Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 13/09/2024 11:30 GMT+7

Các nước dần “mở cửa” an toàn trong dịch Covid-19

Biên phòng - Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào đầu tuần này, thế giới vượt ngưỡng 460 triệu ca nhiễm Covid-19 và hơn 6 triệu người tử vong. Tại nhiều nơi trên thế giới, biến chủng Omicron có tốc độ lây lan nhanh, song, những dấu hiệu tích cực đã cho phép chính phủ cân nhắc dỡ bỏ dần biện pháp hạn chế.

Người dân Thủ đô Paris, Pháp đeo khẩu trang phòng, chống Covid-19 khi đi bộ trên đường phố. Ảnh: REUTERS

Biến thể phụ BA.2 của biến chủng Omicron (Omicron “tàng hình”) đang lây lan nhanh tại Mỹ với 35.000 ca nhiễm mỗi ngày ghi nhận được. Trong đó, số ca nhập viện và tử vong đều trên đà giảm, riêng trong 2 tuần gần đây, số ca tử vong giảm 29%. Đầu tuần này, Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki đánh giá, giải pháp hữu hiệu hiện nay là phải tăng nguồn lực cho các quỹ phòng, chống dịch nhằm đảm bảo các chương trình không bị gián đoạn hoặc giảm quy mô. Đây cũng là giải pháp căn cơ để chính phủ có thể ứng phó với bất kỳ biến thể nào xuất hiện.

Tại các nước châu Mỹ, mối đe dọa từ biến chủng Omicron vẫn rất lớn, song, về tổng thể, tình hình dịch bệnh có nhiều dấu hiệu cải thiện, cho phép các nước từng bước dỡ bỏ biện pháp hạn chế, nhất là mở cửa các trường học sau 2 năm đóng cửa vì dịch bệnh.

Tại châu Âu, số ca nhiễm trên đà tăng mạnh, thậm chí, gần một nửa châu Âu ở mức “tăng vọt”. Trong tuần trước, Phần Lan ghi nhận số ca nhiễm mới tăng cao nhất lên tới 84% với 62.500 ca; Thụy Sĩ tăng 45% với 182.190 ca; Anh tăng 31% với 414.480 ca... Chuyên gia virus học Lawrence Young (Đại học Warwick, Anh) đánh giá, biến thể phụ Omicron “tàng hình” cộng hưởng với chính sách nới lỏng hạn chế và khả năng miễn dịch bị suy yếu được xem là tác nhân khiến virus lây lan nhanh. Giới chuyên gia y tế châu Âu khuyến cáo, nếu không áp dụng nghiêm túc các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, giãn cách xã hội..., thì “biến thể tàng hình” sẽ lây lan nhanh hơn rất nhiều.

Tại Pháp, cuộc sống đang trở lại bình thường và việc đeo khẩu trang, giấy chứng nhận tiêm chủng... dần không còn là điều kiện bắt buộc tại nhiều nơi công cộng có không gian kín. Truyền thông Pháp cho rằng, đây là một “bước tiến” mới trong lộ trình dỡ bỏ dần toàn bộ hạn chế y tế làm chao đảo đời sống trong 2 năm qua. Theo khảo sát từ giới truyền thông Pháp, tâm lý người dân hiện phân cực thành 3 quan điểm chính, gồm: Vui mừng vì trở lại cuộc sống bình thường; dè dặt với việc dỡ bỏ hạn chế y tế; phản đối việc vội vàng dỡ bỏ hạn chế.

Giới chuyên gia y tế Pháp đánh giá, sau nhiều tuần giảm ổn định, số ca nhiễm đã tăng trở lại trong những ngày gần đây và việc chính quyền và người dân lơ là các biện pháp phòng dịch sẽ gây ra làn sóng lây nhiễm mạnh mẽ, nhất là với “biến chủng tàng hình” vốn có tốc độ lây lan cao hơn 30% so với biến chủng gốc.

Các hãng thông tấn châu Âu cùng chung nhìn nhận, Pháp, Đức, Anh, Hà Lan... dù có số ca nhiễm “tăng vọt” nhưng dường như các chính phủ đang đặt quyết tâm rất cao trong việc tuân theo lộ trình dỡ bỏ dần các biện pháp hạn chế, song hành với việc tìm kiếm và áp dụng những biện pháp y tế mang tính căn cơ hơn để khôi phục đời sống bình thường, điển hình như các quan điểm về đánh bại Covid-19 bằng miễn dịch cộng đồng, sống chung an toàn với đại dịch.

Mặt khác, vẫn có rất nhiều nước cho rằng, chưa thể dỡ bỏ tất cả các biện pháp phòng dịch khi các “làn sóng” lây nhiễm mạnh vẫn diễn ra và tiềm ẩn có thêm những làn sóng mới. Điển hình như Ai Cập, chính quyền nước này cho rằng, bất chấp mọi diễn biến nới lỏng trên thế giới, Ai Cập tiếp tục duy trì các biện pháp giảm thiểu tác động của Covid-19 để giữ thành quả phòng, chống dịch thời gian qua.

Theo giới chuyên gia y tế thế giới, nới lỏng hạn chế y tế hiện là “bài toán” làm đau đầu các nhà chức trách và khó đưa ra một lời giải chung dù đây là ý chí chung của nhân loại. Vì vậy, mỗi quốc gia, mỗi xã hội với tập quán, thói quen khác nhau cần đề cao mục tiêu “mở cửa” an toàn thực chất, đảm bảo sự phù hợp, hài hòa, vừa phục hồi hiệu quả, vừa đảm bảo sức khỏe cộng đồng.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO