Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 12/09/2024 05:25 GMT+7

Cà phê Tây Nguyên “cung” đã vượt “cầu”? (bài 2)

Biên phòng - “Cà phê là mặt hàng hướng ngoại, nhưng giá bán một kg hạt nhân xuất khẩu chưa bằng một ly cà phê của thế giới, bởi vì chế biến sâu của nước ta chưa phát triển mạnh. Hiện nay, so với sản lượng sản xuất trong năm thì chế biến tinh xuất khẩu mới chỉ đạt 10%, còn lại 90% là bán thô” - Ông Nguyễn Hòa Chính, nguyên Phó Ban kinh doanh xuất nhập khẩu (Tổng Công ty Cà phê Việt Nam) thông tin.

Bài 2: Đặt mục tiêu thương hiệu quốc gia

Các doanh nghiệp xuất khẩu luôn “hô hào” nông dân hái cà phê trái chín, nhưng lại thu mua xô, chỉ một giá duy nhất, dẫn đến nguyên liệu không gắn với chế biến tinh xuất khẩu, khó tạo được giá trị gia tăng. Hái chín tăng nhân công thu hái, tăng thời gian thu hoạch, tăng thời gian bảo vệ vườn cây,... nên cả người trồng và xuất khẩu cùng bị “chê” chất lượng kém.

Ông Dương Văn Bảo, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Tân Tiến 2 đang cần mẫn nhặt từng trái cà phê xanh, đảm bảo chất lượng cà phê tốt nhất. Ảnh: Hải Luận

Lập hợp tác xã để làm ăn lớn

Suốt hành trình chúng tôi đi xuyên qua nhiều huyện trồng cà phê của tỉnh Kon Tum và Gia Lai, thấy đa số các hộ làm ăn riêng lẻ, trồng cà phê thu hoạch, sơ chế vẫn theo kiểu thủ công truyền thống. Nhiều người hái trái chín và xanh lẫn lộn nhau, phơi trên nền đất, bê tông, lót bạt,... đây là nguyên nhân chất lượng cà phê đạt thấp. Chúng tôi đến tìm hiểu Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Kinh doanh dịch vụ Tân Tiến 2, xã Ia Sao, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, tại đây, đã có 5 thành viên HTX tự nguyện đầu tư mua máy bóc vỏ chọn trái chín, làm theo kiểu này tăng thêm thu nhập 10 triệu đồng/tấn so với giá bán ở thị trường.

Tại sân xi măng nhà ông Dương Văn Bảo, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Tân Tiến 2 có khoảng 1 tấn cà phê trái chín, lẫn vào lượng nhỏ trái xanh, nhưng ông vẫn cần mẫn ngồi nhặt từng hạt trái xanh vứt ra ngoài. “Trong một lô cà phê có 100% trái chín là chất lượng tốt nhất, lúc sáng, có mấy ông buôn người thành phố Đà Nẵng lên đặt mua mấy tấn hạt nhân loại này, giá cao hơn hàng xô mấy giá. Đây là mục tiêu của HTX hướng tới, chính vì vậy, các thành viên mới đầu tư nhiều tiền mua máy lựa trái chín, xay hạt” - Ông Bảo nói.

“Lúc đầu, chỉ có 18 thành viên đứng ra thành lập HTX, rồi bị “chết lâm sàng” một thời gian. Tỉnh, huyện động viên đi tập huấn, sang Đắk Lắk tham quan, vào Sài Gòn học kinh nghiệm kinh doanh, nhờ đó chúng tôi mở mang thêm đầu óc, có cái nhìn lớn hơn, anh em xốc lại làm theo hướng kinh doanh cà phê sạch. Năm trước, có thêm 5 thành viên tham gia mới, mỗi thành viên có tài sản từ 3 - 6 hécta cà phê. Tổng tài sản của HTX có trên 100 hécta cà phê, tới đây, HTX sẽ mua phân bón trực tiếp từ nhà máy, cung ứng trực tiếp cho các thành viên, hạt nhân bán cho công ty lớn. Làm theo kiểu này, mới tăng chất lượng cà phê lên cao, đem lại lợi nhuận cho các thành viên. Lúc đó, người trồng cà phê trong vùng tình nguyện vào HTX ầm ầm” - Ông Bảo kỳ vọng lớn.

Dẹp bỏ bớt đầu mối xuất khẩu

Ông Nguyễn Hòa Chính đưa ra những nguyên nhân dẫn đến ngành sản xuất cà phê của nước ta gặp khó khăn mấy năm qua, nhiều hộ dân bỏ trồng cà phê, một số doanh nghiệp bị phá sản. Do sản lượng cà phê “cung” đã vượt “cầu”, một số nước trên thế giới tăng diện tích trồng giống cà phê đạt năng suất trên 8 tấn nhân/hécta (gấp đôi Việt Nam), giá thành xấp xỉ 1USD/kg nhân. Đây là một trong những nguyên nhân cà phê vối của Việt Nam giá thành cao, khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

- Chính phủ Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương quốc tế, sẽ mở ra cho ngành cà phê tăng khả năng xuất khẩu như thế nào? - Tôi đặt câu hỏi với ông Chính.

- Muốn xuất khẩu bán giá cao, trước hết, phải thay đổi cách trồng trọt, cách thu hoạch, sơ chế, chế biến... Chỉ khi chất lượng đạt chuẩn, đi kèm xây dựng thương hiệu quốc gia về cà phê tốt, mới nói bán giá cao. Trong các hiệp định song phương và đa phương chỉ nêu chung chung, hời hợt, phó thác cho doanh nghiệp, trong lúc doanh nghiệp nhỏ lẻ thiếu liên kết chuỗi, vì quy mô (vốn, công nghệ, thị trường) nhỏ, khó cạnh tranh tồn tại. Cho nên, họ chỉ chọn cách làm cung cấp nguyên liệu và nhân công giá rẻ cho doanh nghiệp chế biến nước ngoài.

- Theo ông, cần có giải pháp nào tạo thương hiệu quốc gia về cà phê trên thị trường thế giới?

- Cần tập trung vào giải pháp cạnh tranh, bằng cách tạo ra sản phẩm chất lượng, có chính sách dài hạn phù hợp về vay vốn, đầu tư công nghệ chế biến. Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi liên kết, dẹp bỏ bớt đầu mối xuất khẩu, hạn chế đầu tư nước ngoài. Hình thành những đơn vị xuất khẩu chuyên nghiệp, uy tín mang tầm thương hiệu quốc gia.

- Vì sao ông nêu vấn đề dẹp bỏ bớt đầu mối xuất khẩu?

- Để nhiều đầu mối xuất khẩu, dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán nhau, tự đôn giá mua nội địa cao hơn giá xuất khẩu. Thực tế, nhiều năm giá nội địa cao hơn xuất khẩu, có nhiều doanh nghiệp mua được hàng rồi nhưng không biết bán cho ai? Làm mất giá trị thương hiệu quốc gia cà phê Việt Nam. Nghiệp vụ xuất khẩu hàng cà phê phải thực hiện cùng mua, cùng bán kịp thời, cả hàng thật và hàng trên giấy tờ, mới chống được nhiều rủi ro.

Máy bóc vỏ và chọn trái xanh cà phê của thành viên HTX Tân Tiến 2. Ảnh: Hải Luận

Công ty Cà phê Mê Trang, tỉnh Khánh Hoà không có vùng nguyên liệu trồng cà phê, chỉ thu mua hạt nhân ở vùng Tây Nguyên về chế biến tạo ra thương hiệu của riêng mình. Ngoài hệ thống bán lẻ trong nước, Công ty còn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Nga, Mỹ,...

“Muốn chất lượng cà phê đồng đều, xuất khẩu với giá trị cao, mang tính bền vững, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên bỏ quy định cho phép có phần trăm hạt đen, vỡ (hạt xanh) trong mỗi lô cà phê xuất khẩu. Làm theo kiểu này, chẳng khác nào “bán bia kèm theo lạc”, doanh nghiệp nước ngoài mua 100% trái chín thì nâng giá cao lên, doanh nghiệp thu mua trái chín của nông dân cao hơn trái xanh 5 - 10 giá, ngay lập tức họ sẽ sản xuất ra cà phê sạch đạt chuẩn. Cũng một hạt cà phê giống nhau, trước đây, Công ty của chúng tôi làm theo công nghệ xay, bán giá thấp, thậm chí ít người mua, bây giờ chuyển sang công nghệ nghiền, khách hàng nước ngoài mua nhiều. Chính vì vậy, chúng tôi phải bỏ nhiều tỉ đồng nhập máy rang, nghiền từ châu Âu để tạo ra sản chất lượng tốt” - Ông Lương Thế Hùng, Giám đốc Công ty Cà phê Mê Trang nêu đề xuất.

Hải Luận - Thái Nga

Bình luận

ZALO