Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:14 GMT+7

Cá ngừ đại dương “hết thời” giá cao?

Biên phòng - Những năm trước, nghề câu cá ngừ đại dương phát triển mạnh ở 3 tỉnh: Khánh Hòa, Phú Yên và Bình Định, với quy mô lên tới trên nghìn chiếc tàu. Có rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học cấp bộ và cấp tỉnh liên quan đến nghề khai thác cá ngừ. Nhưng rồi, thời hoàng kim đã qua, nghề câu cá ngừ đại dương hiện nay đang “tụt dốc” nghiêm trọng. Phóng viên Báo Biên phòng đã phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Trọng Lương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ khai thác thủy sản, Trường Đại học Nha Trang, Chủ nhiệm đề tài “Công nghệ khai thác cá ngừ đại dương”. Tiến sĩ Nguyễn Trọng Lương cho biết:

bv1r_17a
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Lương. Ảnh: Hải Luận

- Thời kỳ ngư dân đang còn làm câu giàn (câu vàng), cá ngừ đại dương được bán với giá 180.000 - 200.000 đồng/kg, trung bình từ 50-70kg/con. Mỗi chuyến biển, ngư dân có sản lượng từ 2 – 3 tấn. Hiện nay, ngư dân chủ yếu sử dụng ánh sáng đèn dẫn dụ cá đến gần khu vực tàu để câu, sản lượng câu tăng đáng kể, nhưng giá bán hạ xuống còn 110.000 - 120.000 đồng/kg, giai đoạn dịch bệnh Covid-19 tiếp tục giảm xuống nữa. Phần lớn cá ngừ đại dương câu được toàn “nhóc con” (từ 30 - 45kg/con). 

Vòng luẩn quẩn

- Nguyên nhân nào đẩy giá cá ngừ đại dương giảm xuống hơn một nửa như vậy, thưa Tiến sĩ?

- Những năm ngư dân làm câu giàn, phải cho tàu chạy nhiều hải lý rải lưỡi câu và cuốn câu, rất tốn nhiên liệu. Thời điểm đó, các doanh nghiệp xuất khẩu dưới dạng nguyên con bằng đường hàng không sang thị trường Nhật Bản, Mỹ... Ngư dân bảo quản con cá cẩn thận ngay từ khi mới bắt được ngoài biển. Cả doanh nghiệp thu mua và ngư dân đồng lòng, nhiệt huyết với nhau, đã đẩy giá cá ngừ lên cao (200.000 đồng/kg), gọi là thời hoàng kim. Hiện nay, đa số các doanh nghiệp ít chọn phương án xuất khẩu cá ngừ nguyên con, họ chủ yếu kinh doanh hàng chế biến, ít rủi ro, giá thu mua cá ngừ tại cảng thấp. Một số doanh nghiệp lớn còn nhập khẩu cá ngừ nguyên con với số lượng lớn về làm hàng chế biến xuất khẩu. Giá cá thấp, ngư dân không muốn bỏ ra quá nhiều công sức, tiền của để bảo quản chất lượng cá lên cao, đây là cái vòng luẩn quẩn chưa có lối thoát.

- Phải chăng trữ lượng cá ngừ đại dương ở Biển Đông đang vào thời kỳ cạn kiệt?

- Đặc tính cá ngừ đại dương là di chuyển theo dòng hải lưu, theo chuỗi thức ăn, theo mùa, nhiệt độ nước biển, nên còn có tên gọi là “cá quốc tế”. Nó đi từ Nhật Bản xuống, bị ngư dân nước này chặn khai thác, cá dịch chuyển về biển Đài Loan, dân họ cũng khai thác nhiều, cá tiếp tục vào phía Bắc Biển Đông gặp dân Trung Quốc khai thác. Số còn lại mới chạy lọt vào Biển Đông, có cả ngàn tàu câu của ngư dân mình chờ sẵn, giăng bủa khắp nơi. Một điều dễ nhận thấy là, chuỗi thức ăn của cá ngừ hình như bị giới hạn, bởi vùng biển của nước ta đang có nhiều tàu, với nhiều nghề khai thác quá mức, dẫn đến nguồn thức ăn của cá ngừ giảm. Đương nhiên, đàn cá ngừ phải đi tìm đến vùng biển nào có nhiều thức ăn hơn. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến sản lượng khai thác cá ngừ đại dương của nước ta giảm rất mạnh.

Cần có biện pháp mạnh bảo vệ “ao nuôi”

- Trong quá trình nghiên cứu, Tiến sĩ thấy vấn đề nào có tác động đến sự suy giảm nghề câu cá ngừ đại dương?

- Giá cá thu mua tại cảng là điểm then chốt nhất, quyết định mọi vấn đề theo sau. Nếu ngư dân đi khai thác có lãi lớn, chắc chắn họ sẽ khắc phục mọi khó khăn trên biển. Ngư dân đã nghĩ ra nhiều sáng kiến và làm thay đổi để thích ứng với nghề khai thác biển nói chung và cá ngừ đại dương nói riêng. Một vấn đề khác cũng rất nóng bỏng đối với nghề khai thác biển, đó là thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng lao động nghề biển. Mỗi chiếc tàu đánh cá xa bờ cần từ 5 - 9 lao động, nhiều khi tàu bơm đủ dầu rồi, nhưng kiếm không đủ số lượng bạn đi biển, đành phải cho tàu neo bờ. Và có khi buộc chủ tàu phải “nhắm mắt” gom cho đủ số người đi biển, không có quyền lựa chọn thợ câu giỏi.

-  Một nghịch lý, chạy chiếc tàu to ra xa cả trăm hải lý, ở lại gần 1 tháng để khai thác, đến khi cập cảng, giá 1kg cá ngừ chỉ bán rẻ bằng một nửa so với 1kg cá đánh bắt ven bờ. Liệu tới đây, giá cá ngừ đại dương có đẩy lên cao không, thưa Tiến sĩ?

- Nếu doanh nghiệp vẫn giữ nguyên cách thu mua, chế biến, xuất khẩu như hiện nay, thì cá ngừ đại dương hết thời bán giá cao. Vụ khai thác năm ngoái, ngư dân bán tại cảng với giá từ 110.000 - 120.000 đồng/kg, năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, giá cá tụt xuống còn 90.000 đồng/kg, không biết, thời gian tới đây, giá cá có xuống hay lên ở mức nào nữa không? Nhưng tôi tin chắc rằng, chỉ khi nào cả ngư dân và doanh nghiệp cùng hợp tác làm ra những con cá ngừ tươi ngon, xuất khẩu dưới dạng nguyên con bán ở thị trường đấu giá Nhật Bản, thì giá trị của cá ngừ đại dương sẽ cao gấp nhiều lần bây giờ.

qbe9_17b
Ngư dân đang cẩu cá ngừ đại dương từ tàu lên cảng Hòn Rớ, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, bán cho thương lái. Ảnh: Hải Luận

- Theo Tiến sĩ, cần những giải pháp nào để phát triển nghề câu cá ngừ đại dương mang tính bền vững?

- Nhà nước ta đã ban hành đầy đủ luật và văn bản dưới luật quy định rất rõ ràng, chi tiết về việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản của biển. Chẳng hạn, Luật Thủy sản quy định: Cấm nghề giã cào (lưới kéo) ở vùng ven bờ, vùng vịnh; cấm tàu sử dụng mắt lưới quá nhỏ; cấm khai thác vùng sinh sản của cá, tôm... Thực tế, trên biển, những loại nghề bị cấm đó vẫn còn tồn tại, vẫn còn hoạt động ở các tỉnh, thành ven biển. Cái cấp thiết nhất hiện nay là thực thi pháp luật một cách nghiêm minh, mới mong biển tái tạo lại, sản lượng khai thác mới tăng cao, nghề khai thác xa bờ mới bền vững. Nhà nước nên ra lệnh “cấm biển” từ 3 - 5 tháng liên tục trong mùa sinh sản của cá, tôm, tập trung vùng ven bờ, là nơi sinh sản và cung cấp nguồn lợi cho vùng khơi.

- Cái khó của các cơ quan quản lý Nhà nước là đụng đâu cũng gặp hộ nghèo, nên việc thực thi pháp luật còn hạn chế, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến “nồi cơm” của họ. Quan điểm của Tiến sĩ như thế nào?

- Trước đây, tôi có một nghiên cứu về thu nhập giữa ngư dân và nông dân. Phần lớn ngư dân ta có thu nhập gấp từ 2 - 4 lần so với nông dân. Nhiều lúc, các cơ quan quản lý Nhà nước và thực thi pháp luật trên biển “ngại” đụng đến số tàu thuyền nhỏ ven bờ, cho rằng không nỡ “cắt” đi đường sống của họ. Nhưng đã đến lúc phải cương quyết thực hiện pháp luật đầy đủ, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi vùng ven biển, giống như đang bảo vệ cái “ao nuôi” của ngư dân. Hiện nay, ngư dân ta đang thực hành bài toán này: Dù lãi ít, hòa vốn, lỗ nặng... nhưng ngày nào cũng cho thuyền đi biển. Tại sao chúng ta không đưa ra giải pháp: Ngư dân chỉ có 6 tháng đánh bắt mà đủ tiền ăn cho cả năm, như các nước xung quanh ta đã làm nhiều năm trước.

- Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!

Hải Luận (Thực hiện)

Bình luận

ZALO