Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 08/12/2023 08:39 GMT+7

Kỷ niệm 61 năm Ngày vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin (10/8/1961-10/8/2022):

Cả nước chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

Biên phòng - Chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm, nhưng hậu quả của chất độc hóa học gây ra còn lâu dài, đời sống của nạn nhân, gia đình nạn nhân còn rất khó khăn. Chính vì vậy, những năm qua, bằng nhiều nguồn lực và hành động thiết thực, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã cùng chăm lo, hỗ trợ, tạo điều kiện về mọi mặt cho các nạn nhân chất độc da cam (CĐDC) và gia đình có thêm động lực vượt qua khó khăn, bệnh tật, ổn định cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng.

Cán bộ BĐBP Thừa Thiên Huế phối hợp với Hội Người cao tuổi tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức khánh thành và bàn giao nhà tình thương cho các gia đình hội viên người cao tuổi nhiễm CĐDC tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Võ Tiến

Thảm họa da cam ở Việt Nam

Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ không chỉ dùng các loại bom đạn gây thương vong, mà còn sử dụng cả chất độc hóa học nhằm triệt hạ nguồn sinh sống của nhân dân Việt Nam, ngăn chặn bước tiến của các lực lượng vũ trang cách mạng. Thực tế chứng minh, cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam là cuộc chiến tranh có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người.

Chuyến bay đầu tiên quân đội Mỹ phun rải chất độc hóa học theo quốc lộ 14, nằm ở phía Bắc thị xã Kon Tum, do máy bay trực thăng H34 thực hiện ngày 10/8/1961. Từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 phi vụ, phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học; 61% trong đó là chất da cam, chứa khoảng 366kg dioxin xuống gần 26.000 thôn, bản với diện tích 3,06 triệu ha, bằng 1/4 tổng diện tích miền Nam Việt Nam; trong đó có 86% diện tích bị phun rải hơn 2 lần, 11% diện tích bị phun rải hơn 10 lần.

CĐDC đã tác động mạnh mẽ, lâu dài tới môi trường, các hệ sinh thái và sức khỏe con người. Với một khối lượng chất độc hóa học phun rải lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, môi trường bị ô nhiễm nặng nề, các hệ sinh thái bị đảo lộn, chức năng giữ nước chống sụt của rừng bị suy giảm, đa dạng sinh học bị suy thoái và trở nên nghèo nàn, một số loài động vật, thực vật quý hiếm bị tuyệt chủng, các loài gặm nhấm và cỏ dại phát triển. Hệ thống rừng ngập mặn ở miền Nam bị phá hủy nặng nề, vai trò của rừng ngập mặn trong giữ đất, lấn biển bị giảm sút.

Tại các sân bay quân sự Mỹ trước đây dùng để lưu giữ, pha trộn, tiêu hủy chất độc hóa học, nồng độ dioxin vẫn còn cao hoặc rất cao, đặc biệt là tại khu vực các sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa, Phù Cát...

CĐDC đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm; hơn 3 triệu người là nạn nhân, trong đó, hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo.

Các kết quả nghiên cứu ở Việt Nam và thế giới cho thấy CĐDC/dioxin có khả năng gây tổn thương đa dạng và phức tạp trên tất cả các bộ máy sinh lý của cơ thể, gây ung thư da, tổn thương da, gan, tuyến giáp, đái tháo đường; làm tổn thương hệ thống hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, hệ nội tiết, thần kinh; có vai trò quan trọng gây đột biến gen và nhiễm sắc thể, từ đó, gây nên các dị tật bẩm sinh, các tai biến sinh sản, các bệnh phổ biến ở con cháu nạn nhân CĐDC, như liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, mù, câm, điếc, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, ung thư, dị dạng, dị tật bẩm sinh. Đặc biệt, CĐDC có thể di truyền qua nhiều thế hệ và ở Việt Nam, di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 4.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện, cả nước có hơn 150.000 nạn nhân thế hệ thứ 2; hơn 35.000 nạn nhân thế hệ thứ 3; hơn 2.000 nạn nhân thế hệ thứ 4. Nhiều gia đình nạn nhân CĐDC ở nước ta có tới 4-5 người bị phơi nhiễm hoặc nhiều hơn; nhiều nạn nhân không có khả năng lao động, kiếm sống, thậm chí, không có khả năng làm chủ các hành động của bản thân.

Đó không chỉ là nỗi đau của các gia đình nạn nhân, mà còn để lại hậu quả nặng nề đối với xã hội, nhất là khi bố mẹ của nạn nhân qua đời, để lại những người con bệnh tật, dị dạng, dị tật không còn người nuôi dưỡng. Đời sống vật chất, tinh thần của hầu hết nạn nhân CĐDC còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhất là những gia đình có nhiều nạn nhân, nhiều thế hệ nạn nhân, nạn nhân bị bệnh nặng, bệnh thường tái phát, không còn khả năng lao động sản xuất; hầu hết gia đình nạn nhân thuộc hộ nghèo.

Tập trung nguồn lực chăm lo nạn nhân chất độc da cam

Nỗi đau từ thảm họa da cam vẫn còn dai dẳng và nhức nhối, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn thông cảm, hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân CĐDC. Theo đó, Chính phủ đã ban hành và hoàn thiện nhiều chế độ, chính sách nhằm cải thiện đời sống cho các nạn nhân CĐDC. Đảng, Nhà nước ta đã dành hàng chục nghìn tỷ đồng để hỗ trợ, thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con, cháu của họ bị di chứng CĐDC.

Hiện tại, cả nước có hơn 350.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm CĐDC được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và được trợ cấp hàng tháng. Hơn 50% hộ gia đình có người tàn tật và nạn nhân nhiễm CĐDC được hưởng chế độ bảo hiểm y tế, khám, chữa bệnh miễn phí.

Đồng thời, các tổ chức Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam đã được thành lập ở Trung ương và mạng lưới hội thành viên khắp 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, với tổng số hơn 400.000 hội viên đồng hành cùng nạn nhân CĐDC/dioxin khắc phục khó khăn vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Từ khi được thành lập đến nay, các cấp hội rất nỗ lực tuyên truyền, vận động nguồn lực, gắn phong trào thi đua “Vì nạn nhân CĐDC” với các phong trào, các cuộc vận động, các hoạt động hội nhân ngày kỷ niệm, lễ, tết. Đặc biệt, từ năm 2011 đến nay, hàng năm, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam đều tổ chức nhắn tin ủng hộ nạn nhân CĐDC/dioxin với tổng số tiền gần 20 tỷ đồng.

Cùng với đó, việc quản lý Quỹ Nạn nhân CĐDC chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả. Tính đến cuối năm 2021, Hội đã vận động được gần 2.930 tỷ đồng. Riêng năm 2021, vận động được gần 400 tỷ đồng. Số tiền đó đã được sử dụng hỗ trợ sửa, làm nhà tình nghĩa; trợ cấp học bổng; trợ giúp tìm việc làm; hỗ trợ vốn sản xuất; tặng các phương tiện sinh hoạt; khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí; xông hơi, giải độc, phục hồi chức năng; trợ cấp khó khăn, trợ cấp khắc phục hậu quả thiên tai; thăm hỏi, tặng quà nhân ngày lễ, tết cho hàng trăm nghìn lượt nạn nhân. Đến nay, Hội đã có 26 Trung tâm nuôi dưỡng, nuôi dưỡng 980 cháu là nạn nhân CĐDC.

Ngoài ra, từ năm 2000 đến nay, đã có 30 đề tài cấp Nhà nước có giá trị, góp phần khẳng định tác hại của chất độc hóa học/dioxin đối với con người như: Điều tra dịch tễ học, xác định cơ cấu bệnh tật và dị tật bẩm sinh, biến đổi gen và dự án phục hồi chức năng tại cộng đồng cho nạn nhân CĐDC...

Những hoạt động trên thể hiện nỗ lực không ngừng nghỉ của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta cùng chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, chăm lo cho nạn nhân CĐDC. Đây vừa là hành động của lương tri, vừa thể hiện truyền thống “Đền ơn, đáp nghĩa”, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc ta.

Tuấn Khang

Bình luận

ZALO