Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:30 GMT+7

Ca sĩ Phương Bắc: “Được phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân là niềm hạnh phúc vô bờ”

Biên phòng - Có một thời người ta gọi nữ ca sĩ dân tộc Tày Phương Bắc (tên đầy đủ là Phùng Phương Bắc) là “chim họa mi của núi rừng Tây Bắc” bởi chị là solist chính của Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh Lào Cai, là người thể hiện rất thành công nhiều bài hát về miền đất này, như: “Tình ca Tây Bắc”, “Sa Pa nơi gặp gỡ đất trời”, “Bài ca trên núi”, “Gặp nhau giữa rừng mơ”, “Chiều Lào Cai”… Giờ đây, sau bao biến cố cuộc đời, chị đã xuống Hà Nội và trở thành ca sĩ của Nhà hát Công an nhân dân.

Ca sĩ Phương Bắc (đứng thứ 2 từ trái sang) biểu diễn tại Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc (đợt 2) năm 2021, tại Đắk Lắk. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tôi gặp Phương Bắc vào cuối buổi chiều mùa Thu Hà Nội khi chị vừa xong việc biểu diễn tại nhà hát. Tuy trên khuôn mặt còn nhiều mệt mỏi nhưng nhắc đến nghiệp ca hát, đôi mắt chị sáng lên, lấp lánh niềm hạnh phúc. Chị bảo: “Ca hát chính là ước mơ của em và may mắn nhất của đời em là được bám trụ với nghề”. Dần dà, qua câu chuyện, tôi mới hiểu thêm về cuộc sống đời tư của Phương Bắc - một nữ ca sĩ có khuôn mặt tròn trĩnh, xinh đẹp, có chiều cao lý tưởng, nhưng số phận lại nhiều đa đoan, trắc trở.

Sinh năm 1991 tại huyện Bạch Thông (tỉnh Bắc Kạn), từ nhỏ, cô bé Phương Bắc đã sớm bộc lộ năng khiếu ca hát và có ước mơ trở thành ca sĩ chuyên nghiệp. Thế nhưng sống ở miền núi xa xôi, nơi điều kiện còn nhiều khó khăn thì ước mơ đó có phần rất xa vời. Cho đến một ngày Thiếu tướng, nhạc sĩ An Thuyên và đoàn cán bộ của Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội về huyện Bạch Thông tuyển con em người dân tộc thiểu số về trường học âm nhạc thì Phương Bắc đã đạt điểm tuyệt đối. Có năng khiếu, lại được học tập, rèn giũa trong môi trường chuyên nghiệp, khả năng ca hát của Phương Bắc càng tốt hơn.

Năm 2009, sau khi tốt nghiệp hệ trung cấp, chị theo chồng (là diễn viên múa) về công tác tại Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh Lào Cai. Suốt thời gian gần 10 năm công tác tại Đoàn, Phương Bắc đã năng nổ, nhiệt huyết đi biểu diễn khắp các vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh.

Điều kiện biểu diễn trên Lào Cai hồi ấy so với biểu diễn tại Nhà hát Công an nhân dân hôm nay như thế nào? Tôi buột miệng hỏi Phương Bắc thì nhận được câu trả lời: “Khó khăn hơn nhiều, anh ạ! Có những xã, chúng em phải đi bộ gần chục cây số để vào, ô tô, xe máy không thể vào được. Ngoài mang theo trang phục, thiết bị kỹ thuật phục vụ sân khấu, chúng em phải mang theo chăn, chiếu. Không phải xã nào cũng có điều kiện đón tiếp đoàn văn công, chúng em phải tự nấu cơm ăn sau khi biểu diễn xong…”.

Khi tôi đang cố hình dung về cuộc sống ấy thì bỗng Phương Bắc cười lớn và nói tiếp: “Nhưng mà vui lắm, anh ạ! Được đến với bà con mình mới hiểu về cuộc sống, phong tục tập quán, văn hóa của họ và đó cũng là nền tảng, là tiền đề để em có thể hát hay nhiều ca khúc về miền Tây Bắc. Em nghĩ một ca sĩ hát hay ca khúc về vùng miền nào thì phải được “ngụp lặn” trong văn hóa của vùng miền ấy”.

Thời gian công tác tại Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh Lào Cai, Phương Bắc đã gặt hái được nhiều huy chương tại các kỳ liên hoan… Sự nghiệp âm nhạc đang trên đà phát triển thì cuộc sống hôn nhân trục trặc khiến chị chán nản và đã ngừng trệ sự nghiệp trong 1-2 năm. Thế rồi, Phương Bắc đã quyết định xuống Hà Nội làm lại từ đầu và may mắn được Đại tá, Nghệ sĩ Nhân dân Thúy Hiền dang rộng vòng tay nhận vào công tác tại Nhà hát Công an nhân dân. Ở môi trường mới, chị không ngừng nỗ lực, phấn đấu và thành quả đã được đền đáp là tấm Huy chương Bạc tại Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc (đợt 2) năm 2021, tại Đắk Lắk khi thể hiện ca khúc “Người bước ra từ đại dương” (song ca cùng Huy Hoàng).

Phương Bắc có thế mạnh hát dòng dân gian, đó là dòng nhạc vừa phải có kỹ thuật quãng rộng và trong xử lý bài hát cũng phải có chiều sâu, đặc biệt người ca sĩ phải sống tình cảm, sâu sắc mới ra được “chất” của ca khúc. Nếu như trước đây, chị thường tập trung hát những ca khúc về miền Tây Bắc thì giờ đây, “biên độ” đã rộng hơn, chị đã hát cả những ca khúc về tình yêu quê hương, đất nước và những ca khúc về Đảng, Bác Hồ và ngành Công an. Phương Bắc bảo, đến với ca hát thì lúc nào bản thân cũng phải đam mê, phải luôn trau dồi giọng hát và vốn bài của mình, đặc biệt không bao giờ được thỏa mãn với thành tích mình đang có. Chính vì lẽ đó, mỗi ngày trôi đi, chị vẫn luôn miệt mài rèn luyện để có giọng hát hay hơn, hát được nhiều bài hơn và có cách biểu diễn chững chạc, trưởng thành hơn.

Mới trở về sau chuyến biểu diễn hơn 20 ngày tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Phương Bắc hào hứng kể cho tôi những kỷ niệm trong chuyến đi. Chị xúc động với hình ảnh chiến sĩ và nhân dân hào hứng đón xem văn nghệ và từ đó bồi đắp cho chị tình yêu với nghề. Với Phương Bắc, ngày nào được ca hát, được phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân là niềm hạnh phúc vô bờ.

Là người quen biết với Nghệ sĩ Ưu tú Minh Lương, Phó Trưởng đoàn Ca múa nhạc (phụ trách đội ca), Nhà hát Công an nhân dân, tôi đã nghe anh nhiều lần nhận xét về Phương Bắc: “Phương Bắc là ca sĩ dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực biểu diễn, với chất giọng thiên về phong cách dân gian, nhưng khi có yêu cầu cũng thể hiện tốt các thể loại nhạc khác. Đó là bản lĩnh của một ca sĩ đa năng không phải ai cũng làm được. Ở Phương Bắc lúc nào cũng thể hiện tình yêu với ngành, với nghề sâu sắc”.

Ngô Khiêm

Bình luận

ZALO