Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:10 GMT+7

Các địa phương khẩn trương ứng phó với bão số 7

Biên phòng - Theo dự báo trong những ngày tới, các tỉnh miền Trung, trong đó Nghệ An, Hà Tĩnh là hai địa phương có nguy cơ sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 7, kèm theo mưa lớn. Do đó, Nghệ An và Hà Tĩnh đang khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với thiên tai và đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19.

Cán bộ Đồn Biên phòng Diễn Thành, BĐBP Nghệ An kêu gọi tàu, thuyền neo đậu tránh bão. Ảnh: Hùng Phong

Ngày 8-10, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, Trưởng ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã ra công điện chủ động ứng phó với diễn biến của bão, mưa lũ lớn trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, bảo vệ an toàn tính mạng của nhân dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra. Công điện chỉ rõ Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Bộ Chỉ huy Quân sự; Bộ Chỉ huy BĐBP; Công an tỉnh; Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với bão, lũ đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19.

Đối với tuyến biển, các đơn vị, chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ việc ra khơi và kiểm đếm tàu, thuyền, đặc biệt là các tàu cá đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão; duy trì thông tin liên lạc với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Chỉ đạo, tổ chức kêu gọi, hướng dẫn tàu, thuyền (bao gồm tàu cá và tàu vận tải, tàu công trình) thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh, trú an toàn; tạo điều kiện cho tàu cá và ngư dân các địa phương khác vào tránh, trú; kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu, thuyền tại khu neo đậu; triển khai công tác đảm bảo an toàn về người và tài sản trên các đảo và lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản trên biển và ven biển.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Quỳnh Phương, BĐBP Nghệ An hỗ trợ nhân dân gia cố vị trí có nguy cơ sạt lở đất. Ảnh: Hùng Phong

Trên đất liền, rà soát, chủ động triển khai phương án ứng phó với bão, mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương, nhất là phương án di dời, sơ tán dân để đảm bảo an toàn, đồng thời phòng, chống dịch Covid-19; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị nhu yếu phẩm theo phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó với bão mạnh, lũ lớn, ngập lụt trên diện rộng, khu vực thấp trũng, lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi, nhất là tại các khu vực đã từng xảy ra ngập lụt, sạt lở đất năm 2020, sẵn sàng cho tình huống gây chia cắt, cô lập các khu vực.

Các đơn vị, chính quyền địa phương triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất, phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm xung yếu; tổ chức vận hành phù hợp, bảo đảm an toàn hồ, đập, nhất là các hồ, đập xung yếu, hồ thủy điện nhỏ, công trình đang thi công, sửa chữa; bố trí lực lượng, vật tư, máy móc, thiết bị sẵn sàng ứng phó, xử lý khi có tình huống xảy ra. Triển khai hoạt động lực lượng xung kích tại cơ sở; kiểm soát, hướng dẫn, phân luồng giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn người dân kỹ năng bảo đảm an toàn, hạn chế rủi ro trong mưa lũ; nghiêm cấm người dân vớt củi, đánh bắt cá,… trên sông, suối, hạ lưu hồ, đập khi đang có mưa lũ; tổ chức kêu gọi những người dân đang ở trong rừng trở về để tránh thiệt hại về người; tuyệt đối không để người dân có tư tưởng chủ quan trước, trong và sau mưa lũ; đặc biệt quan tâm, giám sát đối với trẻ em sinh sống trong khu vực bị ảnh hưởng.

Đối với các đơn vị: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP, Công an tỉnh Nghệ An theo chức năng nhiệm vụ, chỉ đạo các đơn vị rà soát các phương án ứng phó, sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ công tác sơ tán, di dời dân cư, tìm kiếm cứu nạn, ứng phó và khắc phục hậu quả bão, mưa lũ khi có yêu cầu; đảm bảo tuyệt đối an toàn tài sản và tính mạng của người dân, an ninh, trật tự xã hội.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thiên Cầm, BĐBP Hà Tĩnh hỗ trợ nhân dân neo đậu tàu cá. Ảnh: Thanh Giang

Đến chiều 8-10, trên địa bàn Hà Tĩnh đã có 3.675 tàu thuyền các loại/14.000 thuyền viên vào bờ neo đậu, tránh trú; trong đó có khoảng 70 tàu/450 thuyền viên ngoại tỉnh. Hiện nay, các địa phương cùng lực lượng chức năng đang hướng dẫn ngư dân chằng néo, bảo vệ tài sản; đồng thời tiếp tục liên lạc, thông tin, kêu gọi tàu, thuyền đang đánh cá vào bờ để đảm bảo an toàn. Những tàu, thuyền đang nằm bờ đều được yêu cầu không ra biển đánh bắt trong điều kiện mưa bão phức tạp. Đồng thời, các tàu thuyền vào nơi tránh trú đều được chằng néo chắc chắn, bọc bạt chắn gió và ngăn nước kỹ càng, ngư cụ được thu dọn cẩn thẩn.

Đặc biệt, để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19, các thuyền viên địa phương được yêu cầu lên bờ để giảm thiểu tình trạng tập trung đông người tại các điểm neo đậu. Còn các thuyền viên ngoại tỉnh thì được yêu cầu hạn chế lên bờ, qua lại tàu thuyền của nhau, chấp hành nghiêm túc “5K”, khai báo y tế và thông tin lịch trình đầy đủ.

Viết Lam

Bình luận

ZALO