Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 04/10/2023 11:36 GMT+7

“Các chương trình, mô hình, phong trào của BĐBP là sự tiếp nối truyền thống, đạo lý “tương thân, tương ái” của dân tộc Việt Nam”

Biên phòng - Đó là khẳng định của Đại tá Văn Ngọc Quế, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP khi chia sẻ về những chương trình, mô hình, phong trào tiêu biểu của BĐBP trong những năm gần đây. Phóng viên Báo Biên phòng đã có cuộc trò chuyện với Đại tá Văn Ngọc Quế xung quanh vấn đề này.

Đại tá Văn Ngọc Quế tiếp nhận cờ Tổ quốc từ nhóm thiện nguyện Mùa thu và những người bạn tại Hà Nội, tháng 6-2019. Ảnh: Thùy Trang

- Trong suốt 63 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, BĐBP đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng nhân dân biên giới thông qua rất nhiều chương trình, mô hình, phong trào vận động quần chúng tiêu biểu. Đề nghị đồng chí cho biết một số chương trình, mô hình, phong trào tiêu biểu của BĐBP trong thời gian qua?

- Với mục tiêu là xây dựng nền biên phòng toàn dân và thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, ổn định lâu dài, những năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã phối hợp triển khai, tham gia thực hiện hơn 20 phong trào, chương trình, mô hình ở khu vực biên giới, góp phần xây dựng biên giới phát triển bền vững trên các lĩnh vực. Đơn cử như phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, đã có 1.513 hộ gia đình và 96.079 cá nhân đăng ký tự quản đường biên, mốc quốc giới; thành lập 14.822 Tổ tự quản an ninh trật tự, 3.094 Tổ tàu thuyền an toàn, 590 Bến, bãi an toàn, 173 Tổ nuôi thủy, hải sản an toàn; Chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới” đã trao tặng hơn 25.000 con bò giống, tổng trị giá hơn 375 tỷ đồng cho các hộ nghèo ở khu vực biên giới; Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã triển khai ở 210 xã biên giới thuộc 26 tỉnh; hỗ trợ hơn 200 tỷ đồng cho hội viên hội phụ nữ để phát triển kinh tế.

Cùng với đó, chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” từ năm 2016 đến nay đã tặng quà, giống vật nuôi, nhà ở, công trình dân sinh; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân..., với tổng số tiền trên 120 tỷ đồng; Chương trình “Nâng bước em tới trường” đã nhận đỡ đầu gần 3.000 cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn với tổng mức ủng hộ gần 95 tỷ đồng; trong 5 năm triển khai Chương trình, đã có 3 cháu đạt giải các kỳ thi quốc gia; 24 cháu đạt giải các kỳ thi cấp tỉnh; 32 cháu đạt giải các kỳ thi cấp huyện, 297 cháu tốt nghiệp phổ thông trung học; 132 cháu đỗ các trường đại học, cao đẳng; mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng” đã nhận nuôi dưỡng 359 cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; trong đó, có 239 cháu nhận nuôi tại đồn, 120 cháu nhận nuôi tại gia đình.

- Điểm chung của các chương trình, mô hình, phong trào trên là tinh thần nhân ái, vì con người, xuất phát từ tình cảm, trách nhiệm của người lính Biên phòng với nhân dân biên giới. Vậy, mục đích của các chương trình, mô hình đó là gì?

- Với phương châm là “Dựa vào dân, phát huy sức mạnh toàn dân và của cả hệ thống chính trị trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia”; xuất phát từ tình hình phát triển kinh tế ở khu vực biên giới, suốt 63 năm qua, cán bộ, chiến sĩ BĐBP cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc với nhân dân khu vực biên giới. Do đó, các chương trình, mô hình, phong trào của BĐBP không nhằm bất cứ mục đích gì ngoài việc tiếp nối đạo lý truyền thống “tương thân, tương ái” của dân tộc Việt Nam, sự tri ân của cán bộ, chiến sĩ BĐBP với đồng bào các dân tộc nơi biên cương Tổ quốc đã thương yêu, sẻ chia, đùm bọc, kề vai, sát cánh cùng với BĐBP trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Qua đó, khẳng định tình đoàn kết, gắn bó máu thịt quân - dân, tô thắm phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” trong tình hình mới.

Đồng thời, góp phần cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam về xây dựng nền biên phòng toàn dân và thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, ổn định lâu dài trong nền quốc phòng toàn dân và thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc; kết hợp phát triển kinh tế - xã hội, gắn kinh tế với củng cố quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới.

- BĐBP luôn xác định: “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, phải chăng phương châm này chính là động lực để lớp lớp cán bộ, chiến sĩ BĐBP thực hiện, khắc phục mọi khó khăn, bám trụ địa bàn, cống hiến công sức cho sự nghiệp bảo vệ biên cương Tổ quốc?

- Có thể nói, kể từ ngày thành lập cho đến nay, tinh thần “Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu” vẫn luôn là tài sản vô giá của mỗi người chiến sĩ quân hàm xanh. Chính vì lẽ đó, phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” đã luôn là lý tưởng, quyết tâm và ý chí thống nhất của toàn lực lượng BĐBP trong sự nghiệp quản lý và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Bước vào thời kỳ hội nhập, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP xác định cần phải phát huy phương châm này lên một tầm cao mới.

Phương châm này đã được quán triệt tới tất cả cán bộ, chiến sĩ các đơn vị trong lực lượng BĐBP với nhiều hình thức như giáo dục về chính trị tư tưởng, thúc đẩy mỗi đơn vị, cá nhân cụ thể hóa thành các hoạt động thiết thực, hiệu quả... Từ nghị lực và tâm thế của mỗi chiến sĩ Biên phòng, phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” được truyền lại qua các thế hệ, bền bỉ chảy trong dòng cảm thức trách nhiệm với biên cương và đồng bào các dân tộc anh em. Phương châm ấy đã trở thành tài sản tinh thần, là mệnh lệnh cống hiến của mỗi người lính quân hàm xanh, của toàn lực lượng BĐBP suốt 63 năm qua.

- Hơn 2 năm qua, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, chúng ta đã quá quen thuộc với hình ảnh BĐBP bám chốt, bám đồn để ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép, thực hiện công tác phòng chống dịch. Đồng chí có thể chia sẻ thêm về những vất vả, khó khăn nơi tuyến đầu của người lính Biên phòng?

- Trong suốt hơn 2 năm đồng lòng, chung sức cùng cả nước chống dịch, toàn lực lượng BĐBP đã căng mình trong mọi nhiệm vụ, trên mọi miền biên cương của Tổ quốc. Gần 2.000 tổ, chốt với trên 13.000 cán bộ, chiến sĩ Biên phòng đã tạo nên một “vành đai thép” nơi biên cương, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập từ biên giới. Những chốt trực 24/24 giờ sáng đèn, những bước chân tuần tra 24/24 giờ thường trực là tín hiệu báo bình yên, là điểm tựa tin cậy cho đồng bào, đồng chí cả nước.

Rất khó có thể kể hết những khó khăn, nguy hiểm mà cán bộ, chiến sĩ Biên phòng đã trải qua trong cuộc chiến cam go với kẻ thù vô hình. Với đặc thù địa bàn thực hiện nhiệm vụ có địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, thiếu thốn về điều kiện sinh hoạt..., cán bộ, chiến sĩ phải ăn ở tạm bợ, thiếu thốn nhiều thứ và thậm chí là nhiều nguy hiểm khi bị rắn độc, côn trùng có độc tấn công thì hy sinh lớn nhất là phải xa nhà dài ngày. Nhiều đồng chí có người thân từ trần, vợ sinh nở hay con ốm đau cũng không thể về, không ít đồng chí phải hoãn việc cưới vợ và nhiều đồng chí 2 năm qua đã không được đón Tết bên gia đình, người thân...

Song, vượt lên trên tất cả, chúng tôi xác định “Phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”, “Tất cả vì bình yên cho biên cương Tổ quốc” là mệnh lệnh của trái tim người lính, là lẽ sống, lý tưởng và văn hóa Biên phòng. Toàn lực lượng sẽ tiếp tục đồng tâm, hiệp lực, đoàn kết, thống nhất một ý chí để xứng đáng hơn nữa với niềm tin và tình thương yêu của toàn Đảng, toàn dân gửi gắm nơi địa đầu phên dậu.

- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Phạm Vân Anh (Thực hiện)

Bình luận

ZALO