Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 26/03/2023 09:55 GMT+7

Các doanh nghiệp cần “tiếp sức” để mở lại thị trường du lịch quốc tế

Biên phòng - Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) du lịch tại các tỉnh phía Nam đang kỳ vọng có thể tiếp cận và được tiếp sức từ gói 350.000 tỉ đồng phục hồi kinh tế - xã hội của Chính phủ để tái đầu tư và khôi phục, mở rộng thị trường khách quốc tế sau “cơn bão” Covid-19.

Các DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch cần tiếp cận được nguồn vốn để phục hồi sau đại dịch Covid-19. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Cần ưu đãi vốn, lãi suất

Ghi nhận tại các tỉnh phía Nam, các DN lữ hành cũng đang chuẩn bị về sản phẩm, dịch vụ, làm mới tour, tuyến; quảng bá, xúc tiến để sớm đón khách quốc tế trở lại. Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần phát triển Golden Smile (Golden Smile Travel) cho biết, một đoàn khảo sát gồm gần 60 DN ở thành phố (TP) Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Hà Nội vừa tham gia chương trình trải nghiệm giới thiệu tuyến điểm du lịch ở Đức Hòa - Bến Lức, tỉnh Long An. Đoàn gồm cả DN khai thác khách nội địa và quốc tế, cùng tìm hiểu những điểm đến mới lạ, hấp dẫn để có thể nghiên cứu, xây dựng lịch trình tour, tuyến đón khách trong thời gian tới.

“Sắp tới, chúng tôi đầu tư mở rộng thị trường du lịch quốc tế với các điểm đến như: Dubai, Thái Lan, Hàn Quốc..., chúng tôi rất cần một nguồn vốn hỗ trợ với chính sách ưu đãi từ lãi suất để mở lại các thị trường quốc tế bị đóng băng do dịch bệnh. Tuy nhiên, đa số các công ty lữ hành không có tài sản thế chấp, nên rất khó để vay vốn của ngân hàng những khoản đầu tư lớn. Vì thế, nếu thủ tục vay vốn đơn giản, nhanh chóng, sẽ giúp DN có thêm nguồn lực, thêm sản phẩm mới cho lộ trình phục hồi” - ông Nguyễn Trần Hoàng Phương nói.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Lửa Việt Tours cho hay, để tạo đà cho các DN khôi phục trở lại, chúng ta cần giải pháp mạnh là lùi thời gian đóng lãi suất ngân hàng và bảo hiểm xã hội cho DN du lịch đến đầu năm 2023.

Là DN vừa được hỗ trợ vay vốn, ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty Tien Phong Travel cho biết, DN vừa qua đã được hỗ trợ rút 80% tiền ký quỹ lữ hành quốc tế từ ngân hàng thương mại để có nguồn lực duy trì hoạt động. Tuy nhiên, với khoản tiền vài trăm triệu đồng ký quỹ thì rất khó thúc đẩy hoạt động kinh doanh, vì vậy, DN đề xuất có thể tiếp cận được gói hỗ trợ 350.000 tỉ đồng.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, sau khi Chính phủ chính thức công bố mở cửa hoàn toàn thị trường khách quốc tế sau 2 năm đình trệ vì dịch Covid-19, nhiều DN du lịch cấp tập làm việc với đối tác nước ngoài để sớm đón du khách quốc tế trở lại. Tuy nhiên, các DN lữ hành vẫn gặp khó khăn về nguồn vốn để tái đầu tư và khôi phục lại thị trường du lịch quốc tế. Vì vậy, chúng ta cần có những chính sách hỗ trợ DN tích cực hơn, cụ thể hơn.

Thu hút đầu tư vào du lịch

Để hỗ trợ các DN ngành du lịch trở lại, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành nhiều thông tư liên quan việc cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ các DN vay vốn mới trong bối cảnh phục hồi.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) thông tin, Chính phủ đang triển khai gói phục hồi kinh tế - xã hội khoảng 350.000 tỉ đồng để hỗ trợ các DN sản xuất, kinh doanh. Ngành ngân hàng cũng chuẩn bị các điều kiện, chính sách để làm sao hỗ trợ DN nói chung, trong đó có DN du lịch riêng. Đặc biệt, Ngân hàng sẽ có phương án hỗ trợ các DN sản xuất - kinh doanh hiệu quả được tiếp cận vốn vay nhanh nhất để phục hồi, phát triển trở lại sau mùa dịch bệnh.

Tại TP Hồ Chí Minh, nơi được xem là trung tâm của ngành du lịch Việt Nam, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết, ngành du lịch TP đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để đón khách nội địa và sẵn sàng cho việc đón du khách quốc tế trở lại ngay trong tháng 4. Để hỗ trợ DN tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, Sở cũng làm cầu nối cho các ngân hàng và DN lữ hành gặp nhau để cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Ngoài ra, Sở kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trực tiếp là Tổng cục Du lịch tiếp tục phối hợp, hỗ trợ các địa phương tổ chức chương trình, hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam và du lịch các địa phương đến thị trường quốc tế; phối hợp với địa phương xây dựng và tham mưu cho Chính phủ có các chính sách, cơ chế ưu đãi về thuế, vốn... để kêu gọi thu hút đầu tư vào du lịch để ngành du lịch phát triển mạnh mẽ trở lại.

Theo bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh, hiện, các DN rất quan tâm đến các chính sách tín dụng để vay vốn nhằm khôi phục lại hoạt động cũng như duy trì chi trả lương cho nhân viên. Tuy nhiên, qua khảo sát từ các DN cho thấy, rất khó để tiếp cận nguồn vốn vay vì vướng các tài sản thế chấp, thủ tục hồ sơ... Vì vậy, sắp tới, Hiệp hội sẽ tiếp tục có những kiến nghị, làm việc với ngân hàng để có các chính sách cụ thể cho riêng DN lữ hành; tiếp tục kiến nghị giảm thuế phí, bảo hiểm, điện, nước... cho DN trong năm 2022 để có thêm điều kiện khôi phục lại thị trường du lịch quốc tế.

Nguyễn Hoàng

Bình luận

ZALO