Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:51 GMT+7

Cả nước chung tay chăm lo cho nạn nhân chất độc da cam

Biên phòng - Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam vừa là từ thiện, nhân đạo, vừa là hoạt động “Đền ơn, đáp nghĩa” đối với những người có công với nước, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Với tinh thần đó, những năm qua, Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đã chung tay chăm lo, hỗ trợ, tạo điều kiện về mọi mặt cho các nạn nhân và gia đình có thêm động lực phấn đấu vượt qua khó khăn, bệnh tật, ổn định cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng.

Chăm sóc trẻ khuyết tật tại Làng Hòa Bình, thành phố Hồ Chí Minh - nơi cưu mang, nuôi dưỡng hơn 400 đứa trẻ khuyết tật, trong đó, nhiều cháu bị ảnh hưởng bởi CĐDC/dioxin (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). Ảnh: TTXVN

Chất độc da cam (CĐDC)/ dioxin do quân đội Mỹ rải xuống nước ta đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân, hàng trăm nghìn người chết, hàng triệu người mắc các bệnh nan y, hiểm nghèo... Các kết quả nghiên cứu ở Việt Nam và thế giới cho thấy, CĐDC/dioxin có khả năng gây tổn thương đa dạng và phức tạp như: Gây ung thư da, tổn thương da, gan, tuyến giáp, đái tháo đường; tổn thương hệ thống hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, nội tiết, thần kinh; gây đột biến gen và nhiễm sắc thể, từ đó, gây nên các dị tật bẩm sinh, các tai biến sinh sản. Các bệnh phổ biến ở con, cháu nạn nhân CĐDC/dioxin là liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, mù, câm, điếc, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, ung thư, dị dạng, dị tật bẩm sinh.

CĐDC/dioxin có thể di truyền qua nhiều thế hệ và ở Việt Nam. Cả nước có khoảng 75.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2; 35.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3; đặc biệt, hậu quả CĐDC/dioxin đã di nhiễm sang thế hệ thứ 4. Ở nhiều tỉnh, trong số các nạn nhân, có hơn một nửa là dân thường. Đời sống vật chất, tinh thần của nạn nhân còn rất khó khăn, thiếu thốn, nhất là những gia đình có nhiều nạn nhân, nhiều thế hệ nạn nhân, nạn nhân bị bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo, bệnh thường xuyên tái phát, sinh con dị dạng, dị tật, thiểu năng trí tuệ; nhiều nạn nhân là dân thường không còn khả năng lao động sản xuất, không có nguồn thu. Đa số hộ nạn nhân CĐDC/dioxin thuộc hộ nghèo, trong khi mức chi phí nuôi dưỡng, chữa bệnh cho nạn nhân rất lớn.

Để hỗ trợ cho các nạn nhân và gia đình nạn nhân CĐDC/dioxin, những năm qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành đã quan tâm xây dựng, ban hành nhiều văn bản pháp luật liên quan đến nhiệm vụ khắc phục hậu quả chất độc hóa học sau chiến tranh; đồng thời, đặc biệt coi trọng giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng nói chung và người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học nói riêng. Hằng năm, Nhà nước đã chi hơn 10.000 tỷ đồng trợ cấp hàng tháng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho nạn nhân CĐDC/dioxin, hỗ trợ những vùng đặc biệt khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề của CĐDC/dioxin.

Hiện nay, toàn quốc có hơn 320.000 người tham gia kháng chiến nhiễm CĐDC/dioxin và con đẻ của họ bị nhiễm CĐDC/dioxin được hưởng trợ cấp hằng tháng theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Các hộ gia đình có người khuyết tật, trong đó, có hộ gia đình nạn nhân CĐDC/dioxin được hưởng bảo hiểm y tế hoặc khám chữa bệnh miễn phí. Hàng trăm ngàn lượt người khuyết tật nặng, trong đó có nạn nhân CĐDC/dioxin được chỉnh hình, phục hồi chức năng; hàng chục ngàn trẻ em tàn tật, trong đó có trẻ em bị hậu quả gián tiếp của CĐDC/dioxin được đi học trong các trường hòa nhập và chuyên biệt.

Đồng thời, công tác vận động nguồn lực xã hội, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân được các cấp hội nạn nhân CĐDC/dioxin triển khai tích cực, hiệu quả, được nhiều tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp trong và ngoài nước hưởng ứng tích cực ủng hộ. Từ khi thành lập Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam (tháng 1-2004) đến tháng 12-2020, số tiền vận động Quỹ Nạn nhân CĐDC đạt hơn 2.663 tỷ đồng, trong đó, các tổ chức, cá nhân trong nước là gần 1.745 tỷ đồng; các tổ chức, cá nhân ngoài nước hơn 134 tỷ đồng; ủng hộ trực tiếp bằng tiền và hiện vật quy ra tiền hơn 784 tỷ đồng.

Với số quỹ do cả nước đóng góp như trên, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin đã sử dụng hiệu quả để đầu tư xây dựng các trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, dạy nghề; hỗ trợ vốn sản xuất, xây nhà Tình nghĩa, sửa chữa nhà, tặng xe lăn; khám, chữa bệnh, thăm hỏi, tặng quà nạn nhân CĐDC.

Tính đến tháng 12-2020, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam đã xây dựng cơ sở bán trú tại 26 địa phương, xây dựng gần 6.750 căn nhà Tình nghĩa; trợ cấp gần 11.900 suất học bổng; trợ cấp khó khăn, lễ tết, khám chữa bệnh, vốn sản xuất... Cả nước hiện có 12 Làng Hòa Bình, Làng Hữu Nghị và nhiều trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật, theo hình thức tập trung hoặc bán trú, nuôi dưỡng hàng nghìn nạn nhân, chủ yếu là trẻ em dị dạng, dị tật do ảnh hưởng chất độc da cam.

Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin các cấp trong cả nước có 26 trung tâm bảo trợ xã hội thực hiện xông hơi giải độc, phục hồi chức năng, dạy nghề, nuôi dưỡng thường xuyên, hoặc bán trú các nạn nhân CĐDC/dioxin. Trung tâm tư vấn sức khỏe sinh sản di truyền tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã và đang hoạt động tích cực nhằm giảm tỉ lệ sinh con dị tật.

Một số địa phương đã tiến hành điều tra tổn thương tâm lý và trợ giúp tâm lý cho nạn nhân CĐDC/dioxin. Ngoài trợ giúp bằng tiền, các cấp Hội đã tư vấn, hỗ trợ các gia đình nạn nhân phát triển kinh tế gia đình; thông qua đó các nhóm hộ cùng chia sẻ kinh nghiệm để duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, hiện nay, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam đang thực hiện 25 dự án ở trong nước và với bạn bè quốc tế để giúp đỡ nạn nhân CĐDC/dioxin. Phong trào “Hành động vì nạn nhân CĐDC Việt Nam” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động tiếp tục nhận được sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng xã hội trong nước, quốc tế chung tay chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân và xoa dịu nỗi đau da cam.

Thùy Trang

Bình luận

ZALO