Biên phòng - Ngay từ tháng đầu tiên của năm 2022, nền kinh tế Việt Nam đã có hàng loạt điểm sáng như vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký tăng 4,2%; số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 28,9%; chỉ số giá tiêu dùng tăng nhẹ 0,19%... Đây là những tín hiệu khả quan minh chứng nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi tốt từ khi thay đổi chiến lược phòng chống dịch sang thích ứng linh hoạt, an toàn với Covid-19.
Cụ thể, trong tháng 1-2022, cả nước có 13 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 192,3 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký gần 77,1 nghìn lao động. Bên cạnh đó, 19,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 352,8% so với tháng 12-2021), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tháng 1-2022 lên 32,1 nghìn doanh nghiệp.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất tháng 1 của một số ngành trọng điểm tăng cao so với cùng kỳ năm trước như kim loại, thiết bị điện, da giày, dệt may, cao su, plastic...; sản lượng thủy sản ước tính đạt 590 nghìn tấn.
Đặc biệt, trong tháng 1, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 2,1 tỷ USD với 103 dự án của 23 quốc gia và vùng lãnh thổ được cấp phép mới đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Bên cạnh đó, có 71 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước cũng đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 1,27 tỷ USD.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, thu hút đầu tư FDI trong năm nay của Việt Nam sẽ vượt xa mức 31,15 tỉ USD của năm 2021 nhờ chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết như bổ sung quỹ đất sạch; rà soát lại quy hoạch điện; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển công nghiệp hỗ trợ... Bên cạnh đó, việc ban hành các quy định, tiêu chuẩn nhằm lựa chọn các nhà đầu tư FDI có công nghệ tiên tiến sẽ giúp kinh tế Việt Nam có khả năng chống chịu sức ép từ bên ngoài để phát triển bền vững và bảo đảm an ninh quốc gia.
Với những tín hiệu khởi sắc ngay từ đầu năm cùng kinh nghiệm, năng lực và khả năng ứng phó tốt với dịch bệnh, nền kinh tế Việt Nam sẽ mau chóng phục hồi trở lại trong năm 2022. Nhận định chắc chắn này được Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt trên mức 5,5% trong năm nay.
Bởi, Việt Nam đã tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu với giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu đạt kỷ lục gần 670 tỉ USD trong năm 2021. Trong đó, có 35 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD. Việt Nam đang bắt nhịp tốt với hội nhập kinh tế quốc tế khi có 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết.
Mặt khác, Chương trình phục hồi kinh tế và phát triển kinh tế giai đoạn 2022 - 2023 với hàng loạt chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh sẽ được thực thi lên đến 350 nghìn tỉ đồng cũng đã sẵn sàng để hỗ trợ các doanh nghiệp, giúp nền kinh tế phục hồi và phát triển.
Ngoài ra, Chính phủ, các bộ, ngành đã khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định chồng chéo, mâu thuẫn để tháo gỡ vướng mắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh; tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận bình đẳng các nguồn lực phát triển, bảo đảm quyền lợi đầu tư, giảm rủi ro kinh doanh.
Về phía doanh nghiệp, đại dịch đã giúp nâng năng lực quản trị rủi ro, doanh nghiệp Việt Nam đã biết thích ứng nhanh, tái cấu trúc, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ... và quan trọng là doanh nghiệp đã chuẩn bị tâm thế để xây dựng kế hoạch kinh doanh bền vững sau 2 năm đầy biến cố và khó khăn.
Các tổ chức tài chính quốc tế và chuyên gia kinh tế đều chung nhận định, những điểm sáng đầu năm 2022 đã đưa tâm thế của Việt Nam không chỉ là phục hồi mà còn nắm bắt tốt cơ hội để phát triển, để bứt tốc. Đây là cơ hội để gần 100 triệu người dân cùng nắm bắt, cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp, cũng là cơ hội để thể hiện năng lực quản trị của Nhà nước trước những sự thay đổi.
Thanh Thảo