Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:53 GMT+7

Các địa phương nỗ lực chuẩn bị cho năm học mới

Biên phòng - Để chuẩn bị cho năm học mới, các địa phương trên cả nước đang tích cực triển khai nhiều biện pháp đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học trước ngày khai giảng. Trong đó, các trường học vừa bị ảnh hưởng bởi mưa lũ đang nỗ lực dọn vệ sinh môi trường, chuẩn bị sách, vở cho học sinh có thể đến trường trong thời gian sớm nhất.

51tdb72ysk-4118_f_jln8r5cu1_img8054_vqvc
Giáo viên Trường Mầm non Chà Nưa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên khẩn trương dọn dẹp vệ sinh sau lũ để kịp khai giảng năm học mới. Ảnh: BCĐ Trung ương về Phòng chống thiên tai

* Tại Thanh Hóa, cận kề ngày khai giảng, nhiều trường học trên địa bàn chìm trong mưa lũ khiến cho việc chuẩn bị năm học mới gặp nhiều khó khăn. Sau 3 ngày bị cô lập, hàng trăm bộ bàn ghế tại 3 trường học (Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở) xã Vĩnh Lộc, huyện Vĩnh Yên vẫn đang nằm ngổn ngang, bao phủ bằng những lớp bùn đặc quánh. Lớp bùn đất do lũ để lại dày trung bình từ 20-30cm, có nơi cao đến gần 50cm nên công tác dọn dẹp khá vất vả.

Trên 100 cán bộ, chiến sĩ Công an, Quân đội, Phòng cháy chữa cháy đã được huy động cùng với các thầy, cô giáo, các bậc phụ huynh và các em học sinh tiến hành dọn dẹp 3 trường học (Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở). Tuy nhiên, do lượng bùn đất quá nhiều, dự kiến trong vài ngày tới các trường học này mới có thể khai giảng.

Cũng trong đợt lũ vừa qua, Trường Trung học cơ sở Cẩm Sơn (huyện Cẩm Thủy) đã bị ngập sâu từ 1-2m. Nhà trường đã huy động giáo viên, học sinh tích cực dọn dẹp, vệ sinh trường lớp để chuẩn bị cho năm học mới với phương châm nước rút đến đâu tổ chức dọn dẹp đến đó.

Tại huyện miền núi Mường Lát, mưa lũ từ ngày 28-8 đến ngày 1-9 đã làm hàng chục điểm trường bao gồm điểm chính và khu lẻ với rất nhiều phòng học cũng bị ngập úng, đất đá sạt lở làm sập, hư hỏng…Trong đó, thiệt hại nặng nhất là các xã Tam Chung, Trung Lý, Pù Nhi, Nhi Sơn, Mường Lý. Theo lãnh đạo địa phương, các phòng học bị sạt lở không thể khắc phục ngay được trong khi ngày khai giảng năm học mới đã cận kề vì vậy sẽ phải tính phương án bố trí nơi học mới.

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Thanh Hóa đã thành lập các đoàn công tác cùng với chính quyền địa phương đến thăm các trường học, gia đình học sinh bị thiệt hại tài sản do mưa lũ. Sở sẽ vận động mỗi cán bộ, giáo viên ủng hộ 1 - 2 ngày lương hỗ trợ học sinh, các trường chịu nhiều thiệt hại; đồng thời kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp hỗ trợ những trường học bị thiệt hại bởi mưa lũ.

Theo báo cáo của ngành GD-ĐT Thanh Hóa, đợt mưa lũ vừa qua đã khiến 13 điểm trường trong toàn tỉnh bị ngập lụt, 6 điểm trường bị ảnh hưởng bởi sạt lở đất, 2 nhà bán trú cho học sinh bị vùi lấp. Cùng với việc nỗ lực khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, ngành GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa đang tích cực thống kê cơ sở vật chất bị hư hỏng để kịp thời sửa chữa, bổ sung, chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất đón học sinh bước vào năm học mới.

* Tại Sơn La, nhiều trường học đã phải chạy đua với thời gian, khắc phục hậu quả mưa lũ để kịp khai giảng năm học mới. Trong đó, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nà Ớt (xã Nà Ớt, huyện Mai Sơn) - nơi hứng chịu 2 cơn lũ (ngày 28-8 và 30-8) đang huy động tối đa nhân lực để dọn dẹp lượng bùn đất khổng lồ do lũ để lại. Sau hai trận lũ, toàn bộ trang thiết bị dạy học, máy tính, sách vở tại thư viện và phòng thực hành của nhà trường đều bị lũ cuốn trôi hoặc làm hư hại và tổng thiệt hại ước tính khoảng hơn 2 tỉ đồng.

Nhằm giúp thầy, trò bớt khó khăn, Bộ GD-TĐ đã tặng cho các trường ở huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La chịu ảnh hưởng và thiệt hại từ trận lũ vừa qua sách giáo khoa và tiền mặt trị giá 300 triệu đồng. Công đoàn Giáo dục Việt Nam cũng tặng cho huyện Mai Sơn phần quà trị giá 120 triệu đồng.

* Tại Điện Biên: Theo thống kê của Phòng GD-ÐT huyện Mường Chà, năm học 2018-2019 toàn huyện có 45 trường, hơn 700 lớp với tổng số học sinh dự kiến của 3 cấp học trên 15.000 học sinh. Ðể chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đồ dùng học tập… phục vụ năm học mới, thời gian qua, Phòng GD-ÐT huyện Mường Chà đã chỉ đạo các trường phối hợp chặt chẽ với chính quyền, tổ chức đoàn thể, các lực lượng đóng chân trên địa bàn và nhân dân tập trung tu sửa các phòng học tạm đã xuống cấp, xây mới một số phòng học tại các trường, điểm trường còn thiếu.

Ðến nay, toàn huyện Mường Chà có 377 phòng học kiên cố (chiếm trên 50% tổng số phòng học), 106 phòng học bán kiên cố (chiếm 14,5%) và 249 phòng học 3 cứng (chiếm 34%). Các trường cũng chủ động lập kế hoạch mua bổ sung trang thiết bị, đồ dùng học tập.

Ðặc biệt, để giúp học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn có đủ sách giáo khoa, vở viết trong năm học mới, Phòng GD-ĐT Mường Chà triển khai thực hiện tốt việc hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh người dân tộc thiểu số; vận động học sinh ủng hộ sách giáo khoa cho học sinh khóa sau.

Phòng GD-ĐT Mường Chà cũng trích một phần kinh phí của phòng để hỗ trợ mua sách giáo khoa, tài liệu tham khảo cho các trường; kêu gọi, vận động các đơn vị, tổ chức từ thiện ủng hộ, giúp đỡ. Thời gian qua, một số trường trên địa bàn huyện đã được các đơn vị quyên góp, ủng hộ gần 1.300 bộ sách giáo khoa và gần 11.800 quyển vở viết cho học sinh.

* Tại Hà Giang: Để đảm bảo điều kiện tốt nhất cho công tác dạy và học năm học 2018-2019, đến thời điểm này mọi công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đã được ngành GD-ĐT Hà Giang đảm bảo, sẵn sàng đón năm học mới.

Các nhà trường cùng cấp ủy, chính quyền địa phương đã tích cực tu sửa, xây mới cơ sở vật chất tại trường chính và điểm trường, trang trí khuôn viên lớp học cùng với đó tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đưa học sinh trong độ tuổi tới trường.

Ngoài việc chuẩn bị cơ sở vật chất, ngành giáo dục tỉnh Hà Giang cũng làm tốt công tác tổ chức rà soát các đối tượng học sinh được hưởng các chế độ chính sách theo Nghị định 86/2015 của Chính phủ. Được biết, các em học sinh thuộc diện này sẽ được hỗ trợ 900 nghìn đồng/năm.

* Hiện nay, tỉnh Kon Tum có 537 cơ sở GD-ĐT, riêng trung tâm học tập cộng đồng tăng 7 trung tâm so với năm học 2017-2018. Chuẩn bị năm học mới, toàn ngành đã đầu tư xây mới 128 phòng học, trong đó đã xóa được 48 phòng học tạm; xây mới 237 nhà vệ sinh, làm mới 64 hệ thống nước sạch, xây mới 11 phòng học bộ môn và các phòng chức năng khác.

Từ các nguồn vốn ngân sách, ngành giáo dục tỉnh Kon Tum đã được đầu tư hơn 25,5 tỷ đồng để mua sắm bàn ghế học sinh, máy vi tính, máy photocopy, trang thiết bị bán trú, thiết bị phòng học ngoại ngữ, thiết bị phòng học bộ môn, thiết bị phòng học mầm non, thiết bị quốc phòng.

Năm học 2018-2019, 100% số học sinh con hộ nghèo được hỗ trợ chi phí học tập để trang bị sách giáo khoa, vở, bút và dụng cụ học tập theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP. Đối với học sinh dân tộc thiểu số không thuộc diện hộ nghèo, các trường đã chủ động kêu gọi các trường vùng thuận lợi, Hội Khuyến học, doanh nghiệp hỗ trợ vở, sách giáo khoa cũ còn dùng được để giúp các em.

* Tại Gia Lai: Năm học 2018-2019, cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo cho công tác dạy và học ở địa phương này được đầu tư đồng bộ. Để khắc phục khó khăn và đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh đầu cấp tăng cao, ngành GD-ĐT của tỉnh tập trung thực hiện công tác quy hoạch phát triển mạng lưới trường lớp đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông, phù hợp với địa bàn dân cư và phát triển kinh tế - xã hội các vùng trong tỉnh.

Cùng với đó, tăng cường đầu tư xây dựng, sửa chữa và nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, tăng cường thí nghiệm, thực hành, dạy học 2 buổi/ngày. Ngành GD-ĐT Gia Lai đang hướng tới mục tiêu 70% trường học có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia vào năm 2020...

Bích Nguyên (tổng hợp)

Bình luận

ZALO