Biên phòng - Phỏng vấn không chỉ là cuộc trò chuyện đơn thuần giữa nhà tuyển dụng và ứng viên mà chính là cơ hội để cả hai bên có thể tìm hiểu về nhau, đặc biệt là từ góc độ nhà tuyển dụng - người nắm thế chủ động. Để đánh giá và xem xét hiệu quả ứng viên, nhà tuyển dụng không những cần đặt đúng và đủ câu hỏi cần thiết mà còn cần phải tránh những chủ đề nhạy cảm, không cần thiết vì điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến thái độ, suy nghĩ của ứng viên. Dưới đây là các câu hỏi tuyển dụng người phỏng vấn nên tránh đưa ra, hãy cùng tham khảo nhé.
“Bạn hãy giới thiệu về bản thân?”
Đây là một trong các câu hỏi tuyển dụng người phỏng vấn thường sử dụng để mở đầu cuộc gặp gỡ nhưng lại là điều nên tránh. Bởi CV và thư xin việc của ứng viên sẽ cho bạn biết rất nhiều điều, thậm chí cả tài khoản LinkedIn, Facebook của họ cũng có thể cho bạn biết thêm một cách khách quan hơn. Hãy dành thời gian tìm hiểu về ứng viên trước buổi phỏng vấn, tránh gọi sai tên hoặc lẫn lộn thông tin giữa các ứng viên với nhau để chứng tỏ tác phong chuyên nghiệp của một nhà tuyển dụng việc làm cũng như sự tôn trọng cần thiết đối với người ngồi đối diện.
“Hãy nhận xét về công ty A”
Điều tối kỵ trong giao tiếp kinh doanh đó là nhắc đến đối tượng khác - nhất là thương hiệu đang cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp của bạn. Điều này không những làm ứng viên có suy nghĩ không tốt về môi trường làm việc mà còn gây ra những ảnh hưởng tiêu cực trong trường hợp bạn và ứng viên đó sẽ không trở thành đồng nghiệp trong tương lai. Để hiệu quả và tinh tế hơn, người phỏng vấn có thể sử dụng các câu hỏi tuyển dụng tương tự như: “Bạn suy nghĩ như thế nào về các đối thủ cạnh tranh của chúng ta?”
“Đâu là điểm yếu lớn nhất của bạn?”
Đây là một trong các câu hỏi tuyển dụng được đặt cho ứng viên với mục đích tìm hiểu về những khó khăn họ thường gặp trong công việc. Mọi ứng viên đều biết cách trả lời câu hỏi này: họ chỉ cần chọn một điểm yếu về mặt lý thuyết và biến đổi một cách khéo léo trở thành một điểm mạnh để ngụy trang!
Ví dụ: "Điểm yếu lớn nhất của tôi là mải mê với công việc đến nỗi mất hết thời gian đcho bản thân, chắc là do bản thân tôi quá mẫn cán và hết mình trong công việc.”
“Bạn có mắc bệnh hay gặp vấn đề gì về sức khỏe không?”
Cho dù nhà tuyển dụng hỏi về bệnh tật, sức khỏe hoặc khuyết tật - những chủ đề như thế này luôn luôn nên tránh trong một cuộc phỏng vấn. Chỉ trong trường hợp doanh nghiệp cần đánh giá để xác định mức độ phù hợp của ứng viên đối với công việc hay không hoặc để xác định xem có cần điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu của họ hay không. Thay vì quá thẳng thừng, doanh nghiệp nên hỏi ứng viên rằng: “Bạn có tin rằng mình đủ sức khỏe, minh mẫn để đảm đương công việc này hay không?”
“Bạn sẽ ở vị trí nào trong vòng 3 năm tới?”
Thêm một câu hỏi mà nhà tuyển dụng sẽ hướng ứng viên trả lời theo kiểu “văn mẫu”. Một là ứng viên cố gắng thể hiện tham vọng của họ bởi vì đó là những gì họ nghĩ bạn muốn nghe bằng một câu trả lời đầy tự tin, khao khát. Hoặc họ sẽ thận trọng, khiêm tốn - bởi vì đó là những gì họ nghĩ bạn cần từ một nhân viên mới. Dù ứng viên có trả lời theo cách nào đi nữa thì rõ ràng doanh nghiệp vẫn không thể đánh giá được gì thông qua kiểu câu hỏi này.
“Hãy nói xem vì sao chúng tôi phải tuyển dụng bạn trong số rất nhiều ứng viên ngoài kia?”
Đây là câu hỏi tuyển dụng rất thường gặp vì người phỏng vấn cho rằng họ sẽ thu phục được những nhân viên xuất chúng với cách trả lời phỏng vấn sắc bén. Thế nhưng thực tế cho thấy một ứng viên không thể so sánh bản thân với những người mà họ không biết và câu hỏi này sẽ gây ra khó chịu khi vô tình nhà tuyển dụng đặt vị thế của bản thân lên trên ứng viên của họ.
Trên đây là các câu hỏi tuyển dụng không nên sử dụng để hỏi ứng viên. Hy vọng thông qua bài viết này sẽ giúp bạn có những lưu ý bổ ích cho buổi phỏng vấn sắp tới.
Tiến Huy