Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 11/09/2024 11:09 GMT+7

Các cuộc bầu cử có tác động tới thế giới năm 2022

Biên phòng - Giới chuyên gia quốc tế nhận định, năm 2022, thế giới sẽ có nhiều biến động chính trị khi nhiều quốc gia trải qua những cuộc bầu cử khó khăn.

Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống vào năm 2020. Ảnh: CNN

Bầu cử giữa kỳ của Mỹ

Một trong những cuộc bầu cử đáng chú ý nhất của thế giới trong năm nay là cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ diễn ra vào đầu tháng 11. Cuộc bầu cử này được dự báo có tác động rất lớn đến chính trường Mỹ với khả năng cao sẽ thay đổi nhiều đường lối lãnh đạo siêu cường này.

Giới quan sát cho rằng, kể từ khi nhậm chức vào tháng 1-2021, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden liên tục đối mặt với nhiều “sóng gió” khiến tỷ lệ ủng hộ đảng Dân chủ liên tục giảm sút. Điều này có thể dẫn tới việc đảng Cộng hòa không chỉ giành chiến thắng ở Hạ viện mà cả Thượng viện. Cũng theo giới quan sát chính trị Mỹ, lịch sử các cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ thường có kết quả không tốt cho đảng cầm quyền, nhất là ở Hạ viện.

Truyền thông quốc tế dẫn chứng, liên tục trong 70 năm qua, đảng của Tổng thống đương nhiệm thường đánh mất bình quân khoảng 20 ghế trong Quốc hội tại các cuộc bầu cử giữa kỳ, riêng năm 2010, đảng Dân chủ đánh mất tới 63 ghế. Thực tế thời gian gần đây, đảng Cộng hòa đang có nhiều ưu thế khi nhận được sự ủng hộ ngày càng nhiều hơn trong xã hội Mỹ khiến đảng Dân chủ khó có thể vượt qua được quy luật lịch sử và nhiều khả năng đánh mất quyền kiểm soát Hạ viện.

Theo giới phân tích, nếu đảng Dân chủ của ông Biden mất kiểm soát một viện, rất có thể dẫn tới tình trạng phân hóa quan điểm về chính sách, đẩy chính trường lâm vào tình thế bế tắc sâu sắc cho tới cuộc bầu cử năm 2024.

Bầu cử Tổng thống Pháp

Bước sang năm 2022, Pháp đảm đương trọng trách là Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) trong 6 tháng đầu năm. Ngay từ đầu năm, dư luận quốc tế cho rằng, nhiệm kỳ của Pháp sẽ vướng nhiều trở ngại khi trùng với thời điểm bầu cử Tổng thống vào đầu tháng 4. Dù hiện nay, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang được ước tính có tỷ lệ ủng hộ cao hơn các đối thủ, song, vẫn có nhiều khả năng các đối thủ của ông giành chiến thắng.

Ở góc độ tích cực, giới quan sát chính trị Pháp nhận định, nhìn từ quy luật lịch sử, ông Macron hiện vẫn giữ được tỷ lệ ủng hộ tương đối cao so với các nhà lãnh đạo Pháp khác ở thời điểm cuối nhiệm kỳ. Đây sẽ là một tín hiệu tích cực cho thấy, Pháp vẫn có nhiều khả năng giữ được sự ổn định chính trị tương đối khi ông Macron và đảng Cộng hòa tiến bước của mình cầm quyền điều hành đất nước để tiếp tục theo đuổi những tham vọng phát triển châu Âu.

Bầu cử Tổng thống và Quốc hội Brazil

Dưới thời cầm quyền của Tổng thống Jair Bolsonaro, Brazil là một “tâm điểm” của dư luận thế giới với đường lối lãnh đạo “cứng rắn”, có phần đi ngược lại ý chí chung của thế giới về bảo vệ môi trường và ứng phó với đại dịch Covid-19. Vào tháng 10 tới đây, quốc gia Nam Mỹ này sẽ bước vào cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội với những dự báo biến động lớn về chính trường.

Ông Jair Bolsonaro sẽ tranh cử nhiệm kỳ thứ 2 và được nhận định vẫn giữ lập trường chính trị như thời gian cầm quyền vừa qua. Đáng chú ý, đương kim Tổng thống Brazil bị cáo buộc ủng hộ việc phá rừng Amazon, tạo ra mối nguy hại về môi trường toàn cầu và cũng chịu nhiều “búa rìu” dư luận cả trong nước và quốc tế. Cùng với đó, đại dịch Covid-19 khiến ít nhất 620 nghìn người thiệt mạng tại Brazil cũng được nhận định là thách thức lớn để ông Jair Bolsonaro tiếp tục giữ được chiếc ghế quyền lực của mình.

Theo giới quan sát chính trị, nội bộ chính trường Brazil cũng có sự chia rẽ rất sâu sắc. Điển hình như việc ông Jair Bolsonaro rời khỏi đảng đã giúp ông lên nắm quyền vào năm 2019. Tháng trước, ông Jair Bolsonaro đã gia nhập một đảng khác để tiếp tục theo đuổi những tham vọng lãnh đạo đất nước. Đối thủ của ông Jair Bolsonaro là cựu Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva từng nhiều tai tiếng liên quan đến tham nhũng. Dù vị cựu Tổng thống này đang có chiều hướng được ủng hộ nhiều hơn đương kim Tổng thống, song, những đường hướng lãnh đạo vẫn bị chỉ trích có nhiều rủi ro cho đất nước. Giới chuyên gia chỉ ra rằng, sự ổn định chính trị của Brazil vẫn sẽ khá phức tạp khi cả hai ứng cử viên sáng giá nhất này đều gặp phải nhiều sự phản đối của một bộ phận không nhỏ người dân.

Bầu cử Tổng thống Hàn Quốc

Tổng thống Hàn Quốc có nhiệm kỳ duy nhất 5 năm và ông Moon Jae-in sẽ kết thúc thời gian cầm quyền của mình vào tháng 5 tới. Theo giới quan sát chính trị Hàn Quốc, tỷ lệ ủng hộ ông Moon Jae-in đang suy giảm trong thời gian cuối nhiệm kỳ cho thấy nhiều khả năng đảng Dân chủ đang cầm quyền sẽ gặp bất lợi trong cuộc bầu cử tới đây.

Truyền thông quốc tế cho biết, hiện vẫn chưa lộ diện chính thức những ứng cử viên sáng giá cho vị trí Tổng thống của “xứ sở kim chi”. Song, dư luận Hàn Quốc cho rằng, đảng Dân chủ sẽ lựa chọn một ứng cử viên theo chiều hướng giải quyết các tồn tại, hạn chế mà thời gian cầm quyền của Tổng thống Moon Jae-in chưa thể giải quyết, điển hình như tái thiết quan hệ liên Triều, ổn định giá nhà ở xã hội... Giới quan sát chính trị Hàn Quốc nhận định, kết quả bầu cử Tổng thống Hàn Quốc tới đây tuy có những thay đổi chiến lược quốc gia, nhưng sẽ không có quá nhiều xáo trộn trên chính trường nước này.

Bầu cử Quốc hội và Tổng thống Kenya

Vào đầu tháng 8 năm nay, Kenya sẽ tiến hành bầu cử Quốc hội và Tổng thống. Tổng thống đương nhiệm Uhuru Kenyatta không thể tiếp tục tham gia tranh cử vì đã làm đủ 2 nhiệm kỳ. Bình luận về cuộc bầu cử Tổng thống, giới quan sát chính trị châu Phi nhận định, Phó Tổng thống William Ruto rất có thể sẽ là người kế nhiệm ông Kenyatta.

Tuy nhiên, tại quốc gia Đông Phi này, sắc tộc và thân thế là 2 yếu tố chủ yếu để định đoạt nền chính trị, thay vì lập trường chính trị. Điều này là một đặc thù riêng của Kenya và cũng được xem là vấn đề gây nên những bất ổn trong đời sống xã hội. Điển hình như năm 2017 đã xảy ra xung đột sắc tộc nghiêm trọng buộc đất nước phải tổ chức lại bầu cử Tổng thống. Cuộc bầu cử này cũng là bước ngoặt khi các nhà lãnh đạo làm hòa với nhau để chia sẻ quyền lực giữa các nhóm sắc tộc đối lập, góp phần tạo nên sự ổn định cơ bản cho đất nước. Dẫu vậy, giới quan sát cho biết, sự cạnh tranh giữa các sắc tộc chưa bao giờ “nguội lạnh” ở Kenya và vẫn “âm ỉ” những nguy cơ bùng nổ xung đột. Vì vậy, cuộc bầu cử tới đây sẽ là thời điểm “hâm nóng” bất đồng giữa các sắc tộc lớn và chính quyền mới sẽ đối mặt ngay lập tức với thách thức lớn nhất là hàn gắn sự chia rẽ sắc tộc sau khi công bố kết quả bầu cử.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO