Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:14 GMT+7

Các tỉnh miền Trung ứng phó với bão trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19

Biên phòng - Ứng phó với bão trong điều kiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi chính quyền địa phương phải có phương án tối ưu. Qua cơn bão số 5 vừa qua cho thấy, sự khẩn trương, đồng bộ của các lực lượng trong công tác chuẩn bị là yếu tố then chốt để đảm bảo thắng lợi mục tiêu “kép”, vừa hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.

Ca nô của BĐBP thành phố Đà Nẵng hướng dẫn, sắp xếp phương tiện ngoại tỉnh neo đậu tránh bão số 5 trong âu thuyền, cảng cá Thọ Quang. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Bão số 5 xuất hiện khi tình hình dịch Covid-19 ở các tỉnh miền Trung vẫn đang diễn biến phức tạp. Khu vực dự kiến bão đổ bộ thuộc các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, là nơi có gần 3.000 F0 đang điều trị, hàng chục ngàn F1, F2 đang cách ly tập trung, tại nhà và đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ. Trước tình hình đó, phương án phòng, chống bão của các địa phương luôn được gắn với công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Để thực hiện mục tiêu “kép”, vừa đảm bảo an toàn cho nhân dân trong bão, hạn chế thấp nhất mức thiệt hại do bão gây ra, đồng thời, không làm lây lan dịch Covid-19, chính quyền địa phương các cấp chủ động nắm bắt sâu sát diễn biến của bão, dịch Covid-19, từ đó, triển khai các hoạt động ứng phó phù hợp. Được dự báo là diễn biến phức tạp, khó lường, nên ngay khi có thông tin về cơn bão số 5, chính quyền địa phương các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và thành phố Đà Nẵng đã yêu cầu BĐBP phối hợp với chủ tàu, thuyền tiến hành kiểm đếm, hướng dẫn cho các phương tiện đang hoạt động trên biển biết đường đi của bão để phòng, tránh, đồng thời, nhanh chóng lên kế hoạch sơ tán người dân ở vùng xung yếu, vùng trũng khu vực ven biển. Các công trình Dự án điện gió ở Quảng Bình, Quảng Trị cũng được yêu cầu ngừng thi công để tránh xảy ra sự cố như Thủy điện Rào Trăng 3, đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, hồ đập, lưới điện...

Trước đó, theo dự báo, đêm ngày 11, rạng sáng ngày 12-9, bão số 5 sẽ đổ bộ vào các tỉnh khu vực miền Trung. Tuy nhiên, ngay từ chiều ngày 10-9 đã xuất hiện mưa rất to, đặt ra yêu cầu phải di dời nhân dân ra khỏi khu vực xung yếu. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19, lực lượng chức năng cũng xác định việc di dời phải hết sức hạn chế, nếu bắt buộc thì phải di dân tại chỗ, xã nào ở xã đó, thôn nào ở thôn đó. Đồng thời, các địa phương cũng đẩy nhanh việc tổ chức xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 để tách trường hợp nghi ngờ, F0 ra khỏi cộng đồng trước khi tổ chức di dời đến nơi sơ tán (các đối tượng có yếu tố nguy cơ cao cần phải bố trí tại khu vực riêng). Lực lượng y tế được yêu cầu sẵn sàng tổ chức test nhanh cho người dân trước khi sơ tán tránh bão.

Ban Quản lý các âu thuyền, cảng cá của các tỉnh, thành cũng lên phương án tiếp nhận các tàu, thuyền đang khai thác ngoài khơi vào tránh trú, nhưng vẫn đảm bảo việc phòng, chống dịch Covid-19. Đại tá Trần Công Thành, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP thành phố Đà Nẵng cho biết: “Đà Nẵng là địa phương có số ca nhiễm, F1, F2 lớn nhất khu vực miền Trung. Thành phố Đà Nẵng đã triển khai phương án phòng, chống với mức độ cảnh báo cao nhất là bão số 5 trực tiếp đổ bộ. Âu thuyền, cảng cá Thọ Quang bên cạnh tổ chức tiếp nhận các phương tiện của địa phương đã tổ chức tiếp nhận gần 200 tàu với gần 2.000 lao động ngoại tỉnh. Các phương tiện được bố trí neo đậu ở khu vực riêng, các thuyền viên tạm thời cách ly trên tàu và được yêu cầu tuyệt đối không được tiếp xúc với các thuyền viên tàu khác. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố Đà Nẵng cũng chỉ đạo các ngành liên quan sẵn sàng phương án tổ chức test nhanh cho các thuyền viên trước khi di dời vào nơi tránh trú an toàn”.

Khu vực biên giới tỉnh Thừa Thiên Huế có xã Vinh Hiền (huyện Phú Lộc) từ cuối tháng 8 xuất hiện ca nhiễm trong cộng đồng. Tuy các F0, F1 đã được đưa đi điều trị và cách ly tập trung, nhưng vẫn còn F2 được quản lý, tổ chức cách ly tại nhà và vẫn tiếp tục ghi nhận các ca nhiễm mới. Điều đó đặt ra thách thức không nhỏ trong việc làm tốt công tác phòng, chống bão số 5, nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch khi đang là khu vực có nguy cơ cao.

Trung tá Hồ Xuân Trình, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Vinh Hiền, BĐBP Thừa Thiên Huế cho biết: “Do ảnh hưởng của bão số 5, từ ngày 10-9, địa bàn ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế đã có mưa rất to. Đặc thù của địa bàn xã Vinh Hiền là có nhiều khu vực trũng, nếu mưa bão vào sẽ bị ngập sâu. Đồn Biên phòng Vinh Hiền đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 xã Vinh Hiền chủ động sớm di dời các F2 đang cách ly tại nhà vào Khu cách ly dự phòng của xã. Mọi việc diễn ra đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch”.

Bão số 5 tan thành áp thấp nhiệt đới, nhưng đã gây mưa lớn tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, bão số 5 làm 2 người chết, 4 phương tiện bị chìm và mắc cạn, khiến 31 nhà, 7 điểm trường, nhà văn hóa bị tốc mái, hư hại. Mưa lớn làm 1.070ha lúa bị ngập, hư hại, nhiều tuyến đường bị sạt lở, cầu cống bị cuốn trôi... Sau bão, các địa phương đã nhanh chóng khắc phục hậu quả, giúp nhân dân ổn định cuộc sống.

Bão số 5 là cơn bão đầu tiên trong năm 2021 gây ảnh hưởng đến ở khu vực miền Trung, trong khi tình hình dịch Covid-19 tại các tỉnh miền Trung vẫn diễn biến phức tạp, bởi vậy, việc rút ra các bài học kinh nghiệm trong cơn bão số 5 vừa qua là việc vô cùng quan trọng để đảm bảo thực hiện thắng lợi mục tiêu “kép”, vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo an toàn cho nhân dân trong mùa mưa bão năm nay.

Nguyễn Hòa Bình

Bình luận

ZALO