Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 22/09/2023 03:56 GMT+7

Diễn đàn Quốc hội:

Các Bộ trưởng làm rõ nhiều vấn đề đại biểu và cử tri băn khoăn

Biên phòng - Qua 1,5 ngày thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội, đã có 64/83 đại biểu đăng ký phát biểu, có 5 thành viên Chính phủ tham gia báo cáo giải trình, một số vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm nêu ra thuộc trách nhiệm của Chính phủ.

 787sua5.gif
Bộ trưởng BNN&PTNT Cao Đức Phát.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Cao Đức Phát: nông nghiệp, nông thôn còn nhiều tồn tại

Giải trình về những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua, Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận: tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp có xu hướng chậm lại trong những năm gần đây, ảnh hưởng tới việc tăng thu nhập và cải thiện đời sống của bà con nông dân. Nguyên nhân chính là do diện tích đất nông nghiệp, đất lúa giảm; năng lực, lực lượng sản xuất nông nghiệp giảm; đầu tư của nhà nước và xã hội cho nông nghiệp tăng chậm; thiệt hại do thiên tai (riêng 10 tháng năm 2013 thiệt hại về tài sản ước tính 21.900 tỷ đồng); nhu cầu tiêu dùng các loại nông sản chậm giảm…

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết Bộ NN&PTNT đã xây dựng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chúng tôi đang tích cực cùng với các địa phương và các bộ, ngành liên quan rà soát lại quy hoạch, xem xét lại cơ cấu các ngành hàng, tập trung nhiều hơn phát triển các loại cây con, lĩnh vực có lợi thế, có khả năng tăng nhanh giá trị gia tăng và dồn lực để làm tốt sự lựa chọn đó. Tương ứng phải điều chỉnh lại cơ cấu đầu tư, điều chỉnh lại chính sách, điều chỉnh về kế hoạch tổ chức nghiên cứu cũng như khuyến nông, kế hoạch đào tạo, điều chỉnh lại về tổ chức sản xuất, phát triển các hình thức liên kết và chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước. Giải pháp tiếp theo là đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới, tạo ra sự quyết tâm, đồng lòng trong xã hội để các cấp chính quyền và đặc biệt là hàng triệu bà con nông dân hiểu và hưởng ứng chủ động tham gia.

Bộ trưởng cho biết thêm: Bộ NN&PTNT cùng với Bộ Tài nguyên môi trường đã xây dựng Thông tư (ban hành trong tuần tới) hướng dẫn các địa phương và bà con nông dân giữ đất trồng lúa theo tinh thần không giảm quĩ đất, nhưng có thể chuyển đổi cơ cấu cây trồng để bà con có thể trồng những cây đem lại thu nhập cao hơn cho mình. Về tình trạng rất nhiều giống lúa trồng trên một địa bàn, gây ra khó khăn trong liên kết giữa sản xuất và kinh doanh, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các viện nghiên cứu tập hợp lại để chọn tạo ra một số lượng nhỏ giống có năng suất và chất lượng cao hơn, đáp ứng nhu cầu thị trường và đặc biệt có giá trị thương mại cao hơn, có tính ổn định cao hơn để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khi liên kết với nông dân theo mô hình cánh đồng mẫu lớn có thể làm ra lúa gạo với chất lượng đồng nhất, tạo điều kiện để xây dựng thương hiệu. Mặt khác, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Bộ Công thương hỗ trợ các doanh nghiệp xúc tiến xây dựng thương hiệu trên nhiều khía cạnh khác.

Trước tình trạng giá cá tra sụt giảm, Bộ NN&PTNT đang tập trung điều chỉnh chính sách quản lý việc kinh doanh và xuất khẩu, ngăn chặn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, phá giá, phá uy tín. Hiện nay, một số tổ chức lợi dụng tình hình, có những hành vi làm tổn hại uy tín và ảnh hưởng đến sự tiêu thụ sản phẩm của cá tra nước ta. Bộ đã xây dựng và đã trình lên Chính phủ nghị định về quản lý sản xuất, kinh doanh cá tra. Đồng thời phối hợp với các bộ, ngành chức năng để triển khai xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi trong lĩnh vực này.

Trước hậu quả cơn bão số 10 gây thiệt hại 22.000ha cao su của 5 tỉnh miền Trung, Bộ NN&PTNT đã đề xuất với Chính phủ chính sách về hỗ trợ cho bà con khôi phục lại những diện tích cao su ở những nơi phù hợp, đồng thời, đề nghị Chính phủ và Quốc hội cho phép xúc tiến chương trình bảo hiểm cho cây cao su.

616sua4.gif
 Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng giải trình trước QH.

Bộ trưởng Bộ Công thương, Vũ Huy Hoàng: nhiều nỗ lực lớn trong tìm kiếm thị trường xuất khẩu

Liên quan đến vấn đề tiêu thụ lúa gạo và xuất khẩu nông sản, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải trình: Theo tinh thần Nghị định 109 của Chính phủ, nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong nước được tham gia trực tiếp kinh doanh xuất khẩu gạo với điều kiện có năng lực về tài chính và về mặt kinh tế kỹ thuật phải đáp ứng một số yêu cầu: có ít nhất một cơ sở tạm trữ, kho trữ lúa gạo công suất từ 5000 tấn trở lên; có ít nhất một cơ sở xay xát lúa gạo công suất ít nhất là 10 tấn/giờ trở lên; ưu tiên những doanh nghiệp có các hợp đồng dài hạn tiêu thụ lúa gạo với bà con nông dân. Ngoài những tiêu chí trên, những doanh nghiệp nào mà 2 năm liền không thực hiện được xuất khẩu tối thiểu từ 10.000 tấn gạo/năm trở lên sẽ xem xét rút giấy phép. Đến nay, chúng ta đã nới rộng, cho phép giới hạn đến 200 doanh nghiệp (năm 2012 có 100 đầu mối) có thể có tham gia vào xuất khẩu gạo. Đây cũng là một cố gắng hết sức lớn của Chính phủ trong việc tạo điều kiện các doanh nghiệp tiếp cận với thị trường này.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương cho rằng không thể phủ nhận vai trò hoạt động của thương nhân, thương lái với tư cách là một bộ phận của doanh nghiệp. Trên thực tế, tập quán canh tác ở nhiều vùng trồng lúa lớn, nông dân chủ yếu trữ lúa tại khu vực sản xuất tức là trên cánh đồng. Như vậy, việc tiêu thụ trông vào lực lượng thương lái trong khi các doanh nghiệp chưa có đủ điều kiện để vươn tới tất cả các ngõ ngách, những vùng sâu, vùng xa. Quan điểm của Bộ Công thương là duy trì vai trò tích cực của thương nhân, thương lái đồng thời để lợi ích và những ưu đãi của Chính phủ trong cơ chế, chính sách đến được trực tiếp với người nông dân.

Về thị trường xuất khẩu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định: Chính phủ đã hết sức nỗ lực để tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản, đặc biệt là lúa gạo, trái cây và rau quả. Cho đến nay chúng ta đã tiếp tục ký và gia hạn được các hiệp định xuất khẩu gạo đối với các thị trường truyền thống như: Indonexia 1,5 triệu tấn/1 năm, Philippin 1,5 triệu tấn/1 năm, Cu Ba 200.000 tấn/1 năm… Nếu Chính phủ các nước thực hiện đúng cam kết, sẽ tiêu thụ khoảng 50% sản lượng xuất khẩu hàng năm của Việt Nam, vào khoảng từ 3,5 - 4 triệu tấn gạo. Đây là một nỗ lực hết sức lớn trong bối cảnh thị trường lúa gạo cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Chính phủ cũng thúc đẩy việc đàm phán các hiệp định khu vực mậu dịch tự do với các nước. Bộ Công thương đang cùng với các bộ, các ngành triển khai tích cực việc đàm phán hiệp định với Liên minh Châu Âu, Hiệp định TPP với các nước khu vực Châu Á- Thái Bình Dương và hiệp định đối với liên minh hải quan gồm có Liên bang Nga, Kazakhstan. Theo tiến độ, ba hiệp định quan trọng này sẽ ký kết trong năm 2014, mở ra cơ hội cho hàng hoá của Việt Nam, trong đó có nông sản vào các thị trường trên với điều kiện ưu đãi.

Chính phủ chỉ đạo hết sức quyết liệt đối với việc đàm phán phá bỏ các rào cản thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam như: điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp. Gần đây nhất, phía Hoa Kỳ đã tuyên bố không áp thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam. Qua quyết định này, giá trị sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng hàng trăm triệu USD.

 53sua1.gif
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch- Đầu tư Bùi Quang Vinh.

Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư, Bùi Quang Vinh: không có chuyện “tô hồng” chỉ số tăng trưởng

Trước băn khoăn về độ chính xác của số liệu thống kê, đặc biệt là chỉ số GDP dự báo 5,4% của năm 2013, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh giải trình:

Con số này là dự báo của cả năm 2013 nhưng đến hết tháng 9/2013 đã đạt 5,14%, cao hơn 9 tháng năm 2012 (5,1%). Dự báo đến hết năm là đạt từ 5,14% lên đến 5,3 hoặc 5,4% còn là sự thách thức đối với điều hành của Chính phủ cũng như nỗ lực của các bộ, ngành và địa phương. Tôi cho rằng con số này là khiêm tốn và hoàn toàn có căn cứ: Trong tăng trưởng kinh tế, quý I tăng 4,76%, quý II tăng 5%, quý III tăng 5,54% và dự báo của chúng tôi quý IV sẽ tăng từ 5,6 - 5,7%. Nền kinh tế đang có được những chuyển biến tích cực, ví dụ: ngành công nghiệp chế biến chế tạo của năm 2013 đã tăng lên 6,8% so với năm trước; kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục tăng 15,7%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng dần từng quý, quý I tăng 4,5; quý II tăng 5,2 và quý III tăng 6%. Như vậy, mức tăng trưởng cả năm đạt khoảng 5,4%  không có vấn đề gì đặc biệt.

“Có thể những con số tính toán chưa thật sự chính xác nhưng chắc chắn không có chuyện tô hồng”- Bộ trưởng khẳng định.

 381sua3.gif
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình.

Thống đốc NHNN, Nguyễn Văn Bình: tín dụng cho nông nghiệp và nông thôn đã tăng trưởng hơn 2 lần

Trước ý kiến đại biểu Quốc hội lo ngại tăng trưởng tín dụng (10 tháng đầu năm tăng 7,89%, dự báo cả năm đạt mục tiêu tăng ở mức 11-12%) có thể ảnh hưởng đến lạm phát, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định: Trong quá trình điều hành chính sách tiền tệ chúng tôi đã điều hòa lượng tiền trong lưu thông một cách hợp lý. Hiện nay đang có một số vốn tương ứng mà chúng tôi đang dự trữ để sẵn sàng cho việc tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm, do vậy không ảnh hưởng đến kế hoạch cung tiền của ngân hàng nhà nước, do vậy sẽ kiềm chế được gia tăng của lạm phát nếu tín dụng có tăng mạnh trong những tháng cuối năm.

Về tín dụng cho nông nghiệp và nông thôn, Thống đốc NHNN cho biết: từ khi Nghị định 41 có hiệu lực, tín dụng cho nông nghiệp và nông thôn đã tăng trưởng hơn 2 lần. Riêng năm 2013, mặc dù tăng trưởng tín dụng của toàn ngành còn ở mức rất khiêm tốn, nhưng tăng trưởng tín dụng cho nông nghiệp và nông thôn cũng đã tăng trên 15% và theo kế hoạch cả năm tín dụng phục vụ cho nông nghiệp và nông thôn có thể đạt ở mức từ 15 đến 18%, đặc biệt là dư nợ tín dụng, nợ xấu trong dư nợ tín dụng đối với nông nghiệp và nông thôn (3%) ở mức thấp hơn rất nhiều so với mặt bằng nợ xấu chung của cả hệ thống (4,64%).

Chúng tôi hy vọng rằng với sự tham gia, đóng góp của đồng bào, của nông dân, của chính quyền địa phương và các bộ, ngành thì chúng ta sẽ có một nghị định mới cho tín dụng phục vụ nông nghiệp và nông thôn có hiệu quả hơn, thiết thực hơn và phục vụ tốt hơn đối với giai đoạn phát triển mới của nền kinh tế đất nước.

Giải trình về vấn đề nợ xấu cũng như hoạt động của công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam VAMC, Thống đốc Nguyễn Văn Bình thông báo: Trong thời gian vừa qua nợ xấu của chúng ta chủ yếu được xử lý thông qua 3 hình thức:

NHNN đã cho phép các tổ chức tín dụng có cơ chế mới trong việc cơ cấu lại các khoản nợ. Đến nay tổng số nợ mà các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại cho các khách hàng vay đã lên tới trên 300.000 tỷ đồng. Nói một cách khác chiếm cỡ khoảng hơn 10% tổng dư nợ. Trong số này có tới khoảng 60% các khoản nợ nếu không được cơ cấu lại nợ thì đã trở thành nợ xấu. Nếu chúng ta không cơ cấu lại nợ cho các tổ chức tín dụng theo phương án và cơ chế ngân hàng nhà nước đã ban hành thì nợ xấu của chúng ta đã tăng thêm trên 6%.

NHNN đã có phương án xử lý nợ thông qua việc tích cực trích lập dự phòng rủi ro và xử lý nợ xấu bằng nguồn dự phòng rủi ro. Trong năm 2012 toàn hệ thống ngân hàng đã trích lập và xử lý nợ xấu bằng nguồn trích lập dự phòng rủi ro là khoảng 70.000 tỷ. Trong 9 tháng đầu năm nay đã trích lập và xử lý nợ xấu thêm 32.000 tỷ nữa, theo kế hoạch trong năm nay chúng tôi cũng sẽ trích lập và xử lý nợ xấu bằng nguồn này khoảng 70.000 tỷ. Như vậy nếu căn cứ vào các con số mà chúng ta đã tiến hành là chúng ta đã xử lý nợ xấu trong năm 2012 và 9 tháng đầu năm 2013 là xấp xỉ 100.000 tỷ. 100.000 tỷ này nữa cộng vào là khoảng hơn 3% tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng.

Đến nay từ khi bắt tay chính thức vào mua nợ xấu thì công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam VAMC đã mua được 10.000 tỷ nợ xấu. Như vậy, cộng lại tất cả những con số mà chúng ta đã triển khai thì có thể thấy rằng nếu như chúng ta không triển khai các giải pháp nêu trên thì nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã tăng thêm khoảng 10%. Điều đó cũng thể hiện đó là tích cực rất to lớn của chúng ta trong quá trình xử lý nợ xấu.

Tuy nhiên để xử lý được nợ xấu thì phải có những giải pháp đồng bộ hơn nữa, đặc biệt giải quyết được nợ đọng trong xây dựng cơ bản thì cũng góp phần giải quyết được khoảng hơn 3% nợ xấu nữa và phải có các giải pháp tổng thể để tăng tổng cầu của nền kinh tế, để nền kinh tế có thể có khởi sắc hơn. Trên đà đó sẽ có góp phần giải quyết một cách căn bản nợ xấu.

 944sua2.gif
 Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đề nghị QH xem xét Dự án luồng sông Hậu.

Bộ trưởng Bộ GTVT, Đinh La Thăng: đề nghị Quốc hội thông qua dự án luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu

Giải trình về dự án này, Bộ trưởng Đinh La Thăng đưa ra cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học và tính ổn định, vững bền của dự án, đồng thời khẳng định vai trò, hiệu quả của dự án:

Sản lượng hàng hóa thông qua cảng khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2012 là 6,67 triệu tấn/30 triệu tấn cần vận chuyển. Theo quy hoạch thì đến năm 2015 khoảng 16,5 triệu tấn và đến năm 2020 là khoảng 44 triệu tấn, tức là bằng khoảng 20% tổng số lượng hàng hóa cần vận chuyển ở đồng bằng sông Cửu Long, trong khi đó khoảng 80% hàng xuất nhập khẩu phải tiếp chuyển qua các cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh do luồng vào các cảng trên sông Hậu hiện chỉ đáp ứng cho tàu 5 nghìn tấn, khiến tổng chi phí phát sinh hàng năm lên tới hàng trăm triệu đô la.

Dự án luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu sẽ giải quyết cơ bản những vướng mắc trên, đồng thời góp phần thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, giảm chi phí vận chuyển, giảm áp lực, chi phí vận tải đường bộ từ đồng bằng sông Cửu Long lên thành phố Hồ Chí Minh. Luồng sông Hậu sau khi đưa vào khai thác sẽ phát huy tối đa hiệu quả các cảng trên sông Hậu, bao gồm các cảng khu vực Cần Thơ, Cái Cui với tổng chiều dài gần 2.900 m vẫn đang hoạt động. Các cảng Hậu Giang, Vĩnh Long, Trà Cú, các trung tâm nhiệt điện An Giang, Hậu Giang, Long Phú đang triển khai xây dựng với năng lực thông qua đầu tầu là 2 triệu tấn/ năm sẽ đóng vai trò là lối ra và huyết mạch ổn định lâu dài nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đáp ứng được yêu cầu bức xúc cấp thiết của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Kết thúc phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, không khí thảo luận ở hội trường rất sôi nổi, thẳng thắn, nghiêm túc và trách nhiệm. Nội dung sâu sắc, phong phú, đa dạng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Từ diễn đàn này rất nhiều đại biểu Quốc hội đã thể hiện trách nhiệm trước cử tri để thảo luận rất thẳng thắn, mạnh dạn về những vấn đề phát triển kinh tế-xã hội. Quốc hội đánh giá cao các thành viên Chính phủ đã trực tiếp giải trình tại phiên họp này. Đề nghị các bộ, ngành tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, nâng cao chất lượng tham mưu công tác xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường quản lý nhà nước, lĩnh vực mình phụ trách thanh tra xử lý vi phạm và giải quyết kịp thời những khó khăn ách tắc của địa phương, của địa phương, của người dân trong cơ sở phạm vi, thẩm quyền được giao.

Long Ngũ

Bình luận

ZALO