Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 28/03/2023 02:06 GMT+7

Cả cuộc đời gắn bó với đường biên, cột mốc

Biên phòng - Già làng Phàn Định Xiết, ở bản Suối Tút, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, luôn được bà con dân bản kính nể và coi là trung tâm đoàn kết của đồng bào các dân tộc hai bên biên giới. Suốt 27 năm qua, với đôi chân không mỏi, già Phàn Định Xiết đã nhận bảo vệ 3 cột mốc biên giới, được người dân địa phương gọi là “cây đại thụ” của núi rừng miền Tây xứ Thanh.

3hg5_8a
Già Xiết trong một lần đi kiểm tra đường biên, cột mốc. Ảnh: Lê Đồng

Trong cái nắng hơn 400 C của vùng biên giới miền Tây xứ Thanh, bên dòng suối Tút, chúng tôi gặp già làng Phàn Định Xiết, sau một hành trình ông đi kiểm tra cột mốc 285, 286, 287 (thuộc quản lý của Đồn Biên phòng Quang Chiểu, BĐBP Thanh Hóa). Hành trang của già mỗi khi đi kiểm tra cột mốc là con dao quắm để phát quang mốc giới, chiếc radio để theo dõi tin tức, chiếc gậy và nắm cơm với muối vừng cho bữa ăn trưa.

Già Xiết cho biết: “Giờ đã trở thành thói quen, dù thời tiết có khắc nghiệt đến đâu, hằng tháng, không lên thăm mốc được đôi, ba lần, già không thể yên tâm được. Nếu không đi được, già phải cử con cháu đi rồi về mô tả lại cặn kẽ mới yên lòng. Vào những năm 90 của thế kỷ trước, Đảng, Nhà nước phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới, già đã nhận bảo vệ cột mốc G6, nay đoạn biên giới được tăng dày thành 3 mốc quốc giới 285, 286, 287...”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hằng tuần, già Xiết mang theo hành trang leo dốc, lội suối, lên kiểm tra, phát quang mốc giới. Mỗi lần phát hiện cột mốc bị kẻ xấu làm hư hại, già về báo ngay cho chỉ huy Đồn Biên phòng Quang Chiểu. “Mỗi lần đi kiểm tra cột mốc, già đều ghi chép cẩn thận những thông tin thu thập được, giúp đơn vị có biện pháp xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra” - Trung tá Lê Văn Dân, Chính trị viên Đồn Biên phòng Quang Chiểu cho biết.

Khi chúng tôi hỏi, động lực nào khiến già miệt mài với công việc bảo vệ mốc giới, già Xiết nở nụ cười rất tươi, nói: “Mỗi người có một cách riêng để thể hiện tình yêu đối với Tổ quốc. Ta thể hiện tình yêu đó bằng những việc làm bình dị như thế này. Ta thường dạy bảo con cháu rằng, biên giới của Tổ quốc là mảnh đất thiêng liêng mà cha ông ta đã không tiếc xương máu, gian khổ, hy sinh mới có được, nên con cháu phải biết giữ gìn, bảo vệ để xây dựng khu vực biên giới ngày càng giàu đẹp”.

Không chỉ tình nguyện bảo vệ đường biên, cột mốc, già làng Phàn Định Xiết còn vận động con cháu, người dân trong xã tích cực làm như mình. Là người có uy tín trong cộng đồng, lời nói của già Xiết luôn được bà con lắng nghe và làm theo. Vì vậy, trong những năm qua, nhân dân xã Quang Chiểu nói chung, đồng bào dân tộc Dao ở bản Suối Tút nói riêng đã phối hợp với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Quang Chiểu tích cực tham gia tuần tra, bảo vệ đường biên, mốc giới, giữ gìn an ninh trật tự thôn bản, xây dựng tình đoàn kết gắn bó, keo sơn giữa nhân dân hai bên biên giới Việt Nam- Lào.

Đang say sưa kể về những kỷ niệm đẹp của những chuyến hành trình bảo vệ mốc giới, già lại nhớ đến sự thăng trầm của bản làng. Già kể: Khi còn là một thanh niên, già đã tích cực tham gia các phong trào xây dựng, bảo vệ biên giới.

Có một biến cố mà già không bao giờ quên được, đó là vào năm 1975, bọn phản động tổ chức tuyên truyền, lôi kéo bà con bỏ bản, bỏ làng theo bọn chúng sang bên kia biên giới sinh sống với lời hứa sẽ có cuộc sống giàu sang, phú quý, không phải lao động vất vả, cực nhọc... Lúc đó, nhiều người đã vội tin theo, thậm chí nhiều gia đình đã phá nhà cửa, giết trâu bò, lợn gà, đốt lúa gạo, kéo nhau vượt biên giới tìm ảo mộng.

Thời bấy giờ, cả bản có 37 hộ dân, thì 30 hộ đã nhẹ dạ nghe theo kẻ xấu, vượt biên giới để tìm cuộc sống giàu sang. Trước tình hình đó, già đã không quản ngại ngày đêm, sát cánh cùng các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân chống lại những luận điệu sai trái, mị dân của bọn xấu để bà con hiểu ở lại làng bản, tránh cho bản Suối Tút bị “xóa sổ”.

dzcj_8b
Già Phàn Định Xiết trao đổi với cán bộ Đồn Biên phòng Quang Chiểu sau mỗi chuyến tuần tra đường biên, cột mốc. Ảnh: Viết Hà

Thế rồi, 7 hộ đã nhận ra được sự lừa lọc của kẻ xấu, ở lại bám trụ, xây dựng bản Suối Tút cho đến ngày hôm nay. Biết chuyện, bọn phản động dọa dẫm và rải bộc phá quanh nhà, để uy hiếp tinh thần già, nhưng già không nao núng. “Dù có chết, tôi cũng phải chết trên quê cha đất tổ; dù còn hơi thở cuối cùng cũng phải bảo vệ được bà con, bản làng. Đêm hôm sau, chúng đã ném bộc phá vào nhà tôi, nhưng rất may, quả bộc phá không phát nổ” - Già Xiết nói.

Bước sang thời kỳ đổi mới, già Xiết là người tiên phong trong các phong trào bảo vệ đường biên, mốc giới, xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội, là tấm gương sáng để bà con bản Suối Tút học tập, noi theo. Đến nay, bản Suối Tút không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo đang giảm dần (chỉ còn 5/21 hộ nghèo), bà con tích cực cùng với chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới. Tuổi đã cao, đôi chân già đã không cho phép mỗi tuần lên mốc một lần, nhưng truyền thống bảo vệ mốc giới, tình yêu dành cho quê hương của già đã được người con trai cả Phàn Văn Cầu tiếp nối.

Hai năm nay, trong hành trình lên thăm mốc, anh đã trở thành người đồng hành của cha. “Đây là truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ. Bố tôi đã dành cả cuộc đời bảo vệ đường biên, mốc giới. Bây giờ, thế hệ tôi cần tiếp nối để không phụ công ơn của cha ông, góp chút sức lực cùng BĐBP bảo vệ vững chắc đường biên, mốc giới, xây dựng địa bàn vững mạnh...” - Anh Phàn Văn Cầu tâm sự.

Trung tá Lê Văn Dân khẳng định: “Việc làm tình nguyện, đầy ý nghĩa của già Phàn Định Xiết đã tạo đà cho phong trào quần chúng tích cực tham gia cùng BĐBP bảo vệ đường biên, cột mốc. Đặc biệt già đã vận động, truyền cảm hứng cho thế hệ sau tiếp nối tâm nguyện và công việc của mình. Với nhiều thành tích xuất sắc trong thời gian qua, già Phàn Định Xiết được UBND huyện Mường Lát, UBND tỉnh Thanh Hóa, BĐBP Thanh Hóa, Bộ Tư lệnh BĐBP tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen... vì có thành tích trong công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia”.

Hà Đồng

Bình luận

ZALO