyển bằng hình thức online; hướng dẫn cách thức phỏng vấn trực tuyến qua ứng dụng Zoom.

Nhiều lao động được hỗ trợ tìm việc qua hình thức trực tuyến. Ảnh: Hồng Diễm

Tại Trà Vinh, hiện có hơn 37.000 lao động thất nghiệp có nhu cầu tìm việc làm. Để người lao động tiếp cận với các thông tin việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Trà Vinh đã triển khai mô hình chuyến xe lưu động, mở loa tuyên truyền, phát tờ rơi tại các vùng sâu, vùng xa, nông thôn. Đặc biệt, ở những nơi có đông đồng bào dân tộc sinh sống, trung tâm sẽ đến các chùa phổ biến thông tin về cơ hội việc làm cho bà con vùng đồng bào DTTS có ít điều kiện tiếp cận với ứng dụng công nghệ thông tin; đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động khi làm việc.

Ông Trịnh Minh Hùng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Trà Vinh, cho biết: “Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn sẵn sàng bỏ ra mức lương từ 9-12 triệu đồng cùng các chính sách hỗ trợ như: tổ chức các chuyến xe đưa, rước tận nơi, miễn phí test nhanh Covid-19, tạo điều kiện cho nhân viên tiêm đủ 2 mũi vaccine, hỗ trợ chỗ ở trọ 1 - 3 tháng, ứng lương trước 1 - 2 triệu đồng để trang trải việc sinh hoạt. Những ưu đãi này nhằm thu hút lao động trở lại làm việc để đáp ứng nhu cầu sản xuất dịp cuối năm.”

Hồng Diễm

Bình luận

ZALO