Biên phòng - Tuyên bố ngày 11/7 của Ngoại trưởng Anthony Blinken nhấn mạnh sự cần thiết của việc "tuân thủ các nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế và chấm dứt các hành vi khiêu khích."
Nhân 6 năm ngày Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ở La Haye (Hà Lan) ra phán quyết về vụ kiện liên quan đến những tranh chấp trên Biển Đông (12/7), nhiều nước trên thế giới kêu gọi tuân thủ phán quyết của PCA.
Tuyên bố ngày 11/7 của Ngoại trưởng Anthony Blinken nhấn mạnh sự cần thiết của việc "tuân thủ các nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế và chấm dứt các hành vi khiêu khích."
Trong khi đó, Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo cho biết phán quyết của PCA là trụ cột trong chính sách và hành động của chính quyền mới nước này ở vùng biển tranh chấp, đồng thời bác bỏ những nỗ lực nhằm phá hoại quyết định mà ông nhấn mạnh là “không thể chối cãi” này.
Trước đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Philippines Enrique Manalo, trong đó bày tỏ phản đối các nỗ lực "đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực" trên các vùng biển.
Hai ngoại trưởng khẳng định cả Nhật Bản và Philippines sẽ tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp phù hợp với phán quyết trên.
Ngày 12/7/2016, PCA đã ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc liên quan các tranh chấp tại Biển Đông.
Theo phán quyết của PCA, yêu sách của Trung Quốc về "các quyền lịch sử" đối với các vùng biển nằm trong cái gọi là "đường 9 đoạn" là trái với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Phán quyết khẳng định Trung Quốc đã gây ra những nguy hại lâu dài đối với hệ sinh thái dải san hô ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc không có căn cứ lịch sử nào về vùng biển ở Biển Đông và Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý để đưa ra những tuyên bố về "các quyền lịch sử" đối với những nguồn tài nguyên trong cái mà Bắc Kinh gọi là "đường 9 đoạn".
Theo TTXVN