Biên phòng - Một mùa xuân nữa lại về trên khắp núi rừng và các bản làng biên cương trong sự giao hòa của đất trời, vạn vật và trong niềm vui sum vầy đón Tết của đồng bào các dân tộc trên khắp các nẻo biên cương. Mùa xuân về cũng mang đến nhiều xúc cảm tươi mới, khơi gợi nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật cho các nghệ sĩ. Với những rung cảm tinh tế trước đất trời biên cương vào xuân, các nghệ sĩ đã sáng tạo nên những tác phẩm giá trị, được đông đảo công chúng đón nhận.
Nhân một chuyến công tác ở vùng biên giới phía Bắc, cảm thức trước đất trời, mùa xuân biên cương, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã viết bài thơ “Tây Bắc”. Giữa đất trời Tây Bắc hùng vĩ, Trần Đăng Khoa nhận ra mùa xuân biên cương đến từ vó ngựa tuần tra của người chiến sĩ Biên phòng. Và cái nòng súng bấy lâu vốn lạnh tanh sắt thép, bây giờ cũng “muốn thành cây để trổ hoa”. Đến con suối ngày thường “riu riu trầm mặc” khi xuân đến cũng bỗng “hóa chàng trai mộng mơ”. Còn cỏ cây cũng “rực màu thiếu nữ” và rừng thì “buông sương tím ỡm ờ”... Thiên nhiên đầy ắp hồn người, trong trẻo mùa xuân tươi non, tràn trề sức sống: “Và thế là mùa xuân tới/ Trong từng vó ngựa tuần tra/ Nòng súng chán làm sắt thép/ Muốn thành cây để trổ hoa/ Con suối riu riu trầm mặc/ Đã hóa chàng trai mộng mơ/ Cỏ cây rực màu thiếu nữ/ Rừng buông sương tím ỡm ờ”.
Và trong một khung cảnh mơ màng với: “Đất trời bồng bềnh men rượu/ Em từ mây trắng bước ra/ Ôi chao nàng tiên xuống chợ/ Váy áo thông thênh nõn nà”. Từ khung cảnh mộng mơ đó, một cô gái Tây Bắc như một nàng tiên bất ngờ từ mây trắng bồng bềnh men say, khiến thi nhân phải bất giác sững sờ mà kêu lên thán phục. Dường như vẻ đẹp của cô gái miền sơn cước như hớp hồn tác giả, choáng ngợp cả đất trời, rực rỡ và thánh thiện, như thể chính em đang bước ra từ cổ tích.
Để rồi, cuối cùng, cảm xúc thơ được đẩy dần lên mãi, tươi vui, đắm say hòa điệu của thiên nhiên và tác giả: “Ta cũng trẻ như trời biếc/ Núi ngắm nhìn ta mơ màng/ Thế rồi mùa xuân hào phóng/ Tặng ta cả rừng hoa ban”. Một chút thăng hoa của Trần Đăng Khoa với Tây Bắc thân yêu giữa ngày xuân rực rỡ sắc màu, chính là thông điệp của lòng khát khao hướng thiện của người lính với mùa xuân biên cương!
Bên cạnh thơ ca, âm nhạc đã đồng hành cùng mùa xuân đất nước và gieo vào lòng người niềm tin yêu bất tận bằng những giai điệu say đắm, ngọt ngào. Trong những tác phẩm hay viết về mùa xuân biên cương mà các thế hệ nhạc sĩ đã dâng tặng cho đời, có sức sống mãnh liệt nhất vẫn là các bản tình ca đậm chất trữ tình, chan chứa tình cảm đôi lứa hòa quyện một cách nhuần nhuyễn với tình yêu quê hương, đất nước.
Cảm nhận sự tinh tế khi mùa xuân về trên quê hương Tây Bắc, năm 1957, nhạc sĩ Bùi Đức Hạnh đã tìm thấy sự đồng cảm, đồng điệu với nhà thơ Cầm Giang để “chuyển hóa” bài thơ “Núi Mường Hung, dòng sông Mã” thành ca khúc “Tình ca Tây Bắc”. Hơn 60 năm trôi qua, “Tình ca Tây Bắc” vẫn là bài hát hay nhất về Tây Bắc và là một trong những bài hát đặc sắc viết về mùa xuân, về quê hương đất nước. Bài hát đã được các thế hệ chiến sĩ Biên phòng rất yêu thích.
Mở đầu bài hát là những nét chấm phá đầy ấn tượng trong một bức tranh thủy mặc. “Rừng cây xanh lá muôn đóa hoa mai mừng đón xuân về/ Vui trong nắng vàng từng đàn bướm trắng bay khắp rừng hoa/ Ngập ngừng bên suối nước reo quanh mình như muôn tiếng đàn/ Bâng khuâng nỗi lòng nhịp sáo ai đưa khúc ca rộn vang”…
Rừng cây đang xanh tươi như được “thổi hồn” vào đó vì những đóa hoa vàng đang tưng bừng nở rộ để báo hiệu mùa xuân đã về. Hòa với màu vàng của hoa và của ánh nắng, sự xuất hiện của “từng đàn bướm trắng bay khắp rừng hoa” làm cho bức tranh của núi rừng ngày xuân như được tô điểm tuyệt bích. Thiên nhiên mùa xuân không chỉ có cảnh đẹp, mà đan cài trong đó là âm thanh trầm bổng của tiếng đàn, là nhịp điệu du dương của tiếng sáo.
Và lồng vào không gian tràn ngập sức sống của núi rừng ấy là câu chuyện tình của cặp trai gái miền sơn cước đã làm cho phong cảnh sơn thủy hữu tình thêm lãng mạn: “Em là dòng sông Mã/Anh là núi Mường Hum/Cho thuyền em ngược dòng gió đưa em về núi/Em hãy về bên suối/Đợi anh anh ở bên nương/Anh làm no lòng mường/Em làm vui ấm bản”... Núi là anh, suối là em - sự ví von ấy như minh chứng cho một tình yêu đôi lứa mãi mãi bền vững, như ngọn núi Mường Hum cao vút và dạt dào vô tận, như dòng sông Mã không bao giờ khô cạn. Lời ca như một ẩn ý nhắn với chúng ta rằng, tình yêu đôi lứa chỉ đẹp hơn, ý nghĩa hơn khi bản làng có cuộc sống bình yên, no ấm và đất nước được hòa bình, hưng thịnh.
Với hội họa, mùa xuân cũng luôn chiếm một vị trí quan trọng trong đề tài sáng tác của các họa sĩ. Mùa xuân đến, trời đất ấm áp, cây cối xanh tươi đẹp hẳn lên sau những ngày lạnh giá và ảm đạm của mùa đông.
Họa sĩ Tô Ngọc Thành là người chăm đi tìm vẻ đẹp của núi rừng. Ông đã từng dừng chân và vẽ ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu..., nhưng có lẽ, Sa Pa vẫn là địa danh để lại trong ông những ấn tượng sâu sắc nhất, bởi sự nguyên sơ, bí ẩn và nên thơ trong văn hóa và cảnh sắc bốn mùa.
Đặc biệt, mùa xuân Tây Bắc với tiếng khèn, điệu múa, sắc màu thổ cẩm và những cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp luôn quyến rũ bước chân họa sĩ. Mùa xuân vùng cao trong tranh ông thường được họa bằng sắc màu tươi sáng, với cái nhìn ấm áp, hồn hậu. Xem tranh về mùa xuân vùng cao của Tô Ngọc Thành, người xem thấy được cảnh sắc lung linh, con người hiền hòa, thân thiện. Chính bởi thế, qua những bức tranh của ông, nhiều người cũng muốn đặt chân tới khám phá các bản làng vùng cao Tây Bắc.
Giờ đây, mặc dù đã bước qua tuổi 78, sức khỏe không còn được như xưa, nhưng họa sĩ Tô Ngọc Thành vẫn đang ấp ủ nhiều dự định. Nghề vẽ với ông đã ngấm vào máu thịt, là niềm đam mê của cuộc sống. Vì thế, hằng ngày, ông vẫn cần mẫn làm việc. Thậm chí, có lần phải nhập viện điều trị căn bệnh ung thư đại tràng, thế nhưng vừa ra viện, họa sĩ Tô Ngọc Thành lại tiếp tục rong ruổi lên vùng biên giới. Có lẽ vì thế, năm nào Tô Ngọc Thành cũng tổ chức vài ba cuộc triển lãm suốt chiều dài đất nước giới thiệu tới công chúng vẻ đẹp lộng lẫy của núi rừng Tây Bắc...
Thanh Thuận