Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 06/06/2023 07:06 GMT+7

Buồn vui Sông Đốc

Biên phòng - Thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau đón tôi với cơn mưa nặng hạt. Đường sá đang trong giai đoạn sửa chữa, gặp cơn mưa trở nên ướt nhẹp, lấm lem. Có vẻ như thị trấn biển với đoàn tàu đánh cá hơn 1.300 chiếc và 1.000 cơ sở hoạt động hậu cần nghề cá này đang trở nên chật chội, quá tải do quá đông đúc. Sông Đốc vẫn còn nhiều việc cần phải làm để có thể trở thành đô thị động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Cà Mau.

Thị trấn Sông Đốc luôn nhộn nhịp, hối hả với hàng nghìn tàu cá. Ảnh: Thúy Hằng

Phạt nặng tàu thuyền vi phạm

Chúng tôi có mặt ở Sông Đốc vào thời điểm cả hệ thống chính trị đã và đang vào cuộc mạnh mẽ để xóa bỏ tình trạng khai thác IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định). Với những biện pháp quyết liệt, tình trạng tàu thuyền Cà Mau vi phạm vùng biển nước ngoài, khai thác hải sản trái phép đã giảm rõ rệt. Tuy nhiên, câu chuyện ngư dân bị mất tàu do vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn chưa nguôi độ nóng. Theo thông tin từ Đồn Biên phòng Sông Đốc, BĐBP Cà Mau, năm 2020, trên địa bàn đơn vị quản lý xảy ra 4 vụ/6 tàu cá/48 thuyền viên bị nước ngoài bắt giữ.

Cũng trong năm 2020, Đồn Biên phòng Sông Đốc đã điều tra, xác minh, xử lý nhiều trường hợp liên quan đến lĩnh vực khai thác thủy sản trái phép. Trong đó, 2 trường hợp tự ý tháo thiết bị giám sát hành trình tàu cá mà không có sự giám sát của đơn vị cung cấp, lắp đặt thiết bị; 1 trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát; 6 trường hợp không viết số đăng ký tàu cá theo quy định; 3 trường hợp viết số đăng ký tàu cá không đúng theo quy định.

Có một thực tế là, dù được tuyên truyền nhiều, có một số chủ tàu đã bị phạt nặng do vi phạm vùng biển nước ngoài, nhưng dường như vẫn chưa đủ sức răn đe. Một số chủ tàu vẫn làm theo kiểu “điếc không sợ súng”, “được ăn cả, ngã về không”.

Điển hình, tháng 8-2020, tàu cá CM 92226TS (đã hết hạn đăng kiểm từ tháng 10-2018), với 8 thuyền viên của ông Trần Hồng Cẩm ở khóm 4, do ông Thạch Dũng làm thuyền trưởng hành nghề câu mực vi phạm vùng biển Malaysia. Ông Cẩm giao cho thuyền trưởng Dũng toàn quyền quản lý, sử dụng tàu CM 92226TS.

Ngày 1-4-2020, ông Dũng điều khiển tàu cá trốn trạm kiểm soát ra biển hoạt động. Ngày 26-7-2020, tàu đang khai thác thủy sản thì bị Hải quân Malaysia bắt giữ và lai dắt về cảng đỏ của Malaysia. Do tình hình dịch Covid-19, cơ quan chức năng Malaysia không xử lý và bắt tập trung cách ly 14 ngày, sau đó thả cho về Việt Nam.

Đến ngày 12-8-2020, ông Dũng điều khiển tàu cá về đậu tại Sông Đốc thì bị Đồn Biên phòng Sông Đốc phát hiện, bắt giữ. Ngày 27-10-2020, Đồn Biên phòng Sông Đốc đã triển khai, quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 1,7 tỉ đồng đối với các lỗi: Khai thác thủy sản tại vùng biển quốc gia khác, không trang bị thiết bị giám sát hành trình, giấy phép khai thác thủy sản hết hạn.

Mất tàu vì “không để ý”?

Nói chuyện với chúng tôi, ông Lê Văn Thiệt, một ngư dân ở khóm 3, thị trấn Sông Đốc buột miệng: “Nhà có 5 tàu thì bị lấy mất 2 tàu rồi”. “Sao lại thế”? - tôi hỏi. “Ờ, thì mình không để ý, tàu mình thả trôi qua đường phân định lúc nào không hay. Lực lượng chức năng của nước ngoài phát hiện tàu mình sang vùng biển của họ, tịch thu luôn” - ông Thiệt buồn bã nói.

Không rõ việc 2 chiếc tàu thuộc sở hữu của ông sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản là vô tình hay cố ý, chỉ rõ hậu quả nhãn tiền mà ông phải hứng chịu là thiệt hại 5 tỉ đồng. Đó thực sự là một cái giá quá đắt.

Ông Thiệt đi biển từ năm 20 tuổi. Gần 30 năm gắn bó với nghề biển, ông đã trải qua rất nhiều thăng trầm, buồn vui, được mất vì biển. Kể chuyện nghề, ông than: “Biển bây giờ ít cá, làm ăn khó quá trời. Một chuyến biển chi phí mất 400 triệu đồng, đánh bắt ngoài biển 20 ngày, khi về lỗ mất 150-200 triệu đồng. Nhà tôi đang vay tiền ngân hàng, mỗi tháng trả lãi trên 100 triệu đồng. Tương lai không xa chắc phải bán ghe vì biển ít cá quá”.

Ông hoài niệm: “Từ năm 2015 về trước làm ăn thuận lợi, cá nhiều lại được giá. Hồi đó, mỗi chuyến ra biển, tàu tôi tốn hàng tấn mực làm mồi câu, giờ chỉ cần vài chục kg mực mồi thôi”. Rồi ông lý giải nguyên nhân biển cạn kiệt: “Nhiều người khai thác tận diệt quá, con gì cũng bắt, cỡ nào cũng bắt làm nguồn lợi thủy sản cạn kiệt. Ở nước ngoài, người ta khai thác theo mùa, đánh bắt một số loại đúng cỡ. Còn mình, lớn, nhỏ đều bắt hết. Bây giờ, người ta chủ yếu dùng lưới mùng. Loại lưới này bắt được cả trứng cá mà trứng vớt lên chỉ bán được giá như cá phân, có 5.000 đồng/kg. Cứ đà này, vài năm nữa sẽ không có cá mà ăn”.

Yên tâm nhờ “hộp đen”

Ngư dân vùng biển Sông Đốc thường gọi thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá là hộp đen. Trái ngược với tâm trạng của một số ngư dân không muốn lắp đặt hộp đen, sợ lộ ngư trường, ông Nguyễn Hữu Tân, ở khóm 1, lại rất hào hứng khi nói về thiết bị giám sát hành trình. Ông Tân năm nay 59 tuổi, là một trong số những ngư dân lắp thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá của mình khi tỉnh Cà Mau bắt đầu triển khai.

Ông Nguyễn Hữu Tân ủng hộ việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá. Ảnh: Bích Nguyên

Ông Tân làm nghề lưới chụp. Ông đóng tàu từ năm 2017, trị giá 6 tỉ đồng. “Bây giờ, tôi vẫn còn nợ 2 tỉ đồng. Nếu chịu khó làm chắc 2-3 năm là sẽ trả hết”. Ông Tân cho biết, Nhà nước hỗ trợ bảo hiểm, hỗ trợ chi phí lắp đặt giám sát hành trình.

Tuổi đã lớn, thỉnh thoảng bị thiếu bạn thuyền, ông Tân mới ra biển. Thời gian còn lại, ông chủ yếu ở nhà điều khiển việc khai thác thủy sản từ xa qua điện thoại. Ngồi trên cảng cá, ông Tân tươi cười lấy điện thoại, mở phần mềm kết nối thiết bị giám sát hành trình tàu cá chỉ cho chúng tôi xem. Chỉ cần kích vào tàu cá là biết tàu đang ở tọa độ nào trên biển. Mọi thao tác rất đơn giản và nhanh chóng.

“Bây giờ, công nghệ hiện đại, ngồi trong nhà cũng có thể biết hành trình tàu đánh bắt cá của tàu nhà mình. Tàu đi đến đâu, đậu ở đâu, chỉ cần bật điện thoại lên là biết nên rất yên tâm. Nếu tàu ra sát đường phân định trên biển, thiết bị sẽ cảnh báo. Tàu bị nạn chỗ nào, hộp đen cũng sẽ gửi cảnh báo. Nhờ đó mà ứng cứu kịp thời được. Hộp đen hay ở chỗ đó” - ông Tân hào hứng nói.

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, thiết bị giám sát hành trình tàu cá có rất nhiều tính năng hữu ích. Nó có thể xác định vị trí tàu qua điện thoại hoặc máy tính có kết nối internet; xác định vận tốc của tàu theo từng thời điểm; giám sát đóng mở cửa tàu; tắt mở động cơ; cảnh báo SOS khi tàu gặp sự cố; cảnh báo vào ra vùng giám sát và có báo cáo chi tiết; lưu lại lộ trình của tàu di chuyển trong 12 tháng; tích hợp cảm biến nhiên liệu, kiểm soát mức tiêu hao nhiên liệu của tàu...

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO